Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 3:20

Hò và ví

Ca hát trong lao động là niềm ưa thích và thói quen của người Việt Nam. Những bài hát lao động là một trong những vốn văn hóa phong phú và quý báu của nhân dân. Hò và Ví là hai hình thức trình diễn dân gian phổ biến liên quan đến đời sống lao động và sinh hoạt của con người.

 

Rất nhiều ý kiến cho rằng, hò là loại ca hát ca hát có nguồn gốc từ lao động sông nước. Điều đó là có cơ sở vì có nhiều điệu hò gắn với sông nước như Hò sông Mã, Hò Qua sông hái củi, Hò khoan, Hò Giựt chì, Hò Kéo lưới, Hò Mái nhì, Hò Mái đẩy, Hò Mái ba Gò Công, Hò Đồng Tháp... Tuy nhiên, có những điệu hò không gắn với sông nước như Hò Giã gạo, Hò Xay lúa, Hò Kéo gỗ, Hò Đạp lúa... Từ thực tế đó, có thể coi phần lớn Hò là một loại ca hát trong loại lao động tương đối nặng nhọc và hầu hết các trường hợp là lao động đông người cho cùng một công việc. Tuy nhiên, không phải bất cứ điệu hò nào cũng mang nhịp lao động. Các điệu hò trên sông Hương, trên kênh rạch Nam Bộ là những giai điệu tự sự, dàn trải, lắng sâu. Vì vậy, không thể xem hò như một phương tiện giữ nhịp điệu cho một tập thể lao động thống nhất động tác. Với tư cách là một dạng nghệ thuật âm nhạc, trước hết và chủ yếu hò diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động.

 

Hò có thể coi là đặc sản văn hóa của miền Trung và miền Nam, mặc dầu một số địa phương ven biển miền Bắc cũng có hò. Một vài tộc thiểu số cũng có loại ca hát tương ứng với hò như các điệu “Xuôi sông Đà” (Loong Té) và “Xuôi sông Mã” (Loong Ma) của người Thái Tây Bắc.

Ví là loại ca hát được hát trong lao động khi làm những công việc không nặng nhọc và thường là không đòi hỏi sự cố gắng chung của đông người. Ví thường được dùng hát đối đáp khi nông dân lao động trên đồng ruộng hay trên sân thóc vào mùa thu hoạch. Có một số loại ví gắn với nghề thủ công như Ví Phường vải, Ví Vặn thừng, Ví Dệt chiếu, Ví Xe chỉ...

Ví là đặc sản âm nhạc của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Người Mường Hòa Bình cũng có điệu Ví (có vùng gọi là Bỉ). Nhiều tộc thiểu số có những loại ca hát tương ứng với ví. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, ví thường đi đôi với hát Dặm và được hát trong khi làm nhiều việc lao động khác nhau.

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thuyvu
Cập nhật 16-12-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin