Bánh khúc làng Diềm - Món quà quê đượm tình Quan họ
Các bậc cao niên trong làng bảo, chẳng biết bánh khúc có tự bao giờ, chỉ biết rằng, trước đây món bánh này quý lắm, chỉ được làm khi có khách quý đến chơi hay các dịp nhất niên, nhất lệ. Cụ Nguyễn Văn Bật, 83 tuổi cho biết, trong các cuộc chơi giữa “bọn Quan họ” làng Diềm với “bọn Quan họ” các làng khác, bánh khúc được mang ra mời. Tuy không phải là quy định khắt khe như trầu thuốc, song đây chính là nét văn hoá ẩm thực riêng có ở quê hương thuỷ tổ Quan họ.
Để làm một chiếc bánh khúc ngon không khó nhưng quy trình đòi hỏi sự tỷ mỷ và mất khá nhiều thời gian. Chỉ riêng khâu chọn nguyên liệu cũng phải thật có kinh nghiệm. Cùng với chút gạo tẻ loại ngon, trắng đều, trong, dài hạt được lựa chọn kỹ càng , gạo nếp dẻo, thơm, thì dù làm loại bánh nhân hành hay nhân đỗ đều phải tuân thủ những bước quan trọng và cơ bản. Lá khúc - nguyên liệu chủ đạo phải được dùng khi còn tươi, non và là loại lá khúc nếp. Gạo tẻ sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ được vo, đãi thật sạch đem giã nhuyễn cùng với lá khúc. Tỷ lệ gạo - lá để làm bánh khúc cũng là một bí quyết để có được món bánh như ý, bởi nếu nhiều gạo quá, bánh khúc sẽ không có vị đặc trưng của loại lá này, còn nếu lượng gạo không đủ, bánh sẽ thiếu độ kết dính. Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, béo của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Ba thứ nguyên liệu này được nấu lên, trộn lẫn với nhau làm thành nhân bánh. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút. Hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Dù là bánh nhân đỗ hay nhân hành thì vỏ bánh và nhân cũng đều phải nêm một lượng gia vị vừa đủ, bánh mặn làm mất đi vị bùi, béo song nếu nhạt bánh sẽ có mùi ngai ngái. Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với 2 hình thức: tròn như bánh rán hoặc hình tai voi, nhưng dù với hình thức nào, vỏ bánh cũng phải dát mỏng mà không để lộ nhân. Không ai luộc bánh khúc bao giờ mà người ta đồ bằng chõ như đồ xôi. Cứ một lượt bánh lại rắc một lượt gạo nếp mỏng đã ngâm mềm vừa đủ để dính đều vào bánh. Bánh khúc ăn lúc nóng là ngon nhất, có thể thay thế cơm tẻ nhưng người làng Diềm chỉ làm khi khách quý đến chơi nhà và các dịp rằm tháng giêng, lễ hội Đền Vua bà 6 - 2 và Hội Tát giếng 3 - 3 âm lịch. Đó cũng chính là mùa của cây khúc.
Cô bạn tôi làm ở báo Thanh Hoá có lần về Hội Diềm được thưởng thức món bánh này sau khi nghe mấy buổi Quan họ hát canh tìm hiểu về văn hoá Quan họ đã hỏi “Có phải bánh khúc tượng trưng cho tình nghĩa thuỷ chung của người Quan họ mà sao đậm đà đến thế?”. Chẳng biết có phải vậy không nhưng quả thực, những ai đã đến làng Diềm nghe Quan họ và ăn bánh khúc một lần, hẳn không thể quên được món quà quê giản dị mà đượm tình - bánh khúc! (Thuỳ Vy - BBN)
Các tin liên quan:
- Tết nhớ về tranh Hàng Trống (31-12-2008)
- Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ (24-12-2008)
- Dải lụa trong hội Dâu (24-12-2008)
- Không gian xứ Huế (15-12-2008)
- Hội Chen (15-12-2008)
- Tục lệ ăn trầu - nét văn hóa dân tộc (12-12-2008)
- Chốn quê (09-12-2008)
- Gốm Cậy (08-10-2008)
- Làng gốm ven Sông Cầu (01-10-2008)
- Làng gốm Bát Tràng (24-09-2008)
Cập nhật 24-12-2008