Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ bẩy, 21/12/2024 8:37

Nhớ hội Xuân xưa

Văn hóa Việt Nam căn bản vẫn là làng xã (Village- Culture). Dấu ấn làng quê ấy in đậm ở hội làng. Hội làng là hội lễ chung cho cả dân làng, là sinh hoạt văn hóa, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật đặc sắc và tổng hợp, định kỳ của toàn bộ cư dân trong làng. Xuân thu nhị kỳ, hai mùa hội làng, người làng có dịp nghỉ xả hơi, để ăn và chơi, để ngưỡng vọng... sau những tháng ngày dài đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương. Nhưng vui nhất vẫn là hội Xuân, bởi ngày Xuân là thời điểm mạnh nhất của lễ hội, của hội làng.


Bức vẽ chơi Xuân (Du Xuân đồ) của tranh làng Hồ có mấy câu thơ:

bs--hoi-xuan.jpg
 

Thái bình mở hội Xuân
Nô nức quyến xa gần
Nhạc dâng cao trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân.

Từ tháng Giêng, hội Xuân-hội làng đua nhau mở khắp làng quê. Từng đoàn người chen vai, thích cánh dự lễ hội chùa, hội đền, hội đình, hội miếu... Không khí trẩy hội vừa trang nghiêm, vừa náo nức làm sao! Sau làn hương khói tín ngưỡng - tôn giáo trong hệ thống Lễ, ở đó thể hiện mối giao cảm giữa con người với siêu nhiên, tự nhiên (thần linh, ma quỷ, mưa gió, sông núi, các vị anh hùng dân tộc...), hội làng-hội Xuân xưa có văn, có nghệ, có võ, đồng thời có diễn (diễn tuồng, diễn chèo, diễn múa, diễn ca...), có thao (vật, võ, đua thuyền, hất phết, đánh đu...) là phần hội, trong đó con người như giao cảm với con người hơn.

bs--hoi-xuan-(1).jpg
 

 

Có lẽ không ở đâu, tinh thần cộng đồng, một đặc trưng văn hóa của người Việt, lại có dịp được thể hiện sắc nét, mạnh mẽ như ở hội làng.

Người ta đến hội làng với niềm cộng cảm mãnh liệt. Họ say mê với những truyền thuyết ngàn đời về những nhân thần, thiên thần trong mối giao cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Người ta nhắc lại những hành động cao cả của ông cha, của tổ tiên trong buổi đầu lập quốc, mở đầu lịch sử giống nòi, người ta chiêm nghiệm về những câu chuyện kể các vị anh hùng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, các vị anh hùng văn hóa, những tổ sư bách nghệ đã xây dựng làng xóm, quê hương, mở mang, khai khẩn ruộng đồng, sáng lập các nghề, chế tạo vật phẩm... Cảnh trí hội lễ long trọng, trang nghiêm với cờ đại, cờ nheo, cờ tứ phương ngũ hành, với những biểu tượng long, ly, qui, phượng... Con người đến đây được tắm mình trong không khí linh thiêng, cảm nhận trong từng huyết mạch của mình nguồn sống từ xa xưa truyền lại. Còn những ai mơ mộng lại có dịp thả hồn trước bức tranh thiên nhiên kỳ thú, đầy chất thơ mộng của vùng trẩy hội. Và tất nhiên, hội làng cũng là dịp để trai làng gái quê được dịp thổ lộ tâm tình bấy lâu ấp ủ:

Đôi ta dan díu mấy lần
Một năm chỉ có tháng Xuân chơi chùa

Mùa Xuân làm cho con người và thiên nhiên dường như mới lạ, thanh tân, thanh xuân hơn. Nó lôi cuốn, nó thôi thúc lòng người... Lễ hội mùa Xuân chính là dịp để con người, làng xóm tự biểu hiện mình, tự thỏa mãn nhu cầu văn hóa vật chất và tinh thần, thể hiện được đời sống tâm linh của mình. Qua lễ hội, con người bộc lộ tình cảm, tâm tình với nhau. Trong không gian hội lễ chùa Hương: "Trầm hương khói tỏa mờ, hương như là sao lạc, lớp sóng người lô nhô", một mối tình thơ ngây, trong trắng đã hé mở dưới trời Xuân:

Chàng ngồi bên me em
Me hỏi chuyện làm quen
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi chen!"
Chàng thưa vâng thuyền đông
Rồi ngắm trời mênh mông
Xa xa mờ núi biếc
Phơn phớt áng mây hồng.
(...)
Làn gió thổi hây hây
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ơi, chàng có hay?

