Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ
Một năm có bốn mùa. Mỗi mùa có ba tháng, gọi theo thứ tự là mạnh, trọng, quý. Tứ quý là bốn tháng cuối của bốn mùa. Tháng ba: Quý xuân. Tháng sáu: Quý hạ. Tháng chín: Quý thu. Tháng mười hai (chạp): Quý đông.
Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng). Mỗi loài hoa, loài cây lại tương ứng với một loài chim. Vẽ hoa ấy phải đi với chim ấy mới là đúng quy tắc, đúng luật. Như vẽ hoa mai phải vẽ với chim khổng tước (mai/điểu), hoa hồng với chim công (hồng/công), hoa cúc với gà (kê/cúc), cây thông với chim hạc (tùng/hạc) v.v...
Tuy nhiên cảnh phải có tình mới là họa phẩm hoàn thiện. Nếu không có tình hoặc có mà người xem không cảm, thì dẫu cho cảnh đẹp, màu tươi vẫn là bức vẽ không hồn. Mà tình thì chẳng ai giống ai, khi vui khi buồn cũng khác. Khó vô cùng hướng tình cảm mọi người vào mẫu số chung!
Người nghệ sĩ dân gian Đông Hồ đã giải quyết vấn đề này một cách thông minh, sáng tạo. Trên mỗi bức tranh vẽ cây hoa, chim chóc, đề một câu thơ nêu bật chủ đề. Tranh và thơ hòa quyện với nhau như một thể hữu cơ. Thơ là tranh bằng lời. Tranh là thơ bằng đường nét. Có nhiều tác giả vẽ tranh Tứ quý. Mỗi người vẽ lại thay đổi đôi chút về mẫu mã. Thơ đề tranh do đó có nhiều bài. Bài dưới đây được bình chọn đặc sắc nhất:
Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch
Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kỳ
Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc
Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi.
Bốn câu thơ trên nếu chỉ hiểu nghĩa thông thường đã thấy hay song chưa thấy ý vị của nó. Trời xuân mai nở phô trong trắng. Trong trắng chưa diễn tả hết nghĩa của thanh bạch. Hoa mai tượng trưng cho sự thanh cao, tinh khiết. Chu Thần Cao Bá Quát “Cả đời chỉ cúi đầu lạy hoa mai” (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa ). Ngày hạ hoa hồng đua vẻ đẹp, vẻ lạ. Hoa hồng rực rỡ, tươi trẻ, tượng trưng cho tình yêu là “Bà chúa của trái tim”. Hoa hồng có gai như tình yêu đầy thử thách. Mùa thu hoa cúc cho vạn hộc hương.
Hương thơm hoa cúc là hương thơm tâm hồn người cao sĩ, sống ẩn dật, xa lánh danh lợi bon chen. Ngắm hoa cúc lại nhớ Thiền sư, thi sĩ, Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang “Trong núi hết năm không có lịch/Cúc vàng đua nở mách trùng dương” (Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật/Cúc hoa khai xứ tức trùng dương). Tiết trùng dương uống rượu hoa cúc, nhằm ngày mồng chín tháng chín âm lịch. Mùa đông tuyết phủ nghìn cành tùng như ngọc. Trúc tượng trưng cho người quân tử. Tùng tượng trưng cho bậc trượng phu. Tùng ngạo nghễ coi khinh giá rét. Tuyết đông càng làm cho vẻ ngọc của tùng cứng cỏi, kiêu hãnh. Ngất ngưởng như nhà thơ Nguyễn Công Trứ vẫn hằng ao ước: “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Tùng, trúc, mai, ba cây tiêu biểu chịu lạnh mùa đông, người xưa gọi là “Tuế hàn tam hữu”. Ba bạn khí tiết ấy đều có mặt trong tranh Tứ quý.
Đọc thơ rồi lại ngắm tranh. Ngắm tranh để lĩnh hội ý thơ. Vẻ đẹp thiên nhiên sinh động, đầy âm thanh, màu sắc, cộng với ý thơ hàm xúc, thể hiện trong bộ tranh Tứ quý, giúp tâm hồn người xem thư giãn, nhẹ nhàng, sau những mưu sinh vất vả. Xem tranh chẳng những tầm nhìn được mở rộng mà tâm hồn cũng thêm phong phú. Chính những điều ấy đã làm nên sức hấp dẫn kỳ diệu của tranh dân gian Đông Hồ nói chung, tranh Tứ quý nói riêng.
Nguyễn Huy Hợp
Các tin liên quan:
- Tết nhớ về tranh Hàng Trống (31-12-2008)
- Dải lụa trong hội Dâu (24-12-2008)
- Bánh khúc làng Diềm - Món quà quê đượm tình Quan họ (24-12-2008)
- Không gian xứ Huế (15-12-2008)
- Hội Chen (15-12-2008)
- Tục lệ ăn trầu - nét văn hóa dân tộc (12-12-2008)
- Chốn quê (09-12-2008)
- Gốm Cậy (08-10-2008)
- Làng gốm ven Sông Cầu (01-10-2008)
- Làng gốm Bát Tràng (24-09-2008)
Cập nhật 24-12-2008