Danh nhân Việt Nam
Chu Văn An (1292 – 1370)
Ông là nhà sư phạm, nhà nho tài đức đời Trần, quê huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông nổi tiếng là thẳng thắn, cương trực, không ham danh lợi. Sau khi đỗ Thái học sinh nhưng ông không ra làm quan mà về nhà dạy học. Học trò của ông có nhiều người thành đạt như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát. Ông đã từng dạy Thái Tử ở Quốc Tử Giám . Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin vua chém 7 kẻ nịnh thần. Vua không nghe, ông về ở ẩn (lấy hiệu là Tiều Ẩn - người ở ẩn hái củi) Tác phẩm: Quốc ngữ thi tập (Nôm), Tiều Ẩn thi tập (Hán). Ông được thờ ở Văn Miếu, Hà Nội.
Cao Bá Quát (1890 – 1854) là nhà thơ lớn, nghĩa sĩ, quê ở Gia Lâm (Hà Nội). Văn chương nổi tiếng nhưng công danh lận đận. Bất bình về thời cuộc, 1854 Cao Bá Quát cùng một số bạn bè khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn. Thất bại, Cao Bá Quát tử trận. ông là nhà thơ có nhiều hoài bão, thiết tha với quê hương đất nước, thông cảm với đời sống của người dân lao động. Ông còn để lại được nhiều áng thơ văn tuyệt tác.
Bà huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh). Người phường Nghi Tàm, Hà Nội. Không rõ năm sinh và năm mất. Chồng là cử nhân Lưu Nguyên Ôn (1804 – 1847), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì Hà Nội. Có một thời ông làm tri huyện Thanh Quan (Thái Bình). Dưới thời Minh Mệnh, bà được mời vào cung vua làm cung trung giáo tập, dạy học cho các cung nữ và công chúa. Thơ nôm của bà được truyền tụng rộng rãi, mang đậm chất trữ tình, mượn cảnh, gửi gắm tâm sự “hoài cổ”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là học giả, nhà thơ thế kỷ XVI, quê ở làng Trung Am (Vĩnh Bảo, Hải Dương). Đến năm 45 tuổi mới đi thi và đỗ Trạng nguyên (triều Mạc Đăng Dung). Được vua Mạc phong chức Trình quốc công, nên gọi là Trạng Trình. Ông dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần. Việc không thành, ông về ở ẩn dạy học, làm thơ, lấy hiệu là Bạch vân cư sĩ. Các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày các phương sách khác nhau nhằm giữ thế “chân vạc” để giảm bớt nạn binh đao. Ông am hiểu sâu sắc Khổng học, tinh thông lý học (tục truyền được thầy học là Lương Đắc Bằng truyền cho bộ Thái Ất thần kinh có thể đoán định được việc đời 500 năm sau). Ở ẩn, ông chủ trương một lối sống nhàn tản, đề cao đạo đức. Thơ ông giàu tính hiện thực và triết lý. Ông được người đời xưng tụng là Tuyết Giang phu tử (là một trong hai phu tử ở Việt Nam cùng với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp).
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888). Nhà thơ miền Nam yêu nước. Sinh ra ở phủ Tân Bình (Gia Định). Cuộc đời ông gặp rất nhiều đau khổ (đỗ tú tài nhưng bỏ thi Hội về chịu tang mẹ, trên đường về ốm nặng, khóc thương mẹ đến nỗi mù mắt, vợ chưa cưới bội ước). Vượt lên hoàn cảnh, ông mở trường dạy học, làm thuốc. Khi giặc Pháp xâm lược, Nguyễn Đình Chiểu vẫn giữ vững khí tiết, dùng văn chương làm vũ khí, ca ngợi nghĩa quân. Nguyễn Đình Chiếu đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, bộc lộ lòng yêu nước, yêu nhân dân. Tác phẩm nổi tiếng: Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Các tin liên quan:
- Đồ thờ (04-04-2007)
- Nhuộm răng (28-03-2007)
- Ăn Tết lại (15-03-2007)
- Một số nhạc cụ Việt Nam (09-03-2007)
- Hát văn (01-03-2007)
- Nhà sàn (14-02-2007)
- Những nghi lễ khi làm nhà mới (01-02-2007)
- Thành nhà Hồ (23-01-2007)
- Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng tại sao? (15-01-2007)
- Bích câu đạo quán (21-12-2006)
Cập nhật 29-09-2005