Chợ cưới Tam Lộng - chợ tình Khau Vai
"Chân em len giữa chợ vui
Bao nhiêu đôi lứa nhớ lời buồn thương
Nhớ anh như nhớ rẫy nương
Lại như trầu thuốc vấn vương đến già
Thương anh vượt nẻo đường xa
Nậm ban dốc dựng, Tát ngà vực sâu".
Bên quốc lộ số 2 Hà Nội - Hà Giang, chân núi Tam Đảo là làng Tam Lộng (huyện Bồng Xuyên - Vĩnh Phúc). Cứ vào ngày 25 tháng chạp, ở đây có một phiên chợ độc đáo. Người đi chợ Tam Lộng hôm ấy, ngoài nam thanh nữ tú còn có cả ông già bà cả đi theo, họ đi chợ không phải để sắm tết, mà là để chứng kiến lời giao ước kết bạn trăm năm của con cháu và đồng thời còn là dịp họ nhớ lại cái "chuyện ấy" của mình ở cái thuở "đương thì" đã qua không bao giờ trở lại.
Trai gái đến đây đa phần họ đã quen nhau và yêu nhau từ trước. Hôm ấy đến chợ có cha mẹ đi cùng là để "bề trên" chứng kiến mối tình yêu đương của họ, và "tác thành" cho họ. Cũng có người đến chợ tìm ý trung nhân, cô gái thì tìm kiếm bạn đôi lứa trăm năm.
Họ ngồi rải khắp khu chợ, đây là cặp nỉ non tình tự, kia là một thanh niên tặng cô sơn nữ mới quen một món quà kỷ niệm - họ đón xuân, đón nhận tình yêu bề ngoài hoan hỉ, bên trong dịu dàng.
Sau lời giao ước hôn nhân của con cái, bố mẹ, người già chứng kiến, họ kéo vào quán ăn uống chút đỉnh trước khi giã bạn về nhà.
Mỗi năm một lần, trai gái xuống núi ra chợ Tam Lộng để "định đoạt" hôn nhân của mình, bà con trong vùng gọi đó là Chợ Cưới.
Trong vùng chợ cưới Tam Lộng còn lưu truyền câu nói:
"Trai khôn chọn vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"
Còn chuyện chợ tình Khau Vai?
Cũng như chợ cưới Tam Lộng, chợ tình Khau Vai (Hà Giang) cũng họp mỗi năm một lần vào một ngày cuối năm. Gọi là chợ nhưng chỉ là một bãi đá nhấp nhô, mấy liếp nhà tranh sơ sài.
Cho đến bây giờ, không ai biết chợ có từ bao giờ, chỉ nghe kể rằng, vào một ngày cuối năm, những người có mối tình đầu, nhưng lại không nên vợ nên chồng, họ đến đây để tìm gặp nhau, nỉ non tâm sự, kể cho nhau nghe tình yêu của mình với người mình yêu thuở trước.
"Bồi hồi xuống chợ tìm anh
Niềm thương nỗi nhớ một năm đã đầy
Mặt trời vừa vén sương dày
Một năm dồn lại một ngày - Khau Vai"
Đến chợ Khau Vai là những người đã có tổ ấm gia đình, từ người mới cưới đến người già cao niên, họ đến chợ không phải để mua bán sắm tết, mà cốt để tìm gặp lại người yêu bất thành gia thất.
Họ gặp nhau, đưa nhau đến một chỗ, kể cho nhau nghe về gia cảnh, cuộc sống lứa đôi của mỗi người. Ngày ấy là của nhau, thuộc về nhau, dù chồng hay vợ biết, nhưng không được ghen tuông, trách cứ nhau điều gì.
Hai vợ chồng dù trẻ hay già bước vào chợ, tức là đã bước vào 1 thế giới mới, thế giới của thời trai trẻ, cái giây phút cả năm mới có một lần: chồng có người yêu (cũ) của chồng, vợ có người yêu (ngày xưa) của vợ, mỗi người tìm lại cái người mình yêu thuở xưa. Có người năm ngoái còn gặp người yêu cũ, năm nay người ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ngồi xuống chỗ đã ngồi năm trước, nước mắt lưng tròng, lầm rầm kể lể như thể vẫn còn người ấy ngồi kể.
"Hàng nhiều, bước dửng dưng qua,
Em côi cút giữa thiết tha cuộc đời
Mong hoài, anh kịp tới nơi
Một năm đất khát gặp trời mưa xuân"
Thế rồi, chuyện gì xảy ra cũng có hồi kết thúc:
"Nhìn nhau trao nhẫn, trao khăn
Mặt trời ý tứ lùi dần vào mây,
Chưa gì đã phải chia tay
Năm sau hẹn nhé - một ngày Khau Vai"
Sau phiên chợ, ai về nhà nấy, từng đôi vợ chồng lại dắt nhau về ngôi nhà của mình ở chốn non xanh, câu chuyện chợ tình, gặp lại người yêu lùi vào dĩ vãng, cuộc sống hiện tại của họ lại ấm cúng bình thường, không hề có biểu hiện rạn nứt. Phong tục vẫn chỉ là phong tục, họ tiếp tục cuộc sống hàng ngày, chờ một ngày xuống chợ Khau Vai năm tới.
Bảo Luật
Các tin liên quan:
- Cây tre trong tâm thức người Việt (17-12-2007)
- Tản mạn về múa rồng (06-12-2007)
- Câu thành ngữ phản ánh huyền thoại về cội nguồn dân tộc (26-11-2007)
- Quà quê (15-11-2007)
- Khăn Piêu - nét đẹp của cô gái Thái (07-11-2007)
- Bánh bèo xứ Huế (30-10-2007)
- Nồi đất Bửu Long (15-10-2007)
- Chất hóm hỉnh trong ca dao tình yêu Nam bộ (03-10-2007)
- Tết Trung Thu và các phong tục (25-09-2007)
- Vườn Thượng uyển ở Cố đô (21-09-2007)
Cập nhật 03-03-2008