Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 1:3

Ngọt ngào cải lương

Lâu lắm rồi, từ hồi còn bé, có một lần người thầy dạy tiếng Anh cho tôi, bảo rằng: "Khách thập phương rất thích nghe Cải lương Nam Bộ, vì phần lớn các nghệ sĩ đều có chất giọng Cải lương luyến láy mượt mà. Và mỗi lần họ xuống xề sao mà ngọt ngào. Lắng mình trong tiếng đờn mùi mẫn, nghe xốn xang nỗi mênh mang nào đó".


Ngạc nhiên quá, thầy là dân Tây học sao lại cũng am tường cách hát tân thời này; không phải như Chèo ở Bắc Bộ hay hát Bộ của miền Trung, những loại hình nghệ thuật kinh điển và mẫu mực.

Hai tiếng "cải lương" có nghĩa là "sửa đổi cho tốt hơn." Vào năm 1917, khi Cải lương ra đời, khán thính giả nhận thấy điệu hát này có phần tân tiến hơn điệu hát Chèo hay hát Bội, nên cho đó là một việc cải thiện những điệu hát cổ cho tốt hơn. Phải vậy chăng mà công chúng dùng hai tiếng “Cải lương” để đặt tên cho điệu hát còn nhiều mới mẻ này.


Một trong những nét đặc trưng văn hóa của lịch sử hơn 300 năm đất Sài Gòn - Gia Định, nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, là "cơ cấu kiến trúc" Việt - Hoa - Châu Âu. Bên cạnh đó, nhìn ở góc độ nghệ thuật, sự kết hợp hài hoà giữa ba nền văn hoá: văn hoá người Việt với nét đặc sắc trong văn hoá phương Bắc và phương Tây chính là nền nghệ thuật Cải lương Nam Bộ.

Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc ra đời vào đầu thế kỷ XX, cách đây chưa tới một trăm năm. Nguồn gốc của nó là những bài hát lý, ca nhạc tài tử ở miền Tây Nam Bộ. Khởi đầu, từ những hình thức ca nhạc thính phòng, tiến tới các diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh hoạ, gọi là ca ra bộ (một hình thức diễn xuất vô cùng đơn sơ) với các nghệ nhân không chuyên, để phục vụ cho những buổi tiệc tùng, giải trí, trà dư tửu hậu.

Có thể nói, ca ra bộ là cây cầu nối giữa đàn hát thính phòng và sân khấu hát kịch Cải lương sau này. Bởi lâu dần con đường phát triển tất yếu của ca ra bộ là đi vào nghệ thuật sân khấu. Bước đầu là “hát bộ có pha lẫn cách hát tân tiến, gọi nôm na là Cải lương”, rồi tự định hình cho mình bằng một loại hình riêng vào thập niên 40. Cải lương gắn bó chặt chẽ với những người dân Nam Bộ, do đặc điểm phát âm ngọt ngào nên giọng Nam Bộ ca Cải lương rất "mùi mẫn".

Ngay từ lúc mới ra đời, Cải lương đã chịu ảnh hưởng có tính quyết định của hai dòng sân khấu: sân khấu Tuồng truyền thống của Việt Nam và sân khấu Kịch hiện đại của Pháp. Sân khấu Tuồng Việt Nam mang đặc trưng chung của sân khấu Châu Á là cấu trúc kịch bản, vở diễn theo kiểu tự sự và sân khấu Kịch Pháp mang đặc trưng chung của sân khấu Châu Âu là cấu trúc kịch bản, vở diễn theo kiểu A-ri-xtốt. Vì vậy, Cải lương cũng đã có hai kiểu vở diễn rất khác nhau, nhưng cả hai lại có chung một nguồn âm nhạc. Các bài bản âm nhạc của Cải lương đậm chất dân tộc, có đầy đủ thể loại để thể hiện tâm trạng nhân vật với tất cả các trạng thái khác nhau, tạo điều kiện cho diễn viên ca hát kết hợp với diễn xuất dù biểu diễn theo kiểu Tuồng Việt Nam hay theo kiểu Kịch Pháp.

