Làng gốm ven Sông Cầu
Thơ ca cổ, có rất nhiều vần thơ, bài thơ hay ca ngợi vẻ đẹp và sự trù phú của làng gốm ven sông. Ở đây tôi muốn trích ra một khổ thơ viết về làng gốm Thổ Hà của một nhà thơ. Đó là khung cảnh làm ăn tấp nập và sầm uất:
Làng gốm cữ này đang độ lửa
Khói cỏ de thơm khắp cả làng
Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến
Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang...
(Làng gốm Thổ Hà - Vũ Quần Phương)
Cổng làng gốm Thổ Hà
Làng gốm Thổ Hà thuộc vùng Kinh Bắc, nằm ven dòng sông Cầu. Con sông từ thuở nào đã đi vào lời ca “nước chảy lơ thơ...”. Giữa một vùng đồng bằng trù phú, nơi nhiều nghề phụ, xứ sở của quan họ, làn khói những lò gốm đã bay khoan thai tự bao đời.
Trong Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự thời Lê có viết:
Mã Đông Hồ gấm thêu hoa quyện
Cày làng Lê dựng nghiệp nông gia
Chĩnh chum thời có Thổ Hà
Theo sử sách thì gốm Thổ Hà, gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng đã có từ thời Lý. Làng gốm Thổ Hà xưa ở núi Gốm (Quế Dương) rồi cứ tiến dọc triền sông. Qua Vạn Yên qua làng Đặng, làng Chọi, Quả Cảm... cho đến cuối đời Trần mới dừng lại Thổ Hà giờ đây(l).
Dấu vết trên đường rời quê ấy, dọc triền sông, nay người ta còn đào được nhiều mảnh sành mảnh sứ. Hẳn thời nguyên sơ, con sông Cầu còn vật vã dữ dội. Những làng xóm thuở ấy còn nhỏ bé. Cuộc sống con người còn gian nan. Thiên nhiên đầy khắc nghiệt. Để có sự bình yên như bây giờ, phải biết bao công sức của con người.
Ngõ nhỏ - nét đặc trưng ở Thổ Hà, mốc thếch tường rêu
Tôi đi trong làng Thổ Hà đã bao lần, mà mỗi lần cứ nao nao xúc cảm. Những ngõ hẻm chạy dài sâu, hai bên bờ tường cao xây bằng tiểu, bằng vại nèn đất làm ngõ càng hẹp, càng hun hút hơn. Lối ngõ lát toàn mảnh sành, mảnh gốm vỡ. Một tiếng cười ở đầu ngõ cũng cứ âm vang. Mái ngói kề mái ngói ngả màu rêu. Những dãy lò đang ăn lửa. Vài chiếc lò con cóc bỏ không. Một khoảng trời xanh đất chợt ở cuối ngõ... Sự phồn thịnh ấy, tất cả đều do bàn tay con người.
Cụ Vọng, nghệ nhân xuất sắc của làng gốm nói với tôi về cái nghề gốm của làng cụ: “Đất và bàn tay mình thôi. Bao đời rồi chúng tôi nặn nồi bát ven sông...”. Phải! Thật kỳ lạ khi xem những mặt hàng gốm mà nơi đây làm ra. Từ cái vại mộc, đến cái thống men trồng hoa..., tất cả đều nặn từ đất. Người Việt mình gắn bó với bao đồ gốm, đồ sành. Từ khi ra đời cắt nhau cho vào cái nồi đất chôn ngoài cổng ngõ, rồi tắm lọt lòng trong cái chậu sành da lươn, lớn lên cầm bát cơm, cái điếu bát hút thuốc lào, cái nồi kho cá, cái vại muối cà, cái chum kê bên gốc cau hứng nước mưa... Rồi đến khi nhắm mắt nằm xuống, thay đổi hài cốt, người lại được nằm trong cái tiểu sành. Đất với người, người với đất gắn bó, thuỷ chung như thế.
