Đêm cuối thu, nghe câu Quan họ

Sáng ấy, đài báo có gió mùa đông bắc - đợt gió lạnh đầu tiên của năm. Đầu giờ chiều, trời lại sụt sùi mưa. Ấy vậy mà cô gái miền Nam, chưa bao giờ biết đến hội Lim, Đền "Vua Bà Quan họ" – Làng Diềm, Thổ Hà, đang náo nức chờ đến lúc bước vào chiếu hát Quan họ.

Các liền chị, liền anh Quan họ vốn cũng chỉ là những người bình thường với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Bởi thế chúng tôi đã đợi các liền chị đi làm đồng về thì mới bắt đầu một cuộc hát "hầu" khách. Và chiếu Quan họ hôm ấy bắt đầu cũng khá trễ. Một người vốn quen thuộc với những cuộc "chơi Quan họ" như thế này, thì thầm:


- Thế là sáng sớm mai ta mới về được Hà Nội!

Khó mà hình dung vì sao cuộc hát lại kéo dài và tàn đến tận hôm sau! Ngày xưa, ông bà mình gọi là "hát canh", còn bây giờ là hát đối đáp. Đã ngồi vào chiếu hát, thì cuộc chơi có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng, có khi kéo dài mấy ngày mấy đêm:

"Chơi cho lở đất long giời,
Cho trăm trái núi lọt vào trôn kim"


Có lẽ, Quan họ bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Lý. Bà chúa Quan họ hiện đang được thờ tại đền Vua Bà ở làng Diềm, xuất thân là một nàng công chúa dưới thời Lý. Bà đã đem lời ca tiếng hát dạy cho người dân vùng Kinh Bắc. Tương truyền rằng, trong một cuộc đi du ngoạn, vua cùng một đoàn tùy tùng đi ngang qua một cánh đồng ở vùng Kinh Bắc. Chợt nghe các cô thôn nữ cất lên những bài hát với những lời ca đẹp và ngọt ngào, vua cùng các quan dừng lại để nghe, nên mới gọi điệu hát ấy là "Quan họ" ("họ" có nghĩa là dừng lại). Dọc theo tuyến sông Cầu, bốn mươi chín làng Quan họ đã ra đời. Nay có làng còn, làng mất, có làng mới dần được có tên trên bản đồ Quan họ.

Năm 2000, trong cuộc thi hát Quan họ đầu Xuân hàng năm, người ta quy định phải thuộc 100 câu hát cổ (tức là phải biết đến 200 bài), vì đây là "giao duyên" phải có nam đối nữ đáp. Cho đến năm 2003, số lượng yêu cầu đã lên tới 300 câu.

Quan họ cổ vốn không có nhạc phổ, chỉ là hát theo cảm hứng và kinh nghiệm dân gian. Vì thế, hát Quan họ đòi hỏi người hát phải có một vốn sống và cả về vốn hát cổ được truyền lại từ đời này sang đời khác, để có thể tự tin bước vào chiếu hát với một độ chín đủ làm day dứt người nghe, và cả làm băn khoăn lòng "bạn hát":

"Đến đây hãy ở lại đây,
Bao giờ trúc mọc thành cây mới về.
Người về tôi chẳng cho về
Tôi nắm vạt áo, tôi đề bài thơ"


Vốn dĩ, Quan họ cũng có những luật chơi khá nghiêm ngặt. Trước hết là cách xưng hô. Khi vào chiếu hát, một người lớn tuổi vẫn phải gọi người trẻ hơn là anh hai, anh ba, anh tư hay chị hai, chị ba, chị tư... dựa vào tài năng của mỗi người. Đó là sự kính trọng của người Kinh Bắc đối với những bậc tài hoa.

Người xưa từng ngưỡng mộ "Kinh Bắc nổi tiếng văn nhã". Các cụ dặn rằng: đã là người làng Quan họ, không chỉ biết hát mà còn phải am hiểu cả lề lối, tập quán, phải hiểu từng lời ăn ý ở đến những tập tục ăn nói, lúc đứng lúc ngồi. Chính vì vậy, các liền anh liền chị có thể giao du, đi hát với nhau, nhưng không sa vào những mối quan hệ lả lơi, sàm sỡ. Họ có thể hát rằng:

"Yêu nhau thì lấy quách nhau đi,
Để mai quá lứa lỡ thì lại đổ tại tôi.
Yêu nhau thì kết duyên đi,
Lỡ mai khiếm khuyết điều gì, lại đổ tại tôi"


Họ cũng có thể thở than mà rằng, "yêu nhau yêu mãi đến già còn yêu" để rồi:

"Đêm khuya rót chén dầu hao,
Mặt soi tìm mặt, lòng ngao ngán lòng"


Nhưng chính điều luật cấm nên vợ nên chồng giữa những người hát cùng một bọn hay một chạ mà họ kết nghĩa đã làm cho Quan họ mang một sắc thái rất riêng biệt. Họ ngăn nhau vì luật chơi khắc nghiệt, đồng thời ngăn nhau để được đi hát với nhau suốt đời, "nửa thương bên nọ, nửa sầu bên kia". Phải vậy chăng mà Quan họ đong đưa đắm đuối lắm, mà cũng thật trong sáng.

"Trầu này trầu nghĩa trầu tình,
Trầu loan trầu phượng, trầu mình trầu ta.
Trầu này têm tối hôm qua,
Giấu cha giấu mẹ, em đem ra mời người"


Chính vì vậy, những làn điệu Quan họ kỳ diệu "lời thì giao duyên, tình thì anh em", vừa thực, vừa mơ, vừa giãi bày, vừa khúc chiết, vừa tình tự, vừa sâu sắc:

"Hai tay bưng chén rượu đào
Đổ đi thì tiếc, uống vào thì say"


Thế là thế, Quan họ duyên dáng đến đa tình, lãng mạn đến trong trẻo. Ngôn ngữ ấy thật ý nhị, phong nhã, mà lúng liếng đến mềm mại, tinh tế.... Và mỗi chữ, mỗi câu hát biểu hiện cả sự hiểu biết, đậm đà tình người của người chơi Quan họ:

"Giăng bao nhiêu tuổi giăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non!
Tuyết sương mai tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho hết ngọn nguồn lạch sông"

An Quý