Trong quá trình phát triển, các tác phẩm Cải lương đã được bổ sung thêm từ nguồn Dân ca, Hò, Lý. Và khi tiếp cận, giao lưu với sân khấu Kịch hát Quảng Đông (Trung Quốc) và tân nhạc của phương Tây, Cải lương cũng đã chọn lọc một số bài bản, dân tộc hóa để làm giàu thêm vốn âm nhạc sẵn có. Cùng lúc bổ sung thêm các bài bản, dàn nhạc dân tộc của Cải lương đã biết cách tiếp nhận các nhạc cụ hiện đại. Những cây đàn vi-ô-lông, măng-đô-lin, ghi-ta của phương Tây được các nghệ sĩ Việt
Nam khoét phím để khi chơi đàn, cung bậc và giai điệu phù hợp với dàn nhạc dân tộc đã có sẵn. Cho tới nay, cây đàn ghi-ta phím lõm là nhạc cụ chính của Cải lương và đã trở thành cây đàn dân tộc của Việt Nam.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng sân khấu Cải lương nhanh chóng tạo cho mình khối lượng kịch mục phong phú. Nhiều vở diễn được các tác giả cho ra đời đã nhanh chóng được công chúng đón nhận: Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ. Sau này, các soạn giả đã chuyển từ đề tài lịch sử, xã hội mở ra các vở diễn chuyển thể từ tiểu thuyết lãng mạn đương thời có nhiều tình tiết ly kỳ, hoặc các lớp diễn xuất sống động như "Nhảy cửa sổ đấu dao găm"... Dần dần Cải lương phát triển rộng ra cả nước. Nghệ thuật Cải lương có một sức sống kỳ diệu nhiều khi muốn lấn át cả hai loại hình Kịch hát dân tộc đàn anh, thậm chí có lúc làm mưa làm gió trên cả ba miền Nam - Trung - Bắc.

Cũng như các nghệ thuật Kịch hát dân tộc khác, Cải lương bao gồm múa, hát, âm nhạc (không kể kịch bản tích trò). Nhưng trong tiến trình hoàn thiện và phát triển, Cải lương đã trải qua những thể nghiệm đổi mới về âm nhạc, dàn nhạc Cải lương không dùng bộ gõ như Tuồng, Chèo mà đàn ghi ta phím lõm và đàn nguyệt là hai nhạc cụ chủ đạo.

Nhưng nói đến Cải lương, mà không nhắc đến đờn ca tài tử là một thiếu sót không thể tha thứ được. Ở Nam Bộ, kể cả dân gốc gác hay những người lưu lạc tứ xứ, đều nằm lòng lời vọng cổ sáu câu, nhất là bài "Dạ Cổ Hoài Lang" - bài nòng cốt trong 20 bài tổ của đờn ca tài tử và ca nhạc Cải lương.

Ca nhạc tài tử cũng mang đủ bốn điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán; và bốn hơi” Xuân, Ai, Đào, Ngự, chia ra 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài (Ngự).... Vẫn bản nhạc đó, người ta chỉ thay lời là phù hợp với mọi hoàn cảnh: quan, hôn, tang, tế, biệt ly, thất tình, thất sủng. Vì thế, nó tồn tại và phát triển hàng thế kỷ nay.

Cuộc chơi của đờn ca tài tử không hạn định thời gian, không gian, lại chỉ gọi là "giúp vui" - mang tính cộng đồng sâu sắc và bình đẳng giữa mọi người, nên thậm chí nếu có đờn hay ca rớt nhịp, cũng chẳng có ai chê cười.

