Người Thái và chiếc khăn Piêu
Khăn Piêu được tạo ra bằng cách thêu luồn chỉ màu đan trên mặt vải. Những sợi chỉ đủ màu sắc được phối màu với nhau một cách rất hài hoà. Điều đáng nói là tất cả các cô gái Thái không được học qua một trường lớp nào về tạo hình, phối màu mà những chiếc khăn Piêu họ thêu ra, đều được trang trí rất hài hoà, đẹp mắt. Mỗi chiếc khăn Piêu mang một vẻ khác nhau. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Kể cả những mảnh vải để thêu thành chiếc khăn Piêu cũng do bàn tay người phụ nữ Thái tự mình quay sợi và dệt thành vải.
Diềm của khăn Piêu được trang trí bằng những cặp "tín xáo" thêu theo kiểu vắt chỉ thành từng nhóm hai, ba, hoặc bốn đường song song. Giữa các nhóm "tin xáo" còn được trang trí thêm những hình "tô pu"(con cua) hay "tô nhện" (con nhện) hoặc hình ngôi sao 5 cánh theo lối cách điệu. Viền ngoài cùng của chiếc khăn được riềm bằng vải đỏ. Bốn góc khăn được kết thành tai piêu và nổi bật là những nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 hay nhóm 5 cút khăn Piêu.
Để làm một chiếc khăn Piêu, nếu nhanh cũng phải mất 15-20 ngày. Trong đám cưới của người Thái thì khăn Piêu là tặng vật quí con dâu dành tặng bố mẹ chồng và anh em nhà chồng. Mỗi người con gái Thái trước khi về nhà chồng phải làm từ 20 đến 30 khăn để tặng cho anh em nhà chồng. Số lượng khăn Piêu càng nhiều càng chứng tỏ sự chăm chỉ và khéo léo của cô dâu. Một cô gái Thái có thể còn nhiều vụng về trong công việc nội trợ, nhưng không thể không biết làm thổ cẩm và khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu giống như thước đo về sự khéo léo, chăm chỉ và tấm lòng của cô dâu khi về nhà chồng.
Cũng là chiếc khăn Piêu của người Thái nhưng mỗi mường Thái chiếc khăn Piêu lại mang một nét đẹp riêng trong trang trí hoa văn. Yên Châu - Sơn La vốn nổi tiếng bởi các mặt hàng thổ cẩm và khăn Piêu lại mang những nét rất riêng. Chiếc khăn Piêu hiện nay của các cô gái Thái Yên Châu làm được mọi người rất yêu thích. Ai cũng phải công nhận khăn piêu Yên Châu là đẹp. Hoạ tiết hoa văn nhỏ, mỗi hoạ tiết được tạo mầu riêng biệt, không pha lẫn nhau. Chiếc cút piêu cũng được làm rất cẩn thận. Một chiếc khăn Piêu chỉ dùng 3 chiếc cút. Người ta không quá lạm dụng những chiếc cút này để trang trí cho chiếc khăn.
Khác với Piêu Yên Châu, mô tuýp hoa văn chủ đạo trên chiếc khăn Piêu vùng Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La lại được làm đơn giản hơn, thường thì là những cành cây, khóm hoa. Các đường diềm "tin xáo" khăn Piêu của những vùng này lại kéo dài hơn các cặp "tin xáo" của khăn Piêu Yên Châu.
Các cô gái Thái từ nhỏ đã được mẹ dạy và học cách làm khăn Piêu.
Người phụ nữ Thái có thể đội khăn Piêu theo nhiều kiểu khác nhau. Chiếc khăn Piêu, với những đường thêu khéo léo làm tăng thêm vẻ đẹp hồn nhiên của những cô gái Thái vùng sơn cước. Khi tham gia vào các vòng múa xoè, trên vai các bà, các chị và các cô gái Thái không thể thiếu những chiếc khăn Piêu.
Chiếc khăn Piêu không chỉ mang biểu tượng tinh thần, là đồ trang sức của những người phụ nữ Thái, dân tộc Thái mà nó còn rất nhiều hữu ích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Đây là vật che nắng quen thuộc của các bà các chị trong những buổi làm nương rẫy hay những buổi đi chơi; là vật giữ ấm vào những ngày rét thấu xương gan của cái lạnh Tây Bắc. Vì chất liệu của những chiếc khăn này chủ yếu bằng bông nên có thể giữ ấm vào mùa đông; thấm mồ hôi, giữ mát vào mùa hè. Nhiều bà mẹ lại dùng chiếc khăn Piêu thay cho chiếc địu để địu con đi chơi. Đặc biệt, đây còn là tặng vật thiêng liêng mà những đôi lứa uyên ương dành tặng nhau. Trong quà cưới của con dâu, chiếc khăn Piêu đẹp mà con dâu dành tặng mẹ chồng còn thể hiện sự hiếu thảo, chăm chỉ, khéo léo của nàng dâu… Khăn Piêu trở thành biểu tượng cao quí trong những đám cưới của người Thái.
Khăn Piêu còn là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của những người Thái. Khi nền kinh tế chưa phát triển thì chiếc khăn Piêu có thể dùng để cải thiện đời sống vật chất của gia đình bằng phương thức vật đổi vật. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhu cầu giao lưu trong nước và quốc tế ngày càng tăng, người Thái Tây bắc đã mạnh dạn mang chiếc khăn Piêu của mình tham gia vào các hội chợ tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Khăn Piêu đã có mặt tại các gian hàng của thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bây giờ bạn đi trên các phố Hàng Gai, Hàng Đào có thể sẽ tìm thấy những chiếc khăn Piêu mang đậm màu sắc của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Khăn Piêu được rất nhiều du khách nước ngoài yêu chuộng.
Vào tất cả các buổi liên hoan, vui chơi của người Thái thường không thể thiếu chiếc khăn Piêu. Trong những vòng xoè thân ái, chiếc khăn Piêu càng khiến thiếu nữ Thái thêm duyên dáng, vòng xoè càng thêm phần hấp dẫn.
Khăn Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên. Piêu là một sản phẩm văn hoá và tinh thần in đậm bản sắc dân tộc Thái. Không những thế nó còn là vật kỷ niệm đầy ý nghĩa của những du khách có dịp đến với Tây Bắc.
Vũ Hạnh
Các tin liên quan:
- Cháo Khuya Hà Nội (01-09-2005)
- Chiếc vòng cầu hôn (24-08-2005)
- Phong tục thổi pí và hát giao duyên của dân tộc Thái (12-08-2005)
- Bánh cốm Hàng Than (04-08-2005)
- Ăn ngon ở Huế (27-07-2005)
- Kiến trúc làng Việt Nam (12-07-2005)
- Chợ tình Khâu Vai (30-06-2005)
- Cánh diều tuổi thơ (22-06-2005)
- Mắm kho-bông súng (14-06-2005)
Cập nhật 17-04-2008