Tìm lại điệu hát Dô

Hát Dô là điệu hát cổ, thời xa xưa thường được biểu diễn phục vụ vua chúa, quan lại. Tuy nhiên, do lời hát mộc mạc, gần gũi với đời sống nhân dân nên ngày nay hát Dô được khôi phục lại, trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây...

 

Tương truyền, hát Dô do Đức Thánh Cao Sơn (Sơn Tinh), một trong bốn vị thánh linh thiêng nhất ở Việt Nam truyền lại. Lối hát Dô cổ truyền có tới 36 làn điệu. Người hát Dô chuẩn phải biết vừa hát, vừa múa. Nhưng ngày xưa có lệ: cứ 36 năm người dân Liệp Tuyết mới tổ chức hội hát Dô một lần, chỉ khi có hội mới được tập hát. Vì vậy, người dân hiếm khi được nghe những làn điệu hát Dô, được xem hội hát Dô, còn người biết đủ 36 làn điệu thì lại càng hiếm...


 

Những năm đầu thập kỷ 90,  chị Nguyễn Thị Lan, chủ tịch Hội phụ nữ xã Liệp Tuyết, bàn bạc với ban lãnh đạo xã phục hồi, phát triển điệu hát Dô bấy lâu ngủ vùi trong tâm trí những cụ già trong làng. Chị quyết tâm đưa hát Dô trở thành một nét sinh hoạt văn hoá thường nhật của người dân nơi đây sau các buổi lao động. Thời gian đầu chị Lan mất rất nhiều thời gian thu thập lời hát và tập hợp chị em tham gia học hát. Chị còn phải thường xuyên đến gặp gỡ, trao đổi, thuyết phục các cụ già trong làng tham gia vào việc truyền dạy cho thế hệ con cháu. Chị Lan may mắn được cụ Đàm Thị Điều dạy ròng rã suốt 4 tháng trời đủ 36 làn điệu hát Dô. Trước lúc qua đời cụ căn dặn chị Lan: “Con chớ để thất truyền điệu hát này”. Và từ năm 1998 tới nay, chị Lan đã liên tục mở các lớp học hát Dô. Ban đầu, tham gia học chỉ toàn là những chị em đã ngoài 40 tuổi, dần dà lớp trẻ trong làng cũng háo hức và tự nguyện theo học.

 

Cứ tối đến, tiếng í ới gọi nhau đi tập hát rộn rã cả xóm làng. Trên cơ sở đó, năm 1998, Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết đã được thành lập. Không chỉ hát lời cổ, các thành viên Câu lạc bộ còn đặt lời mới cho những làn điệu hát Dô cổ truyền, tạo nên sự gần gũi, hấp dẫn đối với người nghe. Từ đó, hát Dô với sức cuốn hút mạnh.

 

mẽ của lời hát, điệu múa đã vượt qua không gian văn hóa làng để đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Ngày nay, cứ vào dịp hội hè, lễ tết, giữa sân đền Khánh Xuân, chị Lan lại say sưa cùng các cháu nhỏ vừa hát vừa biểu diễn những làn điệu hát Dô dí dỏm, vui tươi. Nào là điệu "Trúc mai" trữ tình, điệu "Lên chùa" vui và thiêng liêng, điệu "Muỗi đốt tứ tung" đầy tính dân gian..., biến Liệp Tuyết trở thành "địa chỉ văn hoá" bảo tồn một bộ môn nghệ thuật truyền thống quý báu của dân tộc.

Nguyễn Tuấn Long