Mùa Xuân từ vườn nhà
Tuỳ theo điều kiện từng nhà, mứt Tết có mặt với nhiều cung bậc cao thấp khác nhau như người tri âm thích tiếng đàn của tri kỷ. Có loại mứt phổ thông vừa túi tiền tất cả mọi người. Có thứ thật sang thật hiếm. Có thứ cho người già, có thứ để trẻ em vui Tết.
.
Hoa quả vườn nhà ăn tươi đã ngon, đã bổ, đã vui, đã đẹp mắt đẹp lòng, khi được đem làm mứt thì giá trị của đất vườn làm cho mùa Xuân thêm nồng nàn hương vị.
Từ nhiều tháng trước Tết, người ta đã chuẩn bị thu mua hoa quả để sơ chế hoặc phơi khô, chuẩn bị cho mùa mứt Tết vào Xuân.
Đầm sen cho ta từ cái lá, thanh ngó sen... Quý nhất là hạt sen đem làm mứt sen trần. Nó là món mứt cao cấp thuộc loại hảo hạng. Cho cả Tết và cho cả những đám cưới thanh lịch của đô thành tao nhã.
Viên mứt sen tròn trịa trông như những viên ngọc màu vàng. Chỗ tâm sen còn một lỗ nhỏ, tưởng như đó là chỗ để xâu sợi chỉ vàng vào đó làm thành chuỗi ngọc đeo lên cổ cô gái xinh tươi. Nó còn óng ánh những hạt đường kết tinh nhỏ li ti như sương mai đọng lại. Viên mứt sen trần không cần nhiều đường để khỏi át mất mùi vị của nhân sen. Nó nhừ tơi mà không bục, không sượng. Nó tan ra trên đầu lưỡi.
Ăn mứt sen trần với chè búp, cái chát, cái ngọt, cái thơm hoà quyện với nhau, làm ta không thể ăn vội vàng. Vừa ăn vừa ngẫm nghĩ để hương đồng quê, hương đầm sen, hương vườn nhà thấm vào tâm hồn, khiến mùa Xuân như vừa đến từ ngoài cửa đầy hương.
Mứt gừng chỉ có thể nhấm nháp cho tê đầu lưỡi và ấm ran ran trong người. Có khi nó còn mang cả hình dáng sơ khai khi nằm trong lòng đất. Trời lạnh, nhấm một lát mứt gừng, thật là sung sướng. Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau. Ca dao đã nói thế.
Quả bí thực sự sinh ra từ mảnh vườn quen thuộc của mọi nhà. Nhưng khi nó thành mứt thì Tết không thể thiếu nó. Mứt bí là loại phổ thông, ngọt đến mức ê cả răng. Thanh mứt bí hình con chì trong suốt được ngâm đường thành trắng tinh, để bên viên hạt sen, lát gừng... đĩa mứt có màu sắc và hình khối thật vui, thật đẹp.
Viên trứng chim mới hấp dẫn tuổi thơ làm sao. Nó đúng là cái trứng con chim ri, chim sẻ trên cánh đồng làng, trong cái tổ nhỏ nhoi ở đầu hồi nhà hay một cành bưởi, cành nhãn nào đó. Viên lạc rang bọc đường và bột, vừa ngọt, vừa bùi, vừa ngậy. Một vốc trứng chim bỏ vào túi, lúc lúc lại nhấm mấy hạt, tuổi thơ mới thích làm sao.
Thứ mứt có màu đen huyền bóng lộn là mứt mận. Miếng mứt ươn ướt ngọt sắc như được tẩm mật ong, có những cái khía ngang thân quả đã ép sát vào nhau, nằm im lặng khiêm tốn trên đĩa mứt làm ngón tay cứ muốn nhón vào đấy.
