Chùa Huyền Không ở Huế
Cách thành phố Huế chừng 10 km, đi qua ngôi làng bình dị, tiếng thông và tiếng suối reo sẽ đưa bạn theo một con đường đất gập ghềnh dẫn lên núi Chằm, nơi có một ngôi chùa nhỏ đơn sơ nhưng lại cuốn hút đến lạ kỳ.
Phật điện bằng gỗ được dựng trên cao uy nghi mà vẫn gần gũi với du khách thập phương. Các am, cốc thấp thoáng trong rừng thông là nơi các cư sĩ trau dồi Phật pháp, hành thiền và cũng là nơi họ thượng đàm đạo với khách đến thăm chùa.
Am Mây Tía cũng là nơi những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi và uống trà. Dọc đường lên chùa du khách có thể dừng lại để thưởng thức, để chiêm nghiệm lời hay ý đẹp được thể hiện bằng nét thư pháp bay bổng tài hoa của chư tăng cư sĩ hay của khách thơ đến chùa đề tặng.
Nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã sống ở đây hơn mười mấy năm từ những ngày đầu nhà chùa nhận đất trồng rừng, rồi dựng chùa và tôn tạo nơi đây để dành tặng cho nhân gian, nhẫn nại theo đuổi con đường hướng lòng người đến gần với thiên nhiên, với cái đẹp.
Nằm giữa lưng chừng một đồi thông ngát xanh, Huyền Không Sơn Thượng ngày càng có nhiều người tìm đến. Những người yêu thích thư pháp ở Huế cũng như khách phương xa vào dịp lễ Phật Đản và trong thời gian diễn ra lễ hội Festival tụ hội về chùa Huyền Không Sơn Thượng để gặp gỡ đàm đạo và cùng nhau thưởng thức các nét bút tài hoa. Các tăng ni ngụ ở Huyền Không Sơn Thượng, ngoài hai buổi hành thiền vào sáng sớm và chiều tối, thì theo học Phật pháp ở Huyền Không Sơn Trung. Khất thực cũng là một trong những pháp mà nhà chùa hướng cho các nhà sư trẻ tu tập. Trong mỗi bước chân xuống núi, họ học cách sống một cuộc sống bần hàn, vô ngã, giữ tâm bình yên trước kẻ giàu người nghèo, đối diện với chính bản thân mình để vượt qua những khó khăn, những sợ hãi mà họ đang hoặc đã từng mang nặng trong lòng.
Huyền Không Sơn Trung nằm dưới chân núi Chằm, là trường đào tạo các khóa sơ cấp và trung cấp về Phật học.
Huyền Không Sơn Hạ hay còn có tên là Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế nay là nơi khám và chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp Đông y. Đây cũng là nơi đào tạo các lương y cho các cơ sở khám chữa bệnh Đông y của Thừa Thiên-Huế.
Mỗi người đến với các ngôi chùa Huyền Không bằng những con đường khác nhau. Có người đã ở chùa khi còn rất bé, cũng có những người được gia đình gửi vào chùa học Phật pháp để nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện nhân cách làm hành trang cho cuộc sống mai sau. Cũng có người trong lúc tuyệt vọng nhất đã tìm đến đây nương nhờ, để gội rửa tâm hồn và để tìm lại một hướng đi.
Theo
Các tin liên quan:
- Tết nhớ về tranh Hàng Trống (31-12-2008)
- Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ (24-12-2008)
- Dải lụa trong hội Dâu (24-12-2008)
- Bánh khúc làng Diềm - Món quà quê đượm tình Quan họ (24-12-2008)
- Không gian xứ Huế (15-12-2008)
- Hội Chen (15-12-2008)
- Tục lệ ăn trầu - nét văn hóa dân tộc (12-12-2008)
- Chốn quê (09-12-2008)
- Gốm Cậy (08-10-2008)
- Làng gốm ven Sông Cầu (01-10-2008)
Cập nhật 22-01-2007