Hội mùa Thu
Món đặc sản của hội là cốm, nên xưa kia gọi là Hội cốm mới với ý nghĩa là “sữa của mẹ Lúa”. Người Thái – Tày gọi là Hội Kin khẩu mẩu, còn ở người Bana thì đó là Hội Sa mơk. Các tộc khác đều có ngày hội này với cùng một ý nghĩa. Đối tượng chính của hội là trẻ em và người già. Ngoài cốm, trong hội còn có các loại trái cây được bày và ăn với ý nghĩa đó là quà của mẹ Đất.
Dưới ánh trăng sáng, trẻ em ăn “sữa mẹ Lúa” và “quà của mẹ Đất” và trình diễn những khúc đồng dao quen thuộc. Ở người Việt (Kinh) do giao lưu với văn hoá Trung Hoa nên hội này gọi là Tết Trung Thu và bên cạnh những món đặc sản bản địa đã có thêm bánh nướng, bánh dẻo hình vuông, tròn, tượng trưng cho trái đất và mặt trăng.
Sau Hội Cốm mới là Hội Cơm mới với ý nghĩa tạ ơn trời - đất, thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho một vụ mùa tốt tươi. Ở người Việt (Kinh) ngày nay gần như không còn hội nữa mà chỉ là một số nghi lễ trang trọng. Nhưng ở các tộc thiểu số thì đây là một hội lớn. Ngoài nghi thức, hội tràn ngập những trình diễn dân gian như múa, hát kể lại quá trình gieo trồng, múa hát bày tỏ niềm vui được mùa. Trong hội này, ăn cơm mới, uống rượu cần là món đặc sản.
Ở một số tộc người, như Bana chẳng hạn, còn có nghi lễ “Đóng cửa kho lúa” làm vào phần cuối của Hội cơm mới. Người ta đem lúa đã phơi khô quạt sạch chứa vào chòi lúa và cuối cùng lấy cái giỏ đựng lúa khi suốt lúa úp lên trên với hàm nghĩa là mời hồn lúa về ngủ đông với lúa. Tất cả các hình thức này được tiến hành trong âm thanh của dàn cồng chiêng. Còn việc đóng cánh cửa kho lúa, lấy lạt buộc chặt thì được tiến hành trong âm hưởng trầm hùng của dàn Kloong pút.
Các tin liên quan:
- Tranh Hàng Trống (31-12-2008)
- Chợ quê (30-12-2008)
- Ẩm thực dân gian (30-12-2008)
- Kiến trúc và nhà ở (16-12-2008)
- Chợ vùng cao (16-12-2008)
- Hò và ví (16-12-2008)
- Các trò chơi con trẻ (15-12-2008)
- Trang sức của phụ nữ Việt cổ (06-10-2008)
- Kiến trúc và nhà ở (29-09-2008)
- Nghề đánh cá (22-09-2008)
Cập nhật 08-12-2008