Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Tuesday, 24/12/2024 3:14

Những câu ca dao thông minh và hóm hỉnh

Chúng ta biết, tục ngữ và ca dao có sự khác nhau ở chỗ: tục ngữ thiên về lí trí và cách diễn đạt trong kết cấu nội tại của nó có tính lôgíc chặt chẽ; còn ca dao thì thiên về tình cảm và cách diễn đạt có phần tinh tế, linh hoạt hơn. Chúng ta hãy đi vào một số câu ca dao sau:

1.
Gần chùa gọi Bụt bằng anh,
Thấy Bụt hiền lành, bế Bụt đi chơi.


Tục ngữ ta cũng có câu "Bụt chùa nhà không thiêng". Câu tục ngữ có nội dung biểu hiện là những người quen biết nhau, chung đụng với nhau hàng ngày thì dễ xem thường nhau. Nhưng cái nghĩa gốc của câu nói này, đối chiếu với nội dung câu ca dao mà chúng ta đang bàn đây, vẫn thấy có sự gần giống nhau. Vì Bụt ở chùa gần nhà nên không phải xem thường mà vì gần gũi, thân thiết, do đó mới gọi Bụt bằng anh: "Anh Bụt!" Một cái tên gọi thật lạ và vui tai ghê! Nhưng chưa hết. Lại còn mang Bụt từ bàn thờ Phật xuống để bế Bụt đi chơi, vì thấy Bụt hiền lành, dễ thương... Câu ca dao cho ta thấy đạo Phật đối với người dân Việt
Nam trước đây thật gắn bó, gần gũi và có đặc điểm dân dã rõ rệt: Phật và người chẳng có gì cách biệt nhau! Câu ca dao toát lên một tình cảm thương yêu chân thực mà lại rất hóm.

2.
Đàn ông một trăm lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.


Trong bài viết Những câu tục ngữ thông minh, tôi đã nói đến một câu nói mang nội dung ý nghĩa gần như câu ca dao này. Đó là câu "Đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đấy". Câu ca dao đây không ví đàn ông như cái nơm, mà nói thẳng "đàn ông một trăm lá gan". Vế này của câu ca dao nói rằng người đàn ông có rất nhiều lá gan, dĩ nhiên là nói một cách văn chương thôi và con số 100 không phải là một con số xác định ở đây. Nhưng tại sao câu ca dao lại nói lá gan, mà không nói đến "trái tim" chẳng hạn. Ta biết "trái tim" thường biểu hiện về tình yêu, về tâm hồn con người. Còn "lá gan" thường biểu hiện về sự gan dạ, sự can đảm. Tức là ở đây không nói đến việc người đàn ông yêu nhiều người đàn bà khác, ngoài vợ mình (tuy rằng trong thực tế không phải không có những người đàn ông như thế!) mà nói lên là đàn ông "có gan" ăn ở với cả vợ mình và 99 người đàn bà khác. (Chúng ta không nói đến chế độ đa thê ở đây!?). Đối với vợ, ngoài tình yêu, người đàn ông cũng phải "có gan" ăn ở với vợ ("lá ở cùng vợ" mà!). Nhưng cái chính mà câu ca dao muốn nói đến là 99 lá gan mà anh ta toan ăn ở cùng những người đàn bà khác. Chỉ "toan" thôi, nghĩa là chỉ mới có ý định, ý muốn thi gan "cùng người" thôi. Nhưng cái ý muốn, cái ý định ấy cũng thật "ghê gớm"! (những 99 lá gan cơ mà!).

Câu ca dao quả là thâm thúy mà thật hóm hỉnh.

