Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 15:43

Đèn kéo quân vui hội đêm Rằm tháng Tám

Thu đã về, đây đó trên phố phường Hà Nội lại rực sáng sắc đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cù, đèn lồng cùng các đồ chơi điện quang dành cho thiếu nhi vui Tết Trung Thu. Các em nhỏ kéo tay cha mẹ sà vào các cửa hàng đồ chơi, và như có sức hút đều dừng trước cây đèn kéo quân, xoay tít mù với những hình người và vật lung linh. Ngoài hình rối chuyển động, giữa thân đèn còn phát ra tiếng lách tách vui tai.

Khen ai khéo xếp í a cây đèn kéo quân
Voi giấy ngựa giấy chạy vòng quanh
Nào xe, nào pháo, nào quân tướng
Í a tít mù lòng vòng quanh

                       (Đồng dao Đèn kéo quân)

 


Đèn kéo quân bày bán tại cửa hàng
trong dịp Trung Thu

Đèn kéo quân là một đồ chơi hết sức gần gũi của trẻ thơ mỗi dịp Thu sang và nhất là trong dịp Tết thiếu nhi. Cây đèn mô phỏng một đoàn người hoặc vật nối tiếp chạy vòng tròn khi được đốt sáng, và bắt nguồn từ trò chơi đánh trận giả trong đó các bé chia làm nhiều đội, mỗi đội cử một người làm vua hoặc tướng, những người khác làm quan và quân lính cùng nhau đi thực hiện việc cứu người, đánh giặc hay tìm hiểu đời sống dân dã. Đất nước ta từ xưa đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến, và qua cây đèn kéo quân, người lớn muốn để trẻ em nhớ về lịch sử oai hùng của dân tộc. Buổi đầu hình ảnh trên cây đèn nói về việc nghĩa song dần dần đã đổi sang đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu,… và đến nay là các truyện cổ tích, khoa học viễn tưởng như Tôn Ngộ Không, mèo máy Doremon, thủy thủ mặt trăng…

Sử sách ghi lại, đèn kéo quân đã có từ đời Nguyên, cùng thời những cây đèn lồng đỏ Tết Nguyên Tiêu. Còn truyện dân gian thì kể rằng, một năm sắp đến Trung Thu, đức vua cùng quần thần ra ngoài hoàng thành ngắm cảnh, nhân dân làm rất nhiều đèn lồng để soi sáng đường vua qua. Tại các phố phường được lịch đón tiếp vua, ai cũng khẩn trương làm một cây đèn, song không được giống nhau. Ở một nhà nghèo nọ, có hai mẹ con chàng trai tên là Lục Đức (sáu điều tốt), ăn ở hiền lành, tốt bụng. Một đêm, Lục Đức mơ gặp Thái Thượng Hoàng mách cho cách làm một cây đèn. Đêm Trung Thu, cây đèn của anh được dâng vua. Nghe anh kể lại ý nghĩa của cây đèn miêu tả những cảnh sinh hoạt dân gian sung túc, cảm động đức độ, đức vua đã cho truyền bá cây đèn rộng rãi, và gọi là đèn kéo quân vì có những hình rối vui tươi chạy lòng vòng. Ngày xưa, thú chơi đèn kéo quân diễn ra trong tất cả các dịp lễ tết và Trung Thu, còn hiện nay hầu như chỉ còn thấy ở Trung Thu.

Có nhiều câu chuyện vui thiếu nhi về đèn kéo quân, chẳng hạn: Thời vua Gia Long triều Nguyễn, cậu bé Nguyễn Quý Tân (1814 - 1858) thông minh đã từng dằn mặt viên quan to nhất tỉnh Hải Dương. Đêm Rằm tháng Tám, tại đường cái của tỉnh Hải Dương, Tân đang theo chúng bạn rước đèn trông giăng (trăng) thì nhà quan đi qua, mấy tên sai nha gặp ai cũng la lối, đánh mắng. Bất bình, em đứng lì giữa đường không tránh, và đợi lính tới thì thản nhiên xưng là học trò vì mải vui không nghênh tiếp kiệu quan. Viên quan thấy cậu khôi ngô nói năng chững chạc, liền bảo: Nếu đúng là học trò thì phải làm một bài thơ nói về buổi tối nay và cây đèn kéo quân, nếu không sẽ bị đánh đòn. Nguyễn Quý Tân bèn ứng khẩu:

Một lũ ăn mày một lũ quan
Quanh đi quẩn lại vẫn một đoàn
Đến khi dầu hết đèn thôi cháy
Chẳng thấy ăn mày chẳng thấy quan.

Bài thơ cố ý chế nhạo lũ quan quân lố nhố kênh kiệu. Bị bẽ mặt, họ lủi hẳn.

 

Cây đèn kéo quân khổng lồ trong dịp Trung Thu 2006

Làm đèn kéo quân khá phức tạp. Đầu tiên, cần một bộ khung đèn thật chắc bằng tre cao chừng 60cm, đường kính 50cm. Các mặt dán giấy trắng tinh hoặc dán giấy mầu. Ở bốn góc có thể vẽ cảnh núi sông, cây cỏ, mái đình hoặc thành trì để làm nền cho các hình rối. Chân đèn cũng có thể đính tua chỉ ngũ sắc, hoa giấy, hạt cườm cho thêm đẹp. Bên trong đèn đặt một đĩa dầu lạc hoặc nến, và xung quanh đĩa dầu lắp một trục chuyền (một cái chong chóng) dán các hình người và vật sau này quay quanh đèn. Do trục trơn, các hình nhẹ nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí tạo thành luồng gió khiến trục quay kéo theo các hình chuyển động.

Khi đèn sáng, giấy trắng sẽ như một tấm giương soi rọi các hình bên trong. Ví thử trên trục quay gắn một con ngựa mầu đỏ thì trên mặt giấy trắng sẽ hiện hình một con ngựa đỏ; một bà quan mặc xiêm áo xanh, đỏ, tím, vàng cũng hiện lên xanh, đỏ, tím, vàng, thậm chí các chi tiết cũng rõ rệt từ mắt mũi, tóc tai, cúc áo, đồ vật kèm theo… Với đèn dán giấy mầu, các hình có mầu nhạt hơn hoặc đen thẫm. Có thể xem một cây đèn kéo quân là một màn diễn rối bóng tự động không cần người điều khiển.

Đèn kéo quân rất bền. Vì thế khi Trung Thu qua, người lớn thường giữ cây đèn và bảo quản những cây đèn cổ như báu vật khi thích lại đem trưng. Vô hình chung, đèn kéo quân còn là đồ chơi của người lớn.

 


Đèn kéo quân khổng lồ trưng trên đường phố dịp Trung Thu

Đèn kéo quân luôn gắn liền với tuổi thơ. Em bé nào cũng từng được ông bà, cha mẹ lắp hoặc mua cho một cây đèn chơi vào lễ giung giăng. Các hình rối có sức lôi cuốn trẻ thơ rất lớn, khiến các em nhỏ tò mò thích thú. Bên cây đèn luôn có ánh mắt tròn xoe háo hức và tiếng cười đùa giòn tan.

Mỗi dịp Trung Thu, các tụ điểm vui chơi ở nước ta đều treo đèn kéo quân chào đón thiếu nhi. Đặc biệt có nơi làm những cây đèn khổng lồ, như làng Đàn Viên, Thanh Oai, Hà Tây với cây đèn cao tới 7m, đường kính 2,6m, xung quanh đế còn gắn sáu cây đèn nhỏ và thắp sáng tại Cung thiếu nhi Hà Nội năm 2006; hay Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên TPHCM năm 2007 với bộ đèn kéo quân Phước-Lộc-Thọ, trong đó cây đèn Lộc cao nhất tới 7,5m, đường kính 2,6m. Ở Hà Nội, có khá nhiều nơi bán đèn kéo quân như phố Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Trống, Lương Văn Can…

Đêm Trung Thu, thiếu nhi sẽ rước đèn kéo quân dưới ánh trăng thanh, xúng xính trong bộ áo quần mới, ngăn túi đầy ắp bánh kẹo, bên mâm cỗ ngũ quả trông giăng thật vui. Tay trong tay, trong tiếng trống thì thùng, cùng hát khúc đồng dao Đèn kéo quân và bài hát Lồng đèn kéo quân:

Vào một ngày sao soi bước bóng trăng Rằm/Một chú bé bên sông ngồi sao buồn thế/Ngồi mơ ước ông trăng bay cùng bay/Để thấy đâu đây vì sao/Bầy đom đóm vây quanh mầu sáng soi/Nhìn lập lòe xa xa có ánh sáng đèn/Một cô bé trong đôi giày nơ mầu trắng/Chợt đi đến trong tay chiếc đèn xinh/Lấp lánh như đêm đầy sao/Và em bước lon ton lại gần/Mơ màng nhìn ánh sáng đèn/Cứ quay quay ngỡ như là từng cơn mơ/Về cung trăng ngày Rằm tháng Tám…/Lặng nhìn lồng đèn kéo quân/Đèn nằm cạnh bên bóng trăng/Ánh mắt mơ hồ ta ước về một nơi không có mây mù/Thầm nguyện cho cây nến kia luôn luôn cháy mãi bên trong chiếc đèn/Lặng nhìn lồng đèn kéo quân/Và đèn vẫn xoay cứ xoay...

Chu Mạnh Cường

Tạo bởi maint
Cập nhật 09-09-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin