Cổng làng Hà Nội xưa và nay
“Cổng làng Hà Nội xưa và nay” đã đi sâu vào mục đích khai thác văn nghệ dân gian vật thể và phi vật thể ở từng địa phương để từ đó góp phần gìn giữ những nét văn hoá mà chúng ta thường gọi là Hồn Việt.
Cuốn sách có 170 tấm ảnh màu chụp chân dung cổng làng ở hai phía trước và sau. Những tấm ảnh đó cho ta một cách nhìn trực diện để có thể thấy rõ nét sinh động của từng cổng làng. Sau cách diễn tả bằng ảnh chụp, mỗi cổng làng đều có lời mô tả khái quát và một số ghi chép về tư liệu dân gian, lễ hội, truyền thuyết của mỗi làng qua đó giúp độc giả hình dung được cuộc sống đằng sau cánh cổng làng là những gì? Chúng ta ai cũng hiểu rằng sau cánh cổng làng là sự kết nối cộng đồng gia tộc làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hoá riêng biệt không làng nào giống với làng nào. Tác giả đã dày công tìm hiểu, ghi chép, gạn đục khơi trong, từng câu chuyện truyền miệng, từ văn tự ghi trên câu đối ở cổng làng, đến tín ngưỡng và lễ hội từng nơi. Sự sâu sắc đó khiến cho khi đọc xong cuốn sách, ta có cảm giác được hiểu thêm những vấn đề về văn hoá dân gian mà bấy lâu nay đã bị lãng quên, đi dần vào dĩ vãng. Nay qua cuốn sách các tư liệu đã đứng lại để đời đời gìn giữ.
Nhiều câu chuyện, câu ca dao, câu hát ví, câu đối tưởng đã mất theo thời gian cũng được tác giả đưa về hiện thực. Đọc qua mỗi cổng làng, chí ít tác giả cũng cho ta biết một nét riêng về làng đó: Làng Trung Nha có nghề làm giấy sắc, làng Trung Kính có nghề làm hương đen, thôn Chằm Bầu (Kim Chung Đông Anh) có tục thờ công chúa Tiên Dung, làng Đại Từ có tục nuôi con nuôi, tận tuỵ vì con nuôi đến mức nhà vua ban tặng Đại Từ nghĩa dân, làng khoa bảng Nguyệt Áng tuy có 11 vị đại khoa nhưng vẫn có chuyện “Trạng Nguyên mượn”, làng Đại Cát có nghề làm đậu phụ, làng Trung Văn có nghề thừng chão....
Hơn thế nữa cuốn sách còn ghi chép lại từng câu đối ở mỗi cổng làng, dù chỉ là những dòng chữ phiên âm nhưng cũng giúp cho người sau có thể khôi phục được nguyên dạng. Những câu hát ví (Trung Văn) hát trống quân (Đức Diễn) hoặc trình tự lễ hội mà ít người biết đến: Đó là tục làm thuyền hoa bằng cây chuối thờ bà Thiên chúa trên Chằm Bầu, tục làm lễ giải oan tại lễ hội đền Chèm...đều được ghi chép một cách cẩn thận. “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” là tập hợp những bài viết, nghiên cứu của tác giả từ 1996 đến nay, là công trình khoa học mang ý nghĩa thiết thực cho bất cứ ai quan tâm đến Hà Nội, đến lịch sử các cổng làng và cũng là món quà nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Giáo sư Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch
Cổng Trung Nha
Cổng Vĩnh Hưng Trung
Cổng Đại Áng cũ
Cổng Thư Cưu
Related news:
- Nhớ hội Xuân xưa (12-02-2008)
- Cỗ và mâm cỗ Việt Nam (05-02-2008)
- Mùa Xuân từ vườn nhà (04-02-2008)
- Đầu năm ăn bưởi (04-02-2008)
- Tâm linh người Việt trong khói hương ngày Tết (04-02-2008)
- Lời chúc đầu năm (04-02-2008)
- Bánh chưng xanh – Linh hồn Tết Việt (04-02-2008)
- Nếp xưa (04-02-2008)
- Mùa xuân hoa và người (01-02-2008)
- Gia Phong (10-01-2008)
Last modified 14-06-2007