Tình Xuân đầy xao động, trong trẻo, tinh khôi của thiếu nữ Việt được Nguyễn Nhược Pháp tinh tế khắc họa trong bài thơ Chùa Hương như thế đó.

bs--hoi-xuan-(3).jpg
 

Bên cạnh đó, hội Xuân còn là phương tiện chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những di sản văn hóa dân tộc được bảo tồn một cách có hiệu quả trong hội Xuân: hát chèo, hát bội, những trò chơi dân gian, những làn điệu dân ca...

Bài thơ Đám hội của Đoàn Văn Cừ đã diễn tả không khí náo nức quanh các sinh hoạt hát xướng và trò chơi dân dã:

Mùa Xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên
Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang rền
Người lớn bé mê man về hát hội

Rồi:

Trên bãi cỏ, dưới trời Xuân bát ngát
Một chị đương đu ngửa tít trên không
Cụ lý già đứng lại ngẩng đầu trông
Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh
Mấy cô gái nép gần hai chú lính
Má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau...

bs--hoi-xuan-(2).jpg
bs--hoi-xuan-(2).jpg

"Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang rền". Tiếng trống những đêm Xuân vừa thực vừa mơ. Tiếng trống đình đám, trống hội làng đầy quyến rũ: "Làng ta mở hội tưng bừng/ Chiêng khua, trống đánh vang lừng bốn bên" (Ca dao). Nó như hiện lên, như mời gọi... Dân miền Trung quê mình ngày Xuân làm sao thiếu được tiếng trống tuồng. "Tai nghe trống chiến không khiến cũng đi/ Nghe giục trống chầu đâm đầu mà chạy" kia mà! Tiếng trống tuồng thôi thúc lắm, lôi cuốn lắm.

Tứ thơ hư ảo như trong mộng
Chợt vọng đâu đây tiếng trống tuồng
Có phải Kim Lân hồi biệt mẹ?
Giật mình nắng ấm, bỗng mưa tuôn

(Tiếng trống tuồng- Văn Trọng Hùng)

Người dân xứ Bắc mê chèo. Không hội Xuân, hội làng nào ở xứ Bắc mà thiếu tiếng hát chèo:

Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay.

(Mưa Xuân- Nguyễn Bính)

 

Đến như Xuân Diệu, trong những lần về thăm quê nhà, đã thao thức "không ngủ được" vì nhớ đến tuổi thơ sống trong điệu bài chòi quê nhà từ hội làng chợ Tết:

Nghe bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết Văn Quang
Ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn...

 (Đêm ngủ ở Tuy Phước)

Trong cái "sầu biệt ly vơi sáng, đầy chiều", nhà văn Vũ Bằng nhớ về đất Bắc, trong tháng giêng mùa Xuân, là nhớ về hội lễ mùa Xuân. Nhớ đến mùa quan họ mở từ mồng Bốn tháng Giêng ở vùng Kinh Bắc. Cái đặc biệt của quan họ là lối hát này chỉ có riêng trong hội Xuân. Vũ Bằng cho biết: "Trai gái hát ví quanh năm. Tát nước hát, giã gạo hát, mà đánh đu cũng hát. Hát quan họ khác thế: lối hát này chỉ có riêng trong những ngày hội mùa Xuân, trai gái hát cần vui, nhưng có nhiều làng còn tổ chức hát thì thầm, treo giải. Muốn vào hát giải, trai gái phải biết năm giọng hát rất khó hát là Tình tang, Đường bạn, Hữ la, Xuống sông, Lên núi... hay lắm! Nhất niên nhất lệ, tội gì bỏ sót một buổi nào..." (Vũ Bằng- Thương nhớ mười hai). Đến với hội quan họ ngày Xuân, dễ "người ơi người ở đừng về" lắm chứ, bởi đến đây là:

Hát cho lở đất long trời

Cho đời biết mặt, cho người biết tên
Hát từ chợ Phủ hát lên
Hát từ tỉnh Bắc qua miền tỉnh Đông
Hát sao cho cạn dòng sông
Cho non phải lở, cho lòng phải say.