Thổ Hà xưa nay không có một thửa ruộng nào. Mọi công việc đều quay quanh mấy chục cái lò gốm. Xưa toàn xây kiểu lò con cóc... chưa có lò rồng nhiều bầu như giờ. Lò rải khắp làng như những con cóc cụ ngồi chồm hỗm. Những cột khói bốc lên nghi ngút khắp làng. Nhà giàu, có nhà hai lò. Nhà nghèo chung nhau mấy nhà một lò. Nghèo nữa thì đi làm mộc, đi gánh gồng thuê. Công việc vất vả nhất là khâu làm mộc. “Hòn đất mà vật lên nồi”. Bàn tay người làm nên cả thôi. Nào quây, vần, chuốt. Đất sét sau nhiều lần đảo trộn, cầm lên tay dẻo dai như cơm nếp. Không phải đất nào cũng làm gốm được. Cuộc di quê dọc sông Cầu xưa, chắc là cũng vì một phần theo nguyên liệu đất chăng? Thổ Hà có từng đoàn thuyền đi lấy đất. Có khi đi xa ngót hai mươi cây số tận Xuân Cai, Đồng Trũng mua đất về Người trong nghề quen rồi. Cứ nhìn sắc đất biết là mẻ gốm đẹp hay thường. Hòn đất cầm vê trên tay cứ mịn, dẻo là được mua với giá cao. Nay làm ăn có tập thể, đất tìm được ngay đồng gần làng không phải đi xa nữa. Lại có dự án cứ đào sâu dưới lòng sông Cầu, sét nhiều mà tốt lắm. Làng gốm thỏa sức mà làm...
Thợ Thổ Hà chuốt gốm
Tôi cứ mê đi trước cảnh từng dãy nhà, các bác, các chị ngồi chân đạp bàn xoay, tay chuốt hình. Nào lọ, nào vò, nào chum, nào vại cứ hiện dần lên dưới tay người. Dưới đôi bàn tay ấy là cuộc sống bừng dậy. Ngày trước người làm gốm chỉ làm bộ, không biết rót khuôn như bây giờ. Ấy thế mà, con mắt và bàn tay thần kỳ làm sao, bao hình dáng cân đối và đều nhau như thế. Nay trong làng còn nhiều gia đình giữ lại được một số đồ cũ. Những chum, ang cao ngập đầu người. Những chiếc chậu cảnh nuôi cá rộng như cái nia. Những họa tiết, những đường riềm trên những đồ vật ấy cứ sống động, trẻ mãi. Từ khối đất sét dẻo quánh kia, người dựng hình lên thế nào. Bao đời, bàn tay con người mới kỳ diệu làm sao...
Cụ Vọng nói: “Là nghề của chúng tôi, mọi cái rồi quen cả thôi. Thật ra thì cũng khó khăn đấy. Khi làm mộc khô, đưa vào lò, hàng to thế, phải bốn năm người khênh, mà chỉ cần không đều tay một tí là vỡ, là âm ngay. Lại còn cho lửa ăn nữa. Nếu lửa già quá thì hàng bị nứt nẻ. Ăn non lửa, hàng lại rộp lên như bánh đa quạt than...”.
Ngày trước trong làng chỉ có vài người biết đun lò. Những sư lò được trọng đãi lắm. Lò này gọi, lò kia gọi. Ngày đun lò là ngày nôn nóng hơn. Từng đống cỏ tranh khô cứ vơi dần. Khi nhìn qua cửa lò, chum vại đỏ rực lên như sắp cháy. Ấy là hạ lửa. Chờ vài ngày sau lửa tắt, lò nguội dần là ra lò. Vui nhất là ngày ra lò. Lò này ra, lò kia ra. Trong nhà, ngoài ngõ tất bật hẳn lên. Thuyền đỗ đầy ngoài bến chờ ăn hàng. Những chiếc chum to hai người, bốn người đòn chão khênh. Chum nhỏ một người ôm một. Có người đội lên đầu, cứ thế lênh khênh mà đi. Tiếng cười oang oang đầu ngõ. Trẻ con cũng xúm vào làm theo. Đứa xách cái vò, đứa xách cái lọ chạy luýnh quýnh. Sân chứa hàng một lúc đã đầy cả lên nào chum, nào chĩnh, nào vại, nào chậu, nào nồi. Trời ơi, nhìn những mặt hàng ăn lửa chín đều, cứ xăn xắn, gõ vào thành nghe canh canh tiếng chuông lòng ai mà yên được. Cái niềm vui rân rân dâng lên như rượu mạnh... Làng gốm ở đây cứ liên tiếp những niềm vui như thế. Sau những mùa gốm, làng xóm lại thêm bao nếp nhà ngói. Cái ngõ lát mảnh sành, mảnh sứ cài răng lược lại kéo dài thêm ra...
Anh cán bộ kỹ thuật Dong đang say mê nghiên cứu cách pha chế men sao cho đẹp, vừa rẻ, lại vừa có sắc riêng của Thổ Hà. Trong phòng làm việc của anh đầy những vò, lọ, chậu, cốc đựng hóa chất. Học xong khoa gốm Trường Mỹ thuật Công nghiệp, anh xin về công tác ở đây. Buổi đầu tiên, sau khi đi thăm các bác, các anh thợ gốm làm việc, là anh đi vẽ bức tranh bột màu về cái cổng làng Thổ Hà. Bức tranh hiện nay anh vẫn giữ, phần là kỷ niệm, phần là ghi nhận ngày về với quê hương thứ hai của mình. Được biết anh vừa pha chế thành công một số mẫu men mới. Anh say sưa nói với chúng tôi về men nặng lửa, men nhẹ lửa. Và thật kỳ lạ, đồ làm bằng đất, lại lấy từ đất ấy làm men tráng lên, sau khi nung, hàng được tráng lớp men bóng và đẹp lạ. Anh đang băn khoăn làm sao tạo được nhiều mặt hàng đẹp, vừa mới, vừa giữ được đường nét dân tộc. Điều băn khoăn lớn của ngành thủ công là làm sao kế truyền được những tinh hoa của cha ông trước kia, kẻo mai một đi.
Làng gốm cổ Thổ Hà với những bức tường đặc trưng đầy rêu phong và cổ kính
Làng gốm Thổ Hà, ngành nung nay đã có từng tổ nung. Những sư lò nay là những nghệ nhân già, là những thanh niên mới lớn lên. Và đặc biệt có cả con gái nữa. Câu chuyện của những sư lò mới dùng củi thay cỏ, dùng than thay củi thật vui, thật cảm động. Lớp thợ mới lớn lên trên đất quê mình. Với tinh hoa của cha ông, với trái tim mình, bàn tay người thợ gốm Thổ Hà ngày càng khéo hơn.
Giờ đây tôi đang đứng giữa sân thành phẩm, lòng cứ rạo rực một niềm vui khôn kể. Nào vại nào chum. Nào lọ nào lò. Nào ấm nào nồi. Nào chậu hoa, nào đôn cảnh... Hàng thì trơn, hàng thì men hoa. Cụ Vọng nhấc lên một chiếc nồi đất, cụ nói với tôi: “Gì thì gì, chứ tôi cứ thấy cơm thổi nồi đất ngon hơn thổi nồi đồng, nồi nhôm...”. Tôi mải nghĩ miên man, vùng sông Cầu đây xưa thường có hội thi bơi thuyền nấu cơm. Phải chăng, xưa những cô gái vùng Kinh Bắc đây vận áo tứ thân, nón quai thao, hát quan họ, tay chèo thuyền, tay nhóm lửa thổi cơm bằng chiếc nồi đất như thế này? Nồi cơm nào ngon nhất hội đã dâng lên nhà vua? Bao vại muối dưa, muối cà kia đã nuôi lớn bao người?...
*
* *
Nói về gốm Thổ Hà, cái chính, cũng là muốn để nói những nét tiêu biểu của gốm Phù Lãng (Đại Tân, Quế Võ) - hai làng gốm này đều nằm ven sông Cầu. Công nghệ ở hai vùng này đều có từ những năm ba ông tổ nghề đi sứ về, rồi dạy nghề cho dân làng. Phương pháp làm đất, lên xương gốm, vào lò nhóm lửa để nung đốt, rồi khi hạ lửa, ra lò... Ở hai làng gốm này, thao tác giống nhau lắm. Cách thức tổ chức sản xuất gốm cá thể xưa và gốm tập thể nay ở Thổ Hà cũng tương tự như ở Phù Lãng. Chỉ có một điểm khác nhau chút ít là ở mặt hàng: Gốm Phù Lãng hầu hết là gốm sinh hoạt thực dụng hàng ngày, như ấm, nồi đất, vò, lọ vại chum nhỏ... Còn ở Thổ Hà, ngoài các mặt hàng đó chúng tôi thấy có làm những mặt hàng lớn hơn. Như những chum đại, ang lớn và các kiểu tiểu sành ở Thổ Hà thì tự xửa xưa đã có uy tín lắm.
Hai làng giữ nghề sớm như nhau, sản xuất mặt hàng tương tự nhau, ấy vậy, Phù Lãng vẫn thiệt thòi hơn Thổ Hà, bởi lẽ, đa phần người ta chỉ biết tới Thổ Hà và đến Thổ Hà mua hàng, vì Thổ Hà gần trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh. Đường đi lối lại vào Thổ Hà cũng có phần gần và tiện lợi hơn.
Thuở trước, Thổ Hà cũng như Phù Lãng đều giấu nghề kỹ lắm. Hai nơi cùng công nghệ, vậy họ vẫn giữ bí quyết riêng của họ. Ngày nay, Phù Lãng và Thổ Hà đều đã có hợp tác xã gốm. Kỹ thuật nay là của chung, cùng nhau trao đổi, bàn bạc, chứ không còn phải giấu riêng, giữ riêng nữa.
Gốm kiến trúc của Thổ Hà rất được ưa dùng
Hiện tại, ngoài việc sản xuất đồ gốm dân dụng, Thổ Hà và Đại Tân có sản xuất số lượng hàng gốm phục vụ kiến trúc đáng kể. Những đình chùa trong tỉnh, ngoài tỉnh cần trùng tu, là phải nhờ Thổ Hà và Đại Tân phục chế các kiểu ngói cổ. Hàng gốm kiến trúc như ngói bò, ngói ống, ống gốm thoát nước; các vật gốm trang trí kiến trúc như hoa cửa, tháp nhọn trên nóc nhà, do Thổ Hà và Đại Tân sản xuất, thì ai cũng ưa dùng. Nó vừa bền, vừa đẹp và giá cả lại phải chăng. Nói gì thì nói, gạch thất, gạch lục, gạnh vuông cỡ đại thì vẫn phải nói tới Bát Tràng. Còn như, gạch lá nem lát nền nhà, là phải tìm tới Thổ Hà sản xuất, vừa nuột mặt, vừa phẳng, lại đều nhau chằn chặn. Mười viên, cứ là cả mười giống nhau. Ngày xưa, lại còn làm cả loại gạch lá nem có tráng dầu trên bề mặt nữa. Nhìn viên gạch lá nem tráng dầu nhẵn bóng không kém gì gạch men hoa. Xem ra, ở nông thôn, người ta còn ưa dùng gạch lá nem Thổ Hà để lát nền nhà hơn cả gạch men. Bởi lẽ, màu gạch lá nem Thổ Hà là màu đất, đằm, không rực rỡ như gạch men và không trơn như gạch men. Ngoài ra, còn có ưu điểm khác, là loại gạch lá nem lại hút cả nước. Vì vậy, loại gạch này bốn mùa đều hợp với nhà ở thôn quê. Trời mưa dầm, trời trở nồm, thì nền nhà lát gạch lá nem Thổ Hà vẫn khô ráo, sạch sẽ.
*
* *
Đất nước mình đâu cũng gặp những dòng sông. Sông vẫn bồi đắp phù sa lên bãi bờ. Muôn đời, dọc triền sông người vẫn dùng nồi, nặn bát. Cầm mặt hàng trên tay, tôi rưng rưng nghĩ về những người nghệ nhân gốm xưa kia. Rồi mai, người cầm mảnh gốm hôm nay, người sẽ nghĩ gì về quê hương, về những người thợ Gốm ngày nay? Hẳn muôn đời người sẽ mãi ngạc nhiên ở bàn tay con người...
(Theo Nghề Cổ đất Việt của Vũ Từ Trang)
___________________
* Chú thích:
(l) Lại có truyền thuyết rằng, Quả Cảm là nơi sản xuất nhiều đồ gốm, trong đó có cái lon nhỏ để dựng nước, kê chân đặt giàn tằm, người quen gọi là “chân cũi”. Trong làng có một cô gái xinh đẹp bán chân cũi. Vì sắc đẹp và tính tình nết na nên cô bán bao nhiêu hết bấy nhiêu đồ gốm. Một hôm, có chàng trai trong hoàng tộc ở Cổ Loa đi ngang vùng Quả Cảm. Thấy cô gái đẹp, chàng trai dừng ngựa làm quen, rồi sau đó lấy làm vợ. Cô gái Quả Cảm theo chàng trai về Cổ Loa, song vì nhớ quê gốm, cô vẫn thường về thăm quê gốm. Về sau, nhà Vua có khơi sâu dòng Ngũ Huyện khe để cô gái xuôi thuyền về thăm quê cho tiện. Mãi sau này, quê gốm Quả Cảm chuyển dần về Thổ Hà ngày nay...
Các tin liên quan:
- Chợ làng (21-11-2005)
- Chợ tình ở vùng cao: Cái tình không bán (18-11-2005)
- Vẻ đẹp bên dòng Sông Hương (10-11-2005)
- Nghĩ về một sắc thái riêng của Huế (02-11-2005)
- Hương cốm (25-10-2005)
- Ðất quan họ làng Diềm (17-10-2005)
- Âm thanh Hà Nội (07-10-2005)
- Ấn tượng cơm Hến Huế (28-09-2005)
- Chợ nổi vùng cuối đất (20-09-2005)
- Cố đô Huế (12-09-2005)
Cập nhật 01-10-2008