Mứt quất khác mứt mận ở hình ngôi sao bốn cánh, nơi mẹ hay chị chúng ta cầm con dao sắc, khía vào đấy cho chảy hết nước chua, ép cho dẹt xuống. Quả quất ăn tươi thì chua nhưng ăn cả vỏ thì lại ngọt mới lạ. Nó còn làm thuốc ho cho trẻ nhỏ. Cây quất tượng trưng cho sự thịnh vượng xum xuê. Quả vàng như đựng đầy ánh nắng mùa Hè để toả hồi quang vào mùa Xuân còn rớt lại. Miếng mứt quất vừa ngọt, vừa hơi he he đắng, vừa thơm, vừa tê tê cảm giác. Ăn nó không ngấy vì quá ngọt như mứt khác... Mỗi hộp mứt thường chỉ có vài ba quả mứt quất, điểm xuyết thêm màu thêm vị, giống như câu thơ đẹp của Nguyễn Du: Cành lê trắng điểm một vài...
Phật thủ là loại quả quý hiếm và rất ngon, là loại cây khó ươm trồng ở vùng đồng bằng. Quả phật thủ trên mâm ngũ quả thơm suốt những ngày Tết và thơm suốt mấy gian nhà. Miếng mứt phật thủ là từng lát mỏng, bổ dọc thân quả, vẫn còn đọng hương vị man mác của rừng núi có sương giá lạnh, thơm rất xa mà cay cũng rất xa. Nó gợi nhớ đến thứ rượu "quăng trô" cất bằng quả ấy.
Mứt dừa là những sợi trắng muốt, vặn vỏ đỗ vì người ta nạo hoặc gọt theo vòng tròn quả dừa cùi. Có khi còn như cái lò xo. Mứt dừa không ngọt bằng mứt bí, không sang bằng mứt sen trần, không cay như mứt gừng, không thơm như mứt phật thủ, nhưng có nó trong hộp mứt làm ta có cảm giác thêm được một mùi vị của vườn nhà, có bóng mát rặng dừa, có tầu lá như chiếc lược chải vào trời xanh mây trắng.
Vườn quê còn cho nhiều thứ quả khác nữa để thành món mứt Tết. Mứt đu đủ dầy cộp, ăn hơi bục. Mứt su hào chỉ là độn thêm cho hộp được đầy. Mứt cà chua cầu kỳ hơn nhưng không ngon lắm dù nó có màu sắc tươi tắn. Mứt cà rốt ăn hơi ngang, thường bao giờ cũng còn lại đến sau cùng.
Mấy năm gần đây, phong trào trồng táo được phổ biến. Táo được mùa. Ăn táo tươi là cái vui của các cô thiếu nữ và trẻ em. Tết đến người ta cũng có sáng kiến làm mứt táo. Những quả táo trở màu nâu đen, ngọt sắc, hơi dính tay, cũng là một món mứt ăn được dù không sang, không quý lắm. Có nơi còn làm mứt khoai lang, mứt mãng cầu, mứt me, mứt sấu... mỗi thứ mang mầu riêng, vị riêng, làm phong phú cho mứt Tết, đổi khẩu vị cho người ăn Tết. Cũng là cái hay.
Nhiều năm trước đây, hộp mứt thế nào cũng có một quả hồng tầu. Đó là quả hồng khô, được ép dẹp xuống, khi ăn phải dùng nước sôi rửa sạch bột phấn đi. Miếng hồng dẻo như kẹo mạch nha. Hộp mứt bày trên bàn thờ, đặt trên bàn tiếp khách ngày Tết, là một món ăn hay đã thành một thứ trang trí không thể thiếu được của ngày Xuân. Nó có màu, có hương. Nó là một thứ đi kèm với bánh chưng xanh, câu đối, dưa hành, chè búp hoặc chè sen, điếu thuốc lá thơm...
Tuy vậy hiện nay Tết đến, bên cạnh hộp mứt là sản phẩm rất quê hương, rất Việt
(sưu tầm)
Các tin liên quan:
- Tết nhớ về tranh Hàng Trống (31-12-2008)
- Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ (24-12-2008)
- Dải lụa trong hội Dâu (24-12-2008)
- Bánh khúc làng Diềm - Món quà quê đượm tình Quan họ (24-12-2008)
- Không gian xứ Huế (15-12-2008)
- Hội Chen (15-12-2008)
- Tục lệ ăn trầu - nét văn hóa dân tộc (12-12-2008)
- Chốn quê (09-12-2008)
- Gốm Cậy (08-10-2008)
- Làng gốm ven Sông Cầu (01-10-2008)
Cập nhật 04-02-2008