bs--hoi-xuan-(4).jpg
 

Hóa ra hội Xuân có cái say mê, quyến rũ đến nhường ấy chăng? Thảo nào, cô Tấm ngày xưa cũng háo hức đến với hội làng, cũng xúng xính trong bộ áo ba màu, cái yếm hoa hiên, cái quần nhiễu điều, rồi thắt lưng, khăn nhiễu, rồi ngựa đẹp và nhất là đôi giày văn hài xinh xẻo. Cô Tấm đi hội đánh rơi giày, dẫn tới việc cô gái mồ côi tìm được hạnh phúc tột đỉnh, lấy vua, làm hậu. Đấy là truyện cổ nói thế. Và theo thần tích, ở làng Nga Hoàng (Quế Võ, Hà Bắc) trước đây có hội Chen, trong đó trai gái xem hội tha hồ chen đẩy nhau, có khi ngã xuống ao, và nhân dân cả quyết rằng cô Tấm đã đánh mất giày ở hội Chen này!

Hội làng không thể thấy thiếu những trò vui và lễ hội làng nào cũng có trò đánh vật. Tranh dân gian làng Hồ tả cảnh vật tưng bừng với bốn cặp đấu vật dự thi, và hai chuỗi tiền giải, tràng pháo dài, gợi sức Xuân lắm.

Cuộc vật hào hứng đến mức "cồng chiêng thoi thóp, dựng giăng chưa dứt miếng kỳ phùng" (Hoàng Cầm). Sức Xuân mà!

Làng Vân Hà (tục gọi là làng Vân) ở Kinh Bắc mở hội Xuân rất lạ. Làng sản xuất rượu ngon có tiếng. Ngày Tết, làng mở hội thi rượu ngon và thưởng thức rượu: "Tết Vân Hà làng mở hội thi. Núc ních từng đôi chật đường nghẽn lối. Cổ ba tầng. Giò lụa nổi. Giò mỡ chìm. Nem bối rối". Để đến kết cục, rã hội:

Chai đại lăn kềnh giữa chiếu
Chai bố chéo kheo
Vật vã góc bàn thờ
Chai con gậm giường rụt cổ
Túy lúy mềm soãi tóc khóc ngu ngơ

(Hội Vân Hà - Hoàng Cầm)

Mùa Xuân và lễ hội làm con người phơi phới một sức sống tràn trề. Không khí đó ùa đến nơi thôn cùng, ngõ hẻm làng quê:

Mừng Xuân ngày hội cổng làng
Là nơi chen chúc bao nàng thơ ngây

(Cổng Làng- Bàng Bá Lân)

Lễ hội Xuân về còn thấy ở từng chi tiết rất nhỏ như trong thơ Nguyễn Bính:

Trên đường cát mịn, một đôi cô
Yếm thắm, khăn thâm, trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô

(Xuân về)

Thoáng chốc quay về với hội Xuân xưa, thấy lòng mình thanh thản hơn, giữa bao nhiêu tất bật của đời.

 

bs--hoi-xuan-(5).jpg
 

Càng tâm đắc với những gì Vũ Bằng đã viết: "...Ờ, cứ vào dạo này đây, ở Bắc người ta đi lễ vui đáo để (...). Trước đây, tháng Giêng ở Bắc là tháng người ta chỉ dành riêng để trước là lễ Phật, sau là lễ tổ tiên, ông bà... Người sống cảm thông với người chết trong tháng ấy, lấy tâm tư mà nói chuyện với nhau, lấy đạo lý mà khuyên bảo, dạy dỗ nhau cách nào cho vẹn đạo làm người, chớ có thấy giàu mà ham, chớ vì sang mà bỏ nghĩa, chớ vì cầu an mà làm tôi mọi cho người ngoài ". (Thương nhớ mười hai).

Có thể nói, hội Xuân- hội làng là thời điểm hội tụ của mọi thể loại nghệ thuật dân gian, ngữ văn dân gian. Con người tận hưởng những sáng tạo của chính mình, tạo nên mối cộng cảm hiếm có giữa đời sống và nghệ thuật, giữa thực tiễn và nhận thức thẩm mỹ, giữa sáng tạo cá nhân và vai trò sáng tạo của cộng đồng.

Trần Toàn

 

Tạo bởi maint
Cập nhật 12-02-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin