Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ sáu, 20/12/2024 20:32

Nếp xưa


Cách biệt với phố Tràng Tiền sầm uất, náo nhiệt bên ngoài, ngôi nhà ở trong ngõ 49, cạnh hiệu sách ngoại văn, treo tấm biển nhỏ: "Lương y Nguyễn Văn Bách" được nhiều người tìm đến. Khách đủ loại. Những người bệnh đến bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Người làm nghiên cứu Hán Nôm đến đàm đạo, nhờ cụ Bách dịch thơ, có sinh viên rụt rè nghe giảng giải về chữ nghĩa. Rồi không ít người, trong đó có cả khách nước ngoài nhờ người dẫn đến nằn nì xin cụ cho... chữ về treo.


Tôi đã nhiều lần đến nhà cụ Bách. Quen biết cụ từ hơn chục năm nay, nhưng chưa bao giờ dám ngỏ ý xin chữ cụ. Bởi vì, được nghe giảng giải mà phân vân: Chơi chữ là một nghệ thuật, thú vui tao nhã. "Nhất chữ nhì tranh", như thế nghĩa là chữ còn được xếp hơn tranh một bậc. Người ta thờ chữ chứ có mấy khi thờ tranh? Chữ được treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà, qua đó gửi gắm niềm mong ước, lời cầu chúc và những tâm sự thầm kín, những điều răn... lưu giữ cho nhiều thế hệ. Treo chữ không chỉ để chơi, thưởng thức cái đẹp mang tính hội họa, mà còn là nơi gửi gắm tâm nguyện và thể hiện những triết lý phương Đông. Qua những bức chữ treo trong nhà mà đoán biết gia cảnh, cốt cách người. Phương pháp viết chữ, gọi là "thư pháp", trở thành nghệ thuật riêng. Trên các tấm biển ở các điện thờ, chùa miếu hoặc những bức hoành phi, câu đối, nơi tôn nghiêm, người ta dùng thể chữ "Chân", chữ "Khải". "Chân" có nghĩa là đứng, "Khải" nghĩa là nghiêm. Các bức đại tự treo chữ "Phúc" hay "Lộc" trong các gia đình thường được viết thể chữ Chân, chữ Khải. Thể chữ Hành hoặc chữ Thảo thường dùng viết câu đối trên lụa hoặc giấy dó. Không chỉ những người khá giả, có học mà nhà nghèo, vào các dịp hiếu, hỷ, nhất là Tết đến, cũng tìm mua hoặc đến các thầy đồ xin chữ về treo. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...". Phong giấy điều viết chữ treo lên làm ấm lại không khí Tết trong những mái nhà nghèo... Thế rồi trải qua vận suy vi:

"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu"...


(thơ Vũ Đình Liên)

Theo đó, thư pháp cũng dần mai một. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Đào Thái Tôn nhận xét rằng, ở Hà Nội những người có nét bút tài hoa viết chữ nho điêu luyện, có hồn như những bức tranh nghệ thuật đang vắng dần. Cụ Nguyễn Văn Bách là một trong số ít còn sót lại.

Cụ Bách năm nay đã ngoài bảy mươi. Nước da săn và giọng nói còn sang sảng. Gia đình cụ đã ba đời nổi tiếng về nghề thuốc và chữ nghĩa. Học chữ nho từ khi năm tuổi, lên chín tuổi cụ đã theo cha đi khắp các phố huyện và thị xã Hải Dương kiếm sống bằng nghề thuốc và viết chữ thuê. Làm việc ở Viện Y học dân tộc, đến lúc về hưu, bây giờ hằng ngày cụ vẫn thăm bệnh, kê đơn bốc thuốc. Viết chữ chỉ xem là một thú vui. Cụ giảng giải: Viết thì nhanh, nhưng suy nghĩa mới lâu. Phải nhẩm tính độ to nhỏ của từng nét bút các hàng chữ sao cho cân đối. Hơn thế, phải nhập mình vào chữ, sống trong chữ, thấm được cái đẹp của chữ cả về hình thức và nội dung. Mỗi bản thư pháp phải toát được cái thần của người viết, nếu không chỉ là bản "vẽ chữ" không đáng gọi là bức thư pháp. Mấy chục năm cầm bút lông, cụ Bách đã để lại nhiều bức thư pháp tuyệt vời, còn lưu giữ ở Văn Miếu, chùa Láng, Đền Hùng, Cổ Loa, các bản chữ Hán trong tập thơ của các danh nhân in song ngữ... Tò mò hỏi về biệt hiệu "Lỗ Công" của cụ, được giải thích rằng: "Lỗ nghĩa là đần. Tôi tự nhận là người đần, không bon chen danh lợi". Phải, nghề trị bệnh cứu người chân chính và chơi chữ sao có thể giàu? Cụ đã ba lần chuyển nhà, từ khu tập thể Tân Mai về phố Hòa Mã nay ở ngõ Tràng Tiền. Cụ bảo, đó là do các con cái làm nên, nhưng tiếc thay họ lại không theo được cụ. Có người làm kinh doanh, có anh theo nghề thuốc nhưng không ai đủ đam mê và tài hoa theo cụ về thư pháp. Giữ được nếp xưa, khó lắm thay!

Mang theo tâm sự này tôi tìm đến người bạn cũ. Gia đình anh là dân Hà Nội "gốc", sống trong khu phố cổ. Ngôi nhà trước đây sâu hun hút chỉ có một lối vào, phía trước dành để bán hàng hương, lúc nào cũng ngan ngát mùi trầm. Mặc dù thân nhau, lại có cô em gái rất xinh hứa làm mối lái, nhưng tôi rất ngại đến nhà anh. Ngại nhất là được mời ở lại ăn cơm. Biết tôi là dân tỉnh lẻ, cái dạ dày sinh viên thường ít khi no, em gái anh giành ngồi đầu nồi xới cơm và gắp thức ăn cho. Nhưng vì thế lại càng đâm ngại, khi nhìn mâm cơm bát đĩa đều nhỏ xíu. Đĩa rau luộc chỉ vài ngọn xếp thẳng hàng...

Bây giờ gặp lại, nhắc lại chuyện cũ, bạn tôi cười: "Hà Nội ngày xưa ấy mà, giấu cái nghèo bằng vẻ phong nhã, hào hoa". Rồi bằng giọng buồn buồn anh bảo: "Nhà mình cũng chẳng còn giữ được như xưa"... Ngôi nhà đã có nhiều đổi khác. Phía ngoài vẫn mang vẻ cũ kỹ, rêu phong, thế nhưng từ gian thứ hai, đã đập để xây lên chót vót bốn tầng có chóp mái lợp đỏ tươi. Anh than thở: nhiều khi cũng muốn phá nốt gian ngoài, xây lên cho "đồng bộ" chứ để chắp vá thế này chẳng khác gì người mặc quần áo bà ba, đi guốc mộc lại thắt cra-vát, chướng lắm.

- "Thế sao không giữ nguyên như trước?". Nghe tôi hỏi, anh cáu lên, vặc lại: "Tại sao ư? Ông có là dân sống trong phố cổ đâu mà biết. Ai cũng bảo phải bảo tồn vì đó là vốn quý, là di sản... Nhưng người ngày càng đông lên chen chúc trong mấy gian nhà chật hẹp, thiếu tiện nghi, sống làm saỏ".

Những điều bạn tôi nói đều có lý, tuy vậy, nghe vẫn thấy xót xa. Dường như những vốn cổ, nếp xưa, những gì được coi là "truyền thống" khó đứng vững trước những xô đẩy, cám dỗ của cơ chế thị trường. Ngay gian nhà cổ còn sót lại của bạn tôi, ngày trước bán hương, nay chuyển sang bán hàng lưu niệm có lãi hơn. Nhìn những bức gỗ khảm trai chữ "Phúc, Lộc, Thọ" hàng chợ làm sẵn quét sơn ngoại bóng loáng, vô hồn, đề giá bán bằng ngoại tệ, chạnh lòng nhớ về bài giảng của cụ Bách về thư pháp...

Thế nhưng, cuộc sống như dòng chảy. Bên chuyện buồn vẫn xen lẫn niềm vui. Chúng tôi vào Văn Miếu buổi chiều muộn. Cứ ngỡ như ở đây quạnh vắng, vậy mà vẫn tấp nập khách ra vào. Trong dòng người đến chiêm ngưỡng công trình di sản văn hóa của thủ đô, tôi chú ý một tốp sinh viên đang dò đọc bia tiến sĩ. Thỉnh thoảng họ lại dừng, tra từ điển, tranh luận say sưa. Phía trong, triển lãm thư họa của nhà nho Lê Văn Hòa đông người xem, có nhiều tiếng trầm trồ. Thì ra, trong nhịp sống sôi động, hối hả hôm nay vẫn còn nhiều người, trong đó có lớp trẻ say mê tìm đến với văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống, như mạch ngầm tha thiết chảy.

 

Thịnh Giang

 

Tạo bởi thuyvu
Cập nhật 04-02-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin