Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 19:34

Thú chơi ngày Xuân

Ngày Tết của Việt Nam, bên cạnh những nghi thức lễ tổ tiên và lễ đình chùa, chuẩn bị chu đáo những món ăn ngon, không thể thiếu những trò chơi trong hội Xuân của cộng đồng. Thú chơi ngày Tết bộc lộ bản lĩnh, tính cách, thị hiếu, bản sắc dân tộc, và không ngừng được cải tiến, bổ sung, nâng cao trong đời sống đương đại.

bs_choi-tet_danh-du(5).jpg

Tùy đặc điểm và điều kiện, hoàn cảnh sống, mỗi vùng lại có những trò chơi riêng, nhưng do quá trình giao lưu, cũng có nhiều trò mang tính phổ biến. Vì thế, bên cạnh những trò chơi Bắt chạch trong chum, thả chim câu, đua ngựa, đua cà kheo... thường giới hạn ở một số nơi, lại có các trò đánh đáo, đánh phết, tung còn, kéo co, đấu vật, đá cầu, đánh đu, đánh cờ người, bắt vịt, leo cầu ùm... được tiến hành trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, còn những cách chơi khác gần gũi đời sống tinh thần, bộc lộ tư tưởng và tình cảm rõ nét hơn, tạm gọi là thú chơi. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc sơ lược vài loại hình này.

bs_choi-tet(1).jpg
 

Đó là những Câu đối viết bằng bút lông lên giấy đỏ, một thể loại văn học cô đọng, hàm súc, lời ý chắt lọc, đối nhau từng chữ, từng âm và tổng thể của hai vế. Chủ đề phải nhất quán thể hiện những khát vọng cao đẹp một cách cụ thể, xác thực. Dùng ít từ là tiểu đối, mỗi vế bảy từ là kiểu đối thơ, nhiều từ là dạng đối phú - có thể kéo dài như bài phú. Câu đối viết chữ Hán hoặc chữ Nôm cách điệu, vận dụng điển tích hoặc lối nói dân dã, bao hàm cả nghĩa đen và nghĩa bóng để dễ hiểu và gợi liên tưởng. Lớp người bình dân ưa dán ở cửa ngõ, cột hiên, cột nhà và hai phía bàn thờ, coi là thú chơi tao nhã. Ngày nay, câu đối vẫn được ưa chuộng, có mặt trên nhiều trang báo Tết và người ta chọn in những câu hay đem phát hành.

Tranh Tết dân gian xuất hiện từ lâu, các dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây) và Sình (Huế) nổi tiếng nhất. Màu sắc tranh lấy các chất liệu sẵn có trong tự nhiên, gồm năm thuốc cái chính chế biến thành chín mầu. Đề tài phân ra tranh tín ngưỡng, tranh lịch sử và cổ tích, tranh giáo huấn, tranh về nghề nghiệp và cảnh vật, tranh châm biếm, tranh hài hước, tranh chúc tụng, tranh trấn trạch, tranh mô tả sinh hoạt nông thôn... Tranh dân gian Việt Nam giản dị, hồn nhiên gợi cảm, có phong cách độc đáo.

bs_choi-tet(2).jpg
 


Ngày trước, Tết đến, các chợ quê bày bán đủ loại: tranh “Mẹ con gà” – tượng trưng cho phúc đức, tranh “Đánh đu” – tả cảnh vui chơi đầu Xuân, tranh “Tờ tiền” – mong đủ xài quanh năm, v.v… Trẻ em thích chơi tranh, mua về dán lên tường, người lớn chọn các bức Song Hỷ, Phúc Lộc Thọ, hoặc Tiền Tài, Tiến Lộc, Vũ Đinh, Bình An, Trường Sinh… mua về dán trong phòng khách hoặc trước nhà, mong rước mọi điều tốt lành cho năm mới

Chơi hoa ngày Tết biểu lộ tình cảm gắn bó với thiên nhiên, là tập quán tốt của người Việt Nam. Miền Bắc có hoa đào đỏ thắm, miền Nam có mai vàng rực rỡ, hải đường, mẫu đơn, cúc, hồng, lan, huệ được cắm trong lọ, tỏa hương thơm ngào ngạt bên các cành đào hoặc mai và bát thủy tiên trong suốt. Cây quất sum suê những chùm quả vàng mọng, trồng trong chậu sành men da lươn, men hoa lam đặt giữa nhà, tượng trưng sự đủ đầy, no ấm. Khách thưởng ngoạn hoa và cây cảnh thấy được tài khéo léo chọn lựa, xếp sắp hài hòa của gia chủ.