Đờn ca tài tử Nam Bộ vừa mang nét trang trọng cung kính của nhạc lễ vừa chứa chan sự dịu êm ngọt ngào của tâm hồn những con người mới đến định cư ở một vùng đất xa lạ, mang trong tim nỗi hoài hương sâu lắng. "Lễ phải có Nghi. Nhạc phải có Hoà. Tiếng đàn phải có đủ trầm, bổng, khoan, nhặt." Các nhà nghiên cứu: Sơn Nam, Giáo sư Huỳnh Minh Đức, nhạc sĩ Vũy Chỗ, luật sư nhạc sĩ Tấn Nhì... đều cho rằng nhạc tài tử Nam Bộ dựa vào học thuyết Âm – Dương ngũ hành với ngũ cung: Giốc: Hò (Mộc), Chuỷ: Xự (Hoả), Cung: Xang (Thổ), dựa vào nền tảng lễ nghĩa, đạo đức phương Đông mang trong mình cái gốc của luân lý, và cung cách làm người. Chính những điều ẩn chứa trong mỗi bài ca Vọng cổ như thế mà đã hình thành nên "đạo" của nghệ sĩ Cải lương. Họ quan niệm rằng đi hát không phải là một nghề. Vì "người nghệ sĩ đứng trên sân khấu có cái gì đó rất thiêng liêng. Cái đạo ấy thật cao đẹp, vừa nói lên tiếng nói của tâm hồn, vừa thể hiện cái chất trí tuệ của con người trong cuộc sống. Nó không phải là một nghề như buôn bán, và nếu nhờ đi hát mà có cơm ăn áo mặc thì cũng chỉ là chuyện thứ yếu mà thôị" (Soạn giả Cải lương Lê Hoài Nở - Trích hồi ký của nghệ sĩ Bảy Nam "Trôi theo dòng đời")

Ц#7841;o, là cái gốc để giữ cho con người thật sự là con người lương thiện, biết sống, làm việc có ích lợi cho con người, biết yêu thương, biết cảm thông, biết chia sẻ cùng nhau những cảnh đời cùng khốn. Thiếu Ц#7841;o ở bất cứ một quốc gia nào, một gia đình nào, một con người nào, cuộc đời sẽ khó mà tồn tại như nó đã tồn tại từ triệu năm này sang triệu năm khác. Thiếu đạo, con người thật ra khó thể trả lời cho mình câu hỏi: "Sống để làm gì?".

Ц#7841;o nghệ thuật biến người nghệ sĩ trở nên đẹp hơn với chính mình, với các khán thính giả bởi những lời lẽ đạo ý, thiện lương, bởi những cảnh đời trong nghệ thuật vui, buồn, thương, ghét, tha thứ, hận thù, cao sang, hạ tiện, ngã mạn, khiêm cung... mà tác giả đã bày ra trong tác phẩm. Tác phẩm, tức vở diễn với sự đoàn kết của đồng đội: Ц#7841;o diễn, họa sĩ, công nhân, nhạc sĩ.v.v... để người diễn viên nghệ sĩ thể hiện nhân vật đồng nghĩa với bày tỏ tình cảm, thái độ của nhân vật, để rồi trước sàn diễn, khán giả tìm thấy được sự đồng cảm với nhân vật, với người diễn. Vở diễn có thể là một ý thức về thân phận người, có thể là chuyển tải một triết lý nào đó, có thể là một tiếng chuông cảnh tỉnh, hay một bản anh hùng ca .v.v...

Nghệ thuật Cải lương lúc thịnh, lúc suy, lúc thăng, lúc trầm. Chính ở những thời điểm nóng bỏng của nhân loại, của dân tộc, sự chuyển tải đạo qua nghệ thuật đã hình thành tính cách độc đáo của nghề và nhân cách của người làm nghề - hát để khơi gợi cái đẹp trong tâm hồn mỗi con người; hát để nhắc nhở "con người có cội, có tông".

Đó chính là ma lực, sức hấp dẫn, làm say đắm lòng người, ai đã từng biết qua một lần, khó lòng phôi pha. Cải lương và đờn ca tài tử - bản sắc văn hoá thấm đẫm chất Nam Bộ, và cũng rất Việt
Nam.

 

Nhã Vân

 

Tạo bởi thuyvu
Cập nhật 20-07-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin