Sợi rơm vàng
Từ khi biết nghe biết nói, tôi đã được nghe ông nội hát mấy câu:
Ngồi rồi đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi đứa nào đốt rơm
Dẫu không hiểu gì lắm về mấy câu ca đó, nhưng tôi mường tượng trong đầu mình đang có một ông già dỗi việc ngồi đốt đống rơm, không ngờ khói rơm lại bay lên tận chỗ Ngọc Hoàng đang ngồi, làm cho Ngọc Hoàng phải hỏi tới ông, chắc khói của rơm và chỉ có khói của rơm mới có sức tác động đến kỳ lạ như vậy và trong giấc ngủ mơ có lần tôi cứ tưởng ông già ngồi đốt rơm đó chính là ông nội tôi. Bởi từ lúc tóc còn để chỏm, lên tám lên mười tôi đã được cưỡi trên lưng con trâu mộng đầu đàn da đen bóng, bụng căng tròn như quả sim chín đang gặm cỏ bên bờ ruộng nhà tôi mới gặt xong, dưới ruộng gốc rạ nơi vừa bị liềm cắt ngọt, còn vương những hạt nước từ gốc túa lên như những viên ngọc bích long lanh.
Phía đầu bờ ông tôi đang cặm cụi gom nốt những đống rơm rạ phơi nắng đã khô thành một đống to cao chừng 5-6m để đốt. Ông thường đốt rơm rạ vào buổi chiều, suốt đêm đó ngọn lửa cứ âm ỉ cháy, thiêu toàn bộ rơm thành tro. Để sáng hôm sau bà tôi đem đôi sọt ra hót tro vào đó, bà nhồi tro vào hai sọt đến lúc nào không nhồi được nữa mới thôi. Tro rơm rạ đem về ủ phân chuồng để vụ sau đem ra bón ruộng. Bà bảo loại tro rơm rạ rất tốt cho việc bón cây và cấy lúa, nếu được bón loại tro rơm nếp, cây thì trĩu quả, lúa thì mẩy hạt sai bông. Đến bây giờ sống giữa đất Hà thành thi thoảng tôi lại bị một vài ý nghĩ lẩn thẩn chen ngang vào công việc, trong một vài ý nghĩ dai dẳng nhất lại liên quan đến sợi rơm vàng. Chẳng hạn tôi bỗng thấy mình thèm mùi rơm tươi thơm ngái chất thành đống ở bên sân gạch đang trải lúa vàng vừa được đập ra từ gồi lúa. Tiếng đập lúa thậm thịch nhịp đều như một điệu nhạc tuyệt vời giữa đêm trăng hè sáng trong ở vùng quê được mùa bội thu.
Sau một ngày làm việc vất vả tôi thèm được nằm úp mặt xuống đống rơm, thả vào trong giấc ngủ một mùi thơm tinh khiết. Hoặc những buổi trưa hè thả bộ trên con đường làng trải đầy rơm, nghe bàn chân của mình ngập sâu trong cảm giác êm ái lạ kỳ. Ông tôi kể: "Từ xa xưa, lâu lắm rồi có lẽ từ khi sinh ra cây lúa, con người với rơm là bạn, nó cần thiết như gạo như muối, không có rơm trải thành ổ rơm đêm về che chở cái rét cho người lúc mùa đông lạnh giá, không có rơm làm nùn rơm giữ lửa, lấy rơm lợp nhà... thì chúng ta đâu còn tồn tại đến hôm nay".
Suốt những năm nhỏ tuổi, rơm là tri âm tri kỷ của tôi và những đứa trẻ được sinh ra trên một vùng quê lấy cây lúa làm nguồn sống. Khi vui chúng tôi lăn vào đống rơm mà đùa thoả thích, tung rơm vào nhau, vật nhau lăn lộn trên rơm suốt ngày không biết chán, gói rơm thành quả bóng để đá... Khi bị bố la mắng tôi thường trốn vào đống rơm, phó thác cho rơm như tìm đến một sự chở che và sau đó là một giấc ngủ rất ngon mấy tiếng đồng hồ, khiến cả nhà lo lắng bổ đi tìm. Đến bây giờ cứ mỗi buổi đi làm, đứng trên lầu gác gần 20 tầng bên bờ Hồ Tây, buổi chiều trước khi ra về tôi lại nhìn về phía mặt trời đang lặn, nơi ấy đang để lại một hoàng hôn tim tím xa mờ có ba đỉnh núi Ba Vì đen xẫm. Đấy chính là quê hương nơi mẹ đã sinh ra tôi và sau ngôi nhà ngói gỗ lim năm gian ấy vẫn sừng sững cây rơm phơi mình cùng tuế nguyệt, sợi rơm càng khô càng vàng óng, để hàng ngày mẹ tôi lấy vào đun bếp thổi cơm...
