Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 23:23

Tiếng Đàn Môi Mùa Xuân

Mùa xuân trên rẻo cao, bắt đầu từ những cánh hoa đào khoe sắc trên triền núi biếc xanh. Đất trời như chợt bừng sáng lên, bởi muôn ngàn chồi non nảy lộc mơn mởn trên cành. Thoảng trong làn gió, nghe văng vẳng tiếng đàn môi dìu dặt, tiếng sáo gọi bạn tình da diết. Đó chính là những lời nhắn gửi, trao duyên của trai gái người Mông mỗi khi trời đất vào xuân.

Đàn môi là một loại nhạc cụ khá độc đáo của đồng bào Mông. Nó được chế tác từ một thanh tre nhỏ mỏng thành đàn có gờ, lưỡi gà và hai cánh. Khi sử đụng, người ta đưa đàn lên môi thổi nhẹ, vòm miệng sẽ cộng hưởng tới lưỡi gà và dùng ngón tay cái gảy, tùy theo hơi dài ngắn và cách điều khiển của ngón tay mà âm thanh đàn môi sẽ trầm bổng theo các giai điệu khác nhau.

Từ xa xưa, người Mông đã dùng đàn môi để thổ lộ tâm tư tình cảm, làm cầu nối trong những buổi đầu gặp gỡ. Đàn môi được sử dụng mọi nơi mọi lúc, từ những buổi xuống chợ phiên, lên nương, lên rẫy hay các dịp lễ tết. Ngày thường, những cô gái Mông sống rất có nề nếp, mỗi khi màn đêm buông xuống, họ ít ra khỏi nhà. Các chàng trai thường đến đầu hồi nhà người con gái mình thích, dùng đàn môi để tỏ tình. Nếu cô gái ưng thuận, họ cũng dùng đàn môi trả lời người thương:

Ơi anh, nhà em không có rào
Ơi anh, nhà em cửa không cao
Anh yêu, anh cứ vào, cứ vào...


Tết đến, người Mông tưng bừng mở hội "Gầu tào", "Sải sán" (Đi chơi núi), những chàng trai Mông mạnh khoẻ, da nâu bóng trong bộ quần áo chàm đen, dập dìu bên những thiếu nữ váy áo sặc sỡ, cổ đeo vòng bạc trắng lấp lóa, nói cười ríu rít, cùng nhau trảy hội mùa xuân. Dưới những gốc đào đỏ thắm, người con gái e ấp ngồi, váy hoa xòe rộng như cánh bướm xuân. Ngồi đối diện với họ là những chàng trai, tay cầm sáo trúc hoặc kèn bè. Bỗng điệu "khâu xìa plềnh" (tình ca) vút lên, mở đầu buổi giao duyên:

Trong lòng anh, em là bông hoa đẹp nhất
Là tiếng chim hót buổi sớm mai,
Là ngôi sao đầu núi
Anh mê mẩn trong lòng


Bằng giai điệu và âm sắc của chiếc đàn môi, cô gái sẽ thổ lộ tiếng lòng mình, đủ cho bạn tình nhận biết:

Anh ơi! Em chẳng chê anh nghèo
Em yêu anh vì anh là chàng trai khỏe mạnh
Ta sẽ cưới nhau...


Đáp lại người con trai cũng dùng đàn môi, hoặc tiếng khèn bè du dương, thể hiện nỗi khao khát muốn được tâm tình cùng cô gái:

Ớ sao em đẹp thế
Người đâu lung linh ánh bạc,
Em biết không con nai ngơ ngác
Xuống núi tìm hang đâu có hang,
Em đừng cậy có nhiều bạc trắng
Không có anh bạc tuột khỏi tay...


Trả lời người yêu qua tiếng đàn môi, cô gái gửi gắm tình yêu một cách ý nhị mà sâu sắc. Con gái Mông khi đã yêu, đã say tình cảm của họ thật nồng nàn mãnh liệt. Cứ thế trai gái Mông say sưa trao gửi tâm tình, giữa khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp. Rồi những đôi tình nhân như tan biến vào trong núi, chỉ còn tiếng đàn môi nhẹ như hơi thở mùa xuân, càng về sau càng bịn rịn lưu luyến:

Kìa mưa về hoa dưa nở tươi
Kìa nắng đến hoa dưa buồn khô
Yêu chàng em yêu lắm,
Ra về, thương nhớ mãi chàng ơi!


Trong thực tế, nhờ những dịp gặp gỡ ở hội xuân mà bao người đã nên vợ nên chồng, đàn môi cũng góp phần không nhỏ vun đắp cho tình yêu đôi lứa. Bởi đàn môi gọn nhẹ, dễ làm, dễ sử dụng, nên đến ngày nay, nó vẫn được trai gái Mông yêu thích. Mỗi khi thổi đàn môi, người ta quên đi bao nỗi vất vả lo toan thường nhật, để đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào.

Cứ mỗi độ xuân về, cùng với những phong tục đặc sắc, tiếng đàn môi quả là một thứ ngôn ngữ tình yêu độc đáo của dân tộc Mông, hòa quyện với âm hưởng hoang dã của núi rừng, khiến ai đã từng được nghe còn nhớ mãi.

Bạch Dương

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 07-03-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin