Bánh chưng xanh – Linh hồn Tết Việt
Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói trong lá dong... Bánh được
làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giỗ tổ Hùng Vương).
Nhộn nhịp làm bánh chưng nơi xa quê
Theo dòng thời gian và cả quan niệm sống của mỗi người, với tôi, có lẽ kỷ niệm gói bánh chưng ngày Tết của những người xa quê sẽ mãi in đậm và thiêng liêng. Dù nơi đó không có được những cây quất đỏ, cành mai vàng… và bên ngoài ô cửa sổ, những bông tuyết trắng nhè nhẹ bay làm cho đất nước mặt trời mọc càng trở nên lạnh lẽo. Dẫu vậy, không khí ngày Tết Việt cũng đến được với từng nhà ở nơi phương xa - vào những ngày này khu nhà ở của chúng tôi lại nhộn nhịp rủ nhau chuẩn bị gói bánh chưng.
Việc chuẩn bị khá công phu do điều kiện xa xôi, phải mua sắm trước cả tháng, đầu tiên là nhờ bạn bè về nước khi quay trở lại mua giúp lá dong, rồi gạo nếp, đỗ xanh và cả những chiếc lạt - những thứ mà ở nước bạn khó có thể kiếm được.
Vào khoảng ngày 27 Âm lịch, chúng tôi tụ họp nhau lại để phân công mỗi người mỗi việc, từ rửa lá dong, ngâm gạo, đỗ xanh… rồi chọn ai khéo tay có thể gói được những chiếc bánh vuông thành sắc cạnh, mà không cần đến khuôn, vì nếu có khuôn thì chúng tôi cũng phải tự tạo lấy bằng những mảnh gỗ cứng ghép lại.
Sau một ngày làm việc ở xứ người, buổi tối chúng tôi tụ họp nhau lại để gói bánh chưng, cái không khí ấy khiến mọi người trong chúng tôi đều cảm thấy ấm lòng hơn như đang ở trong nước. Tôi và những người bạn đều muốn cả các cháu bé cùng quây quần, vui vẻ xem bố mẹ chúng gói những chiếc bánh chưng, và để chúng hiểu hơn việc lưu truyền giá trị tinh thần và văn hoá trong mỗi con người Việt
Việc làm này thật sự ý nghĩa và dường như khơi gợi được sự thích thú, quan tâm của mọi người từ người lớn đến trẻ nhỏ. Nét hân hoan hiện rõ trên nét mặt của từng người, cho dù mỗi gia đình cũng chỉ chia nhau được đôi cặp bánh chưng để đem về nhà mình tự luộc bằng nồi áp suất trên bếp gas nhỏ lửa.
Và đêm ấy, ngoài trời sương lạnh buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng của mỗi gia đình trong khu chung cư nhỏ. Mọi người đều hồi hộp ra vào trông nồi bánh chưng để sáng hôm sau khi đã chín rền thì vớt những chiếc bánh bốc khói nghi ngút dậy hương thơm của lá dong, gạo nếp, thịt mỡ hoà quyện thật dễ chịu. Cuối cùng bánh được đem ép bằng vật nặng cho ráo.
Các công đoạn, công thức để có chiếc bánh chưng ngon được áp dụng bất kể nơi đâu, cả khi ta ở nơi xa vì những người xa quê chúng tôi vẫn luôn gìn giữ và hướng dẫn cho nhau. Và thật ý nghĩa khi trên bàn thờ của mỗi gia đình trong khu chung cư nhỏ của chúng tôi trên nước bạn đều có chiếc bánh chưng xanh.
Suy ngẫm về việc gìn giữ
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm... Truyền thống vẫn còn đó, nhưng dường như không còn mấy nguyên vẹn, công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay cũng đã thay đổi nhiều. Khi Tết đến, Xuân về, hình ảnh những chiếc bánh chưng vẫn nhắc nhở mỗi người chúng ta về giá trị dân tộc truyền thống…
Qua hình dáng chiếc bánh chưng, bánh giầy, không thể không liên tưởng đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ ta. Phát xuất từ quan niệm nguyên thuỷ về sự sinh thành, tổ tiên ta đã khéo lựa chọn hai thứ phẩm vật tượng trưng dùng trong việc cúng lễ trời đất, ông bà đã nhắc đến tư tưởng hòa hợp của hai hình thể: "rỗng" và "đặc", "vuông" và "tròn". Tuy tương khắc nhau như "trời" và "đất", "đàn ông" và "đàn bà", chúng có thể và phải kết hợp với nhau như lời dạy của thần nhân cho Lang Liêu. "Lẽ vuông tròn" đó nói lên sự tốt đẹp trong tình nghĩa vợ chồng và trong mối quan hệ như câu thơ của Nguyễn Du:
"Khuôn thiêng biết có vuông tròn hay chăng?"
hay câu:
"Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".
Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng. Có lẽ, sự hoà quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hoá của dân tộc Việt - Bánh chưng biểu trưng cho Tết.
Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho giới trẻ. Nên chăng, tục gói bánh chưng ngày Tết, ngoài ý nghĩa ẩm thực truyền thống cần nâng lên thành di sản văn hoá để trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau, cho tất cả mọi người mang dòng máu Việt Nam trên thế giới.
Thu Hồng
Các tin liên quan:
- Áo tứ thân, khăn mỏ quạ - nét duyên dáng của phụ nữ Kinh Bắc (20-12-2006)
- Lễ ăn cơm mới của người Xá Phó (08-12-2006)
- Truyền thống tôn sư trọng đạo của người xưa (28-11-2006)
- Chiếc Nón (17-11-2006)
- Về Nam Định thưởng thức “bánh cuốn làng Kênh” (07-11-2006)
- Dạ cổ hoài lang - một xuất xứ buồn (24-10-2006)
- Nhà vườn Huế (17-10-2006)
- Tản mạn về ao làng (06-10-2006)
- Hoa ban - vẻ đẹp miền Tây bắc (25-09-2006)
- Làng cổ bên sông Thiên Đức (14-09-2006)
Cập nhật 04-02-2008