3.
Chẳng tư túi, chẳng trăng hoa,
Cớ sao lại thiết việc nhà người dưng?


Đọc câu ca dao, ta hiểu là nó biểu hiện về một tình yêu nam nữ kín đáo, vì nó không biểu hiện trực tiếp và cách nói của nó có phần hơi "lắt léo". Vậy chúng ta hãy tìm hiểu: thế nào là "không tư túi"? Thế nào là ”không trăng hoa“? Và thế nào là "thiết việc nhà người dưng"? Sau khi nắm được ý nghĩa của các vế câu trên đây, ta thấy câu ca dao nói là không muốn lợi dụng để lấy của người khác ("không tư túi"), cũng không phải để quan hệ trai gái lăng nhăng, không đứng đắn ("không trăng hoa"), vậy thì tại sao lại quan tâm tha thiết đến việc nhà, việc cửa của người không phải họ hàng, thân thích gì với mình? Ta thấy ngay đó chỉ do tình yêu chân chính mà thôi! Như vậy, quả là câu ca dao có chiều sâu suy tưởng, thể hiện một lối nói dí dỏm, thông minh của dân ta.

4.
Chẳng tham nhà ngói rung rinh,
Tham vì một nỗi anh xinh miệng cười.


Câu ca dao này cũng nói về tình yêu, nhưng không nói "quanh co" như câu ca dao trên đây, mà nói thẳng vì sao em yêu anh: em yêu anh, vì anh có cái miệng cười duyên. Đây là một câu ca dao rất đẹp: có những hình ảnh gợi cảm và cách biểu hiện đặc sắc: Nhà ngói rung rinh và tham vì một nỗi anh xinh miệng cười. "Nhà ngói rung rinh" là nhà cửa tòa dọc dãy ngang, giàu có, sung túc, tiền của, thóc lúa rủng rỉnh trong nhà. "Tham vì nỗi anh xinh miệng cười" có từ tham dùng rất đắt, tỏ rõ tình cảm say mê vì con người anh duyên dáng, vì cái miệng anh cười rất có duyên. Người con gái trong câu ca dao nói không úp mở: em yêu anh không phải vì nhà anh giàu có, sang trọng, mà chỉ vì anh duyên dáng, đẹp trai. Đó là một tình yêu đẹp: không vụ lợi, chỉ xuất phát từ một tình cảm chân thành, thể hiện đúng tâm lí của tuổi trẻ.

Đây cũng là một câu ca dao có chiều sâu suy tưởng, nhưng chiều sâu ấy đã bộc lộ trên cái vẻ chân thực, hồn nhiên của nó.

5. Chúng ta hãy đi vào câu ca dao đùa vui sau:

Chồng còng lấy vợ cũng còng,
Nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa.


Câu nói có vẻ hơi "ác khẩu" một chút, nhưng đó chỉ là một sự đùa vui vô hại. Hai vợ chồng còng khi nằm quay mặt vào nhau (để nói chuyện tâm tình với nhau, chẳng hạn) thì rõ ràng hai người đã tạo thành một vòng cung, một vòng tròn khá tròn. Cho nên, hai vợ chồng ấy nằm trong một cái nong thì vừa vặn, hơn là nằm trên một chiếc phản gỗ hình chữ nhật. Nhìn cái cảnh hai vợ chồng còng đó nằm trên một chiếc nong khi tâm sự cùng nhau trông thật là vui mắt!

Có một câu ca dao đùa vui theo kiểu như trên nữa có vẻ ít "ác khẩu" hơn, vì bệnh hen mà câu ca dao nói đến không phải là một cái tật xấu về hình thể như tật còng:

6.
Chồng hen mà lấy vợ hen,
Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi


Cứ tưởng tượng nghe hai vợ chồng hen ấy nằm cùng giường mà thở khò khè khó nhọc như rên rỉ thì đúng là hai chiếc kèn rè cùng nhau "cò cử", hòa âm với nhau, lúc bổng, lúc trầm, trong đêm vắng. Nếu có điều kiện, hai vợ chồng đó nên cùng nhau dọn đến ở một nơi có khí hậu ôn hòa, ít ẩm ướt và ít rét, như các tỉnh miền Nam Việt
Nam chẳng hạn; khi ấy thì tiếng kèn cò cử thổi đôi trong đêm vắng sẽ bớt đi thôi!

Các câu ca dao đùa vui này nghe thật vui mà thật thông minh, hóm hỉnh.
 

Lê Anh Hiền

 

Created by admin
Last modified 31-01-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin