Hội làng
Hội làng thường tổ chức ở đình, cũng có nơi tổ chức ở chùa hay đền. Có một số nhà nghiên cứu phân chia hội làng ra làm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ hay tế lễ với hệ thống các nghi thức uy nghiêm như tế thần, yết cáo ở các đình, đền. Phần này do các lão làng đảm nhiệm. Phần hội là hệ thống hội vui chơi như rước kiệu, đấu vật, chơi cờ người, đua thuyền, vật võ, thổi cơm thi, bắt chạch trong chum... Thực ra sự phân biệt như trên cũng là tương đối, bởi lẽ trong phần hội có phần lễ, khi dân làng rước kiệu, chơi cờ người,... đều mang ý thức cầu mong thành hoàng phù hộ cho dân làng và cho bản thân.
Nhìn một cách tổng quát, nội dung của hội làng có thể phân loại như sau:
- Lễ hội tái hiện những nghi thức sinh hoạt nông nghiệp như: hội săn bắn, hội đánh cá, hội cầu mưa, đua thuyền (thường kèm theo các lễ: thờ thần lúa, thần mặt trời, lễ hạ điền, thượng điền...)
- Lễ hội tái hiệu những sự kiện lịch sử, nhằm kỷ niệm và tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá như hội Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Tây) tôn vinh Hai Bà Trưng, hội Đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) tôn vinh Trần Hưng Đạo...
- Lễ hội tái hiện các sinh hoạt xã hội như lễ hội làng nghề Đại Bái (Gia Lương, Bắc Ninh), lễ hội văn hoá nghệ thuật như hội Lim (Bắc Ninh), hội Lỗ Khê (hát ca trù ở Đông Anh, Hà Nội), các lễ hội của đồng bào Khơme ở Sóc Trăng, Vĩnh Long... Trong thập kỷ 90 này, các làng quê ở Bắc Giang lại tổ chức lễ hội mới là hội Xương Giang (kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang chống giặc Minh, năm 1427) và hội Phồn Xương (kỷ niệm những năm tháng hoạt động yêu nước của nghĩa quân Đề Thám đầu thế kỷ XX).
Nhìn chung, hội làng có nơi mở rộng thành hội vùng, người tham gia là toàn dân làng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, trai gái. Họ dự hội với sự hồ hởi, chan hoà một niềm cộng cảm. Mỗi người từ cách ăn mặc, nói năng đều có sự lựa chọn. Lễ hội được tổ chức cẩn thận, nghiêm trang, từ các cụ già đến thanh niên đều ăn mặc đẹp nhất. Cờ xí rợp trời, chiêng trống vang lừng cuốn hút. Sự giao cảm hoà hợp của người tham dự cũng là sự giao cảm giữa cái chung và riêng, cái cộng đồng và cái cá thể. Tất cả như đều hướng về một miền thiêng liêng nhưng lại rất gần gũi. Không giống như những nghi lễ tôn giáo linh thiêng, trong hội làng dường như cái thần thánh và cái thế tục hoà vào nhau trong một không gian thoáng rộng của miền quê.
Đối với dân quê, lễ hội là nơi mong chờ, được vui chơi, được gặp gỡ bạn bè, được biểu hiện cái bản thân. Ca dao về lễ hội cũng đã thể hiện điều này:
"Ai ơi mùng chín tháng tư,
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời".
"Dù ai đi đâu về đâu,
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu"...
Sinh hoạt hội làng là những mỹ tục khơi dậy và nuôi dưỡng cái thiện, cái mỹ như đề cao gia đình, cộng đồng, kỷ cương xã hội, đoàn kết bình đẳng cởi mở, thương yêu nhau. Tuy nhiên, lễ hội truyền thống cũng có một số hạn chế mang tính lịch sử và xã hội như lãng phí thời gian, tốn kém tiền của và sức người, không ít nơi còn mang theo yếu tố mê tín. Loại trừ những biểu hiện tiêu cực trên, lễ hội vẫn là sinh hoạt văn hoá cộng đồng, di sản văn hoá nghệ thuật quý giá trong văn hoá làng.
Các tin liên quan:
- Chiêng cổ Chắp P’la của người Chăm H’Roi (10-08-2006)
- Văn hóa nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê (01-08-2006)
- Hà Nội có bao nhiêu phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”? (24-07-2006)
- Thời gian để tang hay hạn để tang (14-07-2006)
- Văn hóa ẩm thực (06-07-2006)
- Áo dài Huế (28-06-2006)
- Hát ả đào (ca trù) (05-06-2006)
- Ngôn ngữ - Chữ viết (26-05-2006)
- Cầu ngư (05-05-2006)
- Đàn đá (27-04-2006)
Cập nhật 31-10-2007