Mùa đông đến, phòng khi mưa phùn gió bấc không đưa trâu ra đồng ăn cỏ đã có rơm thay thế. Sợi rơm vàng bạn đừng tưởng nó không còn chất gì đâu nhé! Cứ nhìn con trâu nhai rơm thì chắc rơm ngon lắm. Những cây rơm ấy, thuở tuổi 15-16 đang học cấp 3 tôi thường được bố tin cậy giao cho làm người "đánh" cây rơm, để đánh được một cây rơm cao chừng 6-7m đâu phải dễ, nếu không biết trải rơm cho thật đều thì cây rơm không thể lên cao, chỉ 3-4m là đổ. Muốn đánh được cây rơm cao chừng chục mét ta phải trải rơm rộng thành đường tròn có đường kính từ 4-5m và ở giữa phải trôn một cây gỗ đường kính 30-40 phân, dài 7-8m làm cốt, sau đó cứ thể trải rơm thật đều và thành từng lớp. Hết lớp này mới đến lớp khác, sau một lớp phải lấy chân dẫm xung quanh cây rơm cho thật đều. Đánh cây rơm vào lúc trăng lên thì thật tuyệt, cái gió nồm Nam trong đêm hè thổi vào mát rượi, trên bầu trời những ngôi sao lung linh toả sáng, ánh trăng đầu tuần nhô lên sau rặng tre làng tạo thành một bức tranh tuyệt tác mà chỉ ở miền quê của chúng tôi mới có được.
Rồi có một đêm trước lúc lên đường đi chiến đấu tôi thẫn thờ ngồi bên nàng dưới gốc cây rơm mà trò chuyện cho đến khuya, tiếng thở của rơm đọng mãi trong tôi trên đường ra mặt trận. Mỗi mùa về, rơm ở làng quê trở thành một vật liệu được sử dụng nhiều lắm. Sợi rơm nếp được tết thành chổi quét nhà rất sạch và nhẹ nhàng: "Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm. Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ. Chổi to bà quét sân kho, chổi nhỏ bà để dành bé chăm lo quét nhà... ", bài hát cứ đọng mãi trong tôi đến tận bây giờ, ngay giữa đô thành ồn ã và tất bật. Mẹ tôi thường bảo: "Rơm chưa lên cây thì thóc chửa vào bồ". Ai có trải qua những ngày lặn lội, nhọc nhằn, đói rét, để be bờ, cày cấy mới có thể hiểu được điều đúc kết sâu xa ấy. Sau mỗi vụ gặt hái bội thu không thể nào quên được mùi khói rơm thui thịt chó ăn mừng ngày gác hái gác liềm, đến lúc này tôi vẫn cho rằng chỉ có rơm là thứ để thui chó duy nhất làm cho món thịt chó ngon nhất mà thôi.
Nói đến làng quê Việt
Minh Nguyễn
Các tin liên quan:
- Câu thành ngữ phản ánh huyền thoại về cội nguồn dân tộc (12-09-2007)
- Ca dao và tình yêu (05-09-2007)
- Đi chợ phiên Mường Hum (30-08-2007)
- Làng - nguồn cội của chúng ta (23-08-2007)
- Bò nướng kiệu (22-08-2007)
- Điệu hò ru con sống mãi với tuổi thơ (15-08-2007)
- Chợ Hà Nội (30-07-2007)
- Ngọt ngào cải lương (20-07-2007)
- Hà Nội - Những Âm Thanh Vào Hạ (10-07-2007)
- Ẩm thực cung đình Huế (02-07-2007)
Cập nhật 18-07-2008