Tết cũng là những buổi trình diễn nghệ thuật sân khấu của các phường chèo, phường tuồng, phường múa rối, phường ca trù và gánh hát cải lương... Họ là những nghệ nhân xuất thân từ tầng lớp lao động, tập hợp dưới tay một ông trùm, bà cả tài hoa, phân vai tập luyện và đi lưu diễn khắp các làng, xã. Hát múa có dàn nhạc đệm đi đôi với diễn là yêu cầu cơ bản nhằm đáp ứng đòi hỏi xem và nghe của người thưởng thức. Những cảnh đời, những số phận được tái tạo từ hiện thực xã hội, phân định rạch ròi thật giả, hướng tới lý tưởng thẩm mỹ lành mạnh, tạo mối đồng cảm và có sức hấp dẫn mạnh mẽ.

Mùa Xuân tràn trề sinh khí, mùa của đôi lứa trao duyên, mùa hội tụ của âm thanh, nhịp điệu vang vọng trong Những bài ca, điệu múa tình yêu. Trống, cồng, chiêng, sênh, phách, khèn, sáo, kèn lá, các loại đàn tứ, nguyệt, tam thập lục, bầu, hồ, nhị, tính, krông-pút, tơrưng, v.v... là những nhạc cụ truyền thống giàu âm sắc chắp cánh cho những vũ điệu và lời ca, tiếng hát.

bs_choi-tet--(3).jpg
bs_choi-tet--(3).jpg


Người Thái nâng múa biểu diễn xòe khăn, xòe quạt, xòe nón, xoè nhạc, xoè hoa duyên dáng, bay bổng. Người Tày đắm say trong hát lượn cọi, lượn slương. Người Nùng đằm thắm với hát sli. Người Mông linh hoạt, sôi động trong múa khèn, thổi đàn môi đi hội gàu tào. Người Mường có c bùa sử dụng giàn cồng đủ bộ diễn tấu kết hợp hát bài chúc Phác rác và hát thường rang. Cư dân Tây Nguyên có múa cồng chiêng, hát mũn, a-nhông kiêu, kể khan, H’Ămon. Người Khmer Nam Bộ hát A-dây, Người Việt hát Xoan, ghẹo, quan họ, đò đưa, trống quân, múa hát dô giậm, Xuân Phả, phường vải, hát giặm, bội, bài chòi.

Xuân đến còn có tục chơi Cờ người. Chẳng cần “thắp đèn lên” như chị Xuân Hương, chơi giữa ban ngày ban mặt, bàn cờ lớn rộng hàng chục thước được chăng dây, kẻ vôi trên sân đình trước chiều 30 (có khi 29) Tết. Bên trai, bên gái, mỗi bên 16 người, gồm: 1 tướng, 1 sĩ, 2 tượng, 2 xe, 2 pháo, 2 mã, 5 tốt… y hệt như các quân cờ tướng. Mỗi người cầm một tấm biển (hoặc mặc áo) có ghi tên quân cờ. Các “con cờ người” lần lượt di chuyển theo ngọn cờ phất của người đánh cờ. Cờ trai, cờ gái nhích đi nhích lại, liếc dọc liếc ngang… 

bs_choi-tet(8).jpg
bs_choi-tet(8).jpg

Thú chơi ngày Xuân còn nhiều thứ lắm, các sách xưa nay đều có viết đến: Đánh đu, Bắt trạch trong chum, chơi bài chòi, Tam cúc, Tổ tôm, Bơi thuyền, Nấu cơm thi, Đấu vật, Múa Lân, v.v… Nhưng, nếu không chơi có được không? Không được! Cần chơi và nghỉ ngơi, tại sao? Ông Lê Văn Siêu đáp: “Hỏi tại sao thì chẳng ai cần biết rõ nữa, mà chỉ nhận rằng thế đấy, thế mới là Tết. Cho đến việc… cầm cây chổi quét rác trong nhà, ngày Tết người ta cũng không quét nữa, để cho cái ý niệm nghỉ ngơi thật hoàn toàn là nghỉ ngơi, không làm gì cả, cho cả tâm hồn lẫn thể xác cùng hòa đồng với cảnh sắc Xuân tươi mà mới hết cả lại” (Trích theo Toan Ánh – Làng xã Việt Nam – Nếp cũ).

Thú chơi ngày Tết bộc lộ bản lĩnh, tính cách, thị hiếu và bản sắc dân tộc, không ngừng được cải tiến, bổ sung, nâng cao trong đời sống đương đại.

Thuý Vũ

Tạo bởi maint
Cập nhật 14-02-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin