Tản mạn về ao làng
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, ở bên bờ ao thường diễn ra nhiều hoạt động náo nhiệt, ồn ào mà đằm thắm. Người ta tát cạn ao rồi chia phần cá, có những người vớt từ dưới ao lên những cây gỗ xoan ngâm trong bùn từ tháng giêng để chuẩn bị làm nhà hoặc sửa nhà. Nhiều người chung nhau một con lợn và mổ thịt ngay bên bờ ao, chia thịt, luộc lòng Người ta rửa lá dong để gói bánh chưng thật tấp nập và nhộn nhịp.
Phong cảnh cái ao thật đẹp. Mùa xuân, các đám cưới đủ màu sắc ngả bóng xuống ao làng với những tà áo, khăn, nón xênh xang. Dáng đi của những người dự đám cưới in xuống nước như say như tỉnh. Mùa hạ, trên mặt ao có sen quỳ trắng, sen diệp hồng hoặc hoa súng toả ra một mùi thơm nhẹ. Bên cạnh những bông hoa súng thường có những con chim cuốc đen lủi thủi. Lại có câu: "Ao cá trê, êm ả ngủ chờ sung" hoặc: bèo lạnh cầu ao, ai đợi chờ?..." Cái ao cũng dự báo mùa thu đến: “Bờ ao hiu hắt, nước trong xanh” hay: "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo". Đó là lúc cuối thu đầu đông.
Bờ ao thường được "trang điểm" bằng các loài cây quen thuộc như cây vối, cây sung, rặng cúc tần cổ tích, vương vít những đàn gà con có màu hoàng yến. Một góc ao được bắc giàn mướp để cho những quả bầu, quả mướp rủ xuống. Những khi hoa mướp nở làm vàng rộm cả một góc ao với những cánh bướm bay đi, bay lại. Bờ ao trong sáng như ca dao.
Khi có khách quý đến, chủ nhà lấy vó cất một vài con cá tươi, xử lý thật nhanh, uống rượu ngay bên bờ ao đó là một "bữa tiệc" khó quên. Nhưng cũng có khi ở vào hoàn cảnh: "Ao sâu, nước cả khôn chài cá" thì chủ và khách chỉ uống rượu suông với nhau cũng vẫn rất thân tình.
Ao cũng là nơi hẹn hò, gặp gỡ của trai gái trong làng. Họ hẹn hò và thề thốt với nhau bên bờ ao vào những buổi chiều tối, những đêm trăng hoặc những buổi sáng sớm. Những cuộc tình này cũng rất nên thơ và lãng mạn. Các cô gái trong lễ vu qui, qua chiếc ao làng, lòng lại bồi hồi nhớ những đêm hẹn hò. Tuổi thơ của nhiều người còn gắn liền với những kỷ niệm khó quên:
"Nhớ những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được. . .
Chưa đánh roi nào đã khóc!"
(Quê hương - Giang
Họ hàng của ao có đầm, có hồ, kênh, lạch. Ao cũng có luật âm thầm mà chặt chẽ của nó. Tầng nước trên thường là cá diếc. Tầng giữa có cá trắm, cá chép, cá quả cá sộp. Lớp dưới cùng là cá trê. Riêng có "cá chuối đắm đuối" thì hoạt động ở tất cả các tầng nước. ở trong cái ao, xã hội cá giống hệt như xã hội loài người. Cá tranh ăn, xô xát, đánh nhau, nhường nhịn, sống có đàn...
Ao có nhiều tên tùy theo vị trí địa dư, dáng dấp hoặc đặc trưng riêng như: ao cây vối, ao cây sung, ao chùa, ao đình, ao xóm, ao cây gạo, ao bèo, ao thả cá, ao thả rau cần, ao nuôi vịt..
Ao cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ ngơi, xuống ao khoả nước, nhúng cái nón xuống nước cho mát nón hoặc sẵn tay ướt vuốt tóc và vuốt lông mày để cho các chàng trai có câu ca dao: " Có rửa thì rửa chân tay, chớ rửa lông mày chết cá ao anh".
Đứng ở bờ ao một mình, nhất là trong những lúc thanh vắng là có sự mong, nhớ, tơ tưởng... Như trong câu ca dao: "Đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ": Tâm trạng con người trong lúc này là nói buồn trong cõi nhớ. Người đi xa trở về, thấy chốn quê hương là đẹp hơn cả, cũng bồi hồi: "Ta về ta tắm ao ta; Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Ao nhà ta tuy không phải là đẹp lắm, nhưng nó là cái của ta, cái của mình nên nó đẹp và quý vô cùng.
không rõ tác giả
Related news:
- Tết nhớ về tranh Hàng Trống (31-12-2008)
- Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ (24-12-2008)
- Dải lụa trong hội Dâu (24-12-2008)
- Bánh khúc làng Diềm - Món quà quê đượm tình Quan họ (24-12-2008)
- Không gian xứ Huế (15-12-2008)
- Hội Chen (15-12-2008)
- Tục lệ ăn trầu - nét văn hóa dân tộc (12-12-2008)
- Chốn quê (09-12-2008)
- Gốm Cậy (08-10-2008)
- Làng gốm ven Sông Cầu (01-10-2008)
Last modified 06-10-2006