Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 19:36

Nghiêng nghiêng vành nón

Ai là tác giả của nón lá Việt Nam. Và nguồn gốc của nó từ đâu, lúc nào? Xin chịu, vì chẳng có tài liệu nào ghi chép lại. Chỉ biết Việt Nam từ xa xưa đã có nhiều loại nón.

Lớn lên, ta đã nghe nói dân "áo tơi nón lá" để chỉ người lam lũ, nghèo nàn. Đi học, cho đến bây giờ vẫn nhớ thuộc lòng câu: "Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ: đầu đội nón mê như lọng che...". Nón mê là nón lơ xơ, mất cạp, thủng chóp của con nhà nghèo đội đi mót lúa, mò ốc, chăn trâu... Lại có cái nón có ghi thành văn gọi là nón ma lôi mà danh tướng Trần Khánh Dư lúc còn là anh chàng đi rừng đốt than đã có sáng kiến làm ra và bán cho quân lính kiếm tiền độ nhật. Chẳng biết hình thù nón ấy ra sao? Nếu là nón dùng cho lính tráng thì chắc là chỉ hẹp nhỏ như chiếc nón dấu của mấy chú lính lệ, của các anh lính khố xanh, khố đỏ thời Tây. Chiếc nón dấu của người lính thú "nước mắt như mưa" khi phải xa vợ, lìa con để lên rừng xuống biển đi trấn thủ lưu đồn đã sống mãi trong ca dao:


Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài...


Có thể cái nón "ma lôi", cái nón lính đó được đan bằng tre nứa có ô hình lục lăng ở trong, ngoài lợp lá giống như nón người dân tộc Xạ-phang ở vùng Quảng Ninh, Móng Cái. Với nhà sư ngày trước, có nón tu lờ, cũng tre nứa lợp lá, rộng và sâu. Với mấy thầy chánh tổng, phó tổng, nhà giàu thì nón sang hơn, không lợp lá gồi mà lợp bằng lá dứa tước nhỏ, chằm kỹ, gọi là nón dứa. Các quan từ quan huyện, quan phủ trở lên đội nón lợp lông chim, lông ngỗng, gọi là nón lông, có chóp bạc sáng choang, quai bằng lụa mềm to bản. Ra đường, chỉ cần nhìn chiếc nón là có thể phân biệt được người giàu sang, kẻ nghèo hèn.

Nón lắm thứ thế nhưng nhìn chung chỉ có hai dạng nón đáng kể, từ xa xưa cho đến ngày nay: nón thúng và nón chóp. Nón thúng to rộng, mặt đỉnh phẳng, vành nón có thành gờ, giữa nón khâu cái "gua" để khít vào đầu giữ cho nón chặt, có quai thao hai đầu buông dải tua rủ xuống mềm mại, thêm duyên. Cùng với áo tứ thân, nón thúng bây giờ chỉ còn gặp trên sân khấu, trong lễ hội để gợi một nét đẹp dân gian, một không khí cổ. Còn lại chiếc nón chóp - chiếc nón phổ biến - xưa kia thường là nón của đàn ông. Điều nên nhớ là khi nón thúng không còn thì cả hai phái yếu và phái mạnh đều dùng nón chóp, hình trụ, gọi chung là nón kinh. Nón chóp của nữ sâu hơn, mỏng hơn gọi là nón cụp, mang hình thù của chiếc nón ngày nay, thường thấy rất nhiều như nấm mọc trong tranh Quách Đông Phương. Còn nón đàn ông dày, nặng, cũng hình trụ, chóp nhọn nhưng dẹt, không sâu, phải cột quai bằng lạt tre đan hay vải dệt bền mới giữ chặt được nón. Nón cụp, nón dẹt giúp phân biệt rõ nón đàn bà với nón đàn ông.

Thời thế đổi thay, chiếc nón cũng thay đổi với con người. Chiếc nón được hoán vị, đổi ngôi từ ngày đàn ông sính đội mũ, bỏ nón, nhường hẳn nó sang cho nữ giới. Còn nữ giới thì vừa thích đội nón mà mũ cũng không chê! Nón đi với áo cánh, áo bà ba, áo dài truyền thống. Còn mũ đủ mầu đủ kiểu: thấp cao, tròn bẹp, đỉnh phẳng đỉnh lồi, có bo không bo, bo cong bo thẳng, cài hoa không hoa... thì đi với các váy mới cũng... thiên hình vạn trạng!

Với người làm ăn chuộng cái bền, nón làm dày, lợp lá già hơn. Với các bà, các cô, nón mỏng, nhẹ, chằm bằng lá non, mầu trắng ngà, móc khâu cũng chuốt trắng tinh. Người tiết kiệm quét thêm một lớp dầu rái trong veo để nón thêm bóng và bền. Giữa hai lớp lá mỏng có lót hình trang trí con bướm, cành hoa cho vui mắt. Ở cố đô, các thiếu nữ đội nón mỏng có lót bài thơ nên gọi là nón bài thơ xứ Huế. Phía trong đỉnh nón gắn thêm một mảnh gương tròn nhỏ để các nàng tiện thể dọc đường, giữa chợ che mặt soi gương. Nón không chỉ che mưa nắng mà còn là chiếc quạt phe phẩy rất duyên lúc trời nắng nóng, là chiếc gàu múc nước khi nghỉ chân cạnh giếng nước đầy, vừa uống thỏa thích, vừa rửa mặt cho thêm mát mẻ.

Nón lợp bằng lá gồi, còn gọi là lá cọ, lá buông (loài cây thường mọc trên đồi dốc, đất trung du như miền Vĩnh Yên, Phú Thọ). Nhưng có điều lạ là những vùng bạt ngàn đồi cọ đó không phải là nơi làm ra chiếc nón. Vùng Hà Tây có nón Chuông, Hà Tĩnh có nón Kỳ Anh, Quảng Bình có nón Ba Đồn, Thừa Thiên có nón Huế bán ra khắp nơi lại là nơi không có cây cọ, cây buông. Ngoài tre làm vành, móc để khâu, lá lợp nón là thứ nguyên liệu cần phải "nhập".

Nghĩ cũng lạ về chiếc nón Việt Nam. Nó chỉ là vật đội đầu che mưa nắng thôi, cũng như các thứ nón thường dùng của nhiều dân tộc vùng châu Á, như cái mũ lắm kiểu của châu Âu tràn sang. Thế nhưng cái nón mỏng tang, nhẹ tênh, giản dị, đơn sơ, rẻ tiền ai cũng mua được, nghiễm nhiên - với chiếc áo dài - trở thành nét riêng biệt, một bộ phận không thể thiếu, đặc trưng của trang phục phụ nữ Việt Nam. Những chiếc nón, chiếc mũ khác ở những nước khác không có cái vinh dự làm vật biểu trưng như thế. Những cô gái Việt ra nước ngoài, dù ở một góc trời nào trên thế giới, đều nổi bật, được nhận biết ngay nhờ chiếc nón và tấm áo dài. Và quà lưu niệm của du khách mang về nước, quà tặng bạn lúc chia tay, không thiếu chiếc nón Việt Nam.

Ở miền
Nam, bà con thường gọi "cả gói" là cái nón tất thảy các thứ đội trên đầu. Dẫu sao, cái nón vẫn cứ là cái nón, duyên dáng nhẹ nhàng. Bởi vì nó là sản phẩm tuyệt vời của một dân tộc vùng nhiệt đới có một bề dày truyền thống sáng tạo, tài hoa.

 

Tạo bởi thuyvu
Cập nhật 20-03-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin