Nhẫn và nhẫn cưới
Nhẫn tượng trưng cho năm tháng: Thời xa xưa, chiếc nhẫn không chỉ có tác dụng làm trang sức đeo trên tay, nó còn là vật cúng tế ở các đền chùa miếu mạo hay những gò đất quanh nhà. Loại nhẫn này thường làm từ các loại ngọc trai khác nhau, hoặc những viên đá quý hình tròn. Các kết quả của ngành khảo cổ học và nhân chủng học cho thấy, loại nhẫn này được người xưa coi là gốc của vạn vật, tượng trưng cho thần mặt trời luôn tỏa sáng, mang lại hơi ấm cho nhân gian, mang hạnh phúc đến muôn nhà và sự bình an may mắn cho mọi người. Đồng thời, nó còn tượng trưng cho sự tồn tại vĩnh hằng của cái đẹp, là đại biểu cho chân lý và đức tin. Đến thời kỳ cận đại, trong các đám cưới ở Nga, người ta thường thấy chú rể đeo chiếc nhẫn vàng tượng trưng cho mặt trời rực lửa, còn cô dâu mang chiếc nhẫn bạc tượng trưng cho ánh trăng thuần khiết, dịu hiền.
Nhẫn tượng trưng cho sự tự do và tôn nghiêm: Đó là quan niệm của những người nô lệ thời Hy Lạp cổ đại. Hồi đó, họ thường đeo nhẫn vàng, biểu tượng cho tinh thần tự do và tôn nghiêm. Việc đeo nhẫn cũng có những quy định hết sức khác nhau. Những người giàu có thời La Mã cổ đại quy định đeo nhẫn theo mùa. Mùa đông, họ đeo nhẫn to, nặng và có hình vuông; ngược lại, mùa hè đeo chiếc nhẫn nhỏ xinh xắn. Nếu là nhẫn đồng có thể đeo ở tay phải hay tay trái. Nhưng nếu là nhẫn ngọc hay đá quý, con trai phải đeo tay trái, con gái đeo tay phải.
Nhẫn làm tín vật và bùa hộ mệnh: Thần dân của đế quốc La Mã thường đeo nhẫn gắn ngọc trai hoặc hổ phách, và coi đó là bùa hộ mệnh chở che cho mình. Chiếc nhẫn của các thương gia và nhà quý tộc được gắn hồng ngọc tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. Quốc vương các triều đại đều cho khắc dấu triện của hoàng gia lên nhẫn. Loại nhẫn con dấu này không chỉ là vật trang sức quý báu của vua, nó còn là tín vật để vua truyền ý chỉ. Chiếc nhẫn còn có liên quan đến y học và tôn giáo. Tương truyền, bích ngọc có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau, vì thế khi làm lễ khấn giải trừ bệnh tật cho bệnh nhân, các ông thầy mo đều đeo vào tay bệnh nhân một viên hồng ngọc.
Nhẫn chìa khóa: Loại nhẫn này được ra đời vào thời La Mã cổ đại. Trong các lễ cưới, khi cô dâu bước vào phòng cưới, mẹ chồng sẽ đeo vào tay cô con dâu của mình chiếc nhẫn chìa khóa với ý muốn từ nay trở đi, cô gái đã trở thành thành viên trong gia đình mới, cần gánh vác và quán xuyến công việc trong gia đình như chăm sóc chồng, phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi dạy con cái. Trong suốt cuộc đời làm vợ làm mẹ, người phụ nữ không được tháo chiếc nhẫn này ra, bởi nó tượng trưng cho tiết hạnh, đạo đức và trách nhiệm của mọi nàng dâu.
Nhẫn đính hôn và nhẫn cưới: Thời Ai Cập cổ đại, sáng sớm hôm tổ chức hôn lễ, chú rể trao cho cô dâu một chiếc nhẫn hình tròn chưa được mài dũa, gia công và khảm đá. Chiếc nhẫn thô này tượng trưng cho sự thủy chung và tình yêu vĩnh hằng của chú rể đối với cô dâu. Từ sau thế kỷ 16, trong các lễ đính hôn hay lễ cưới, hai bên nam nữ đều phải trao nhẫn cưới cho nhau. Chiếc nhẫn đính hôn thường có hình đôi bàn tay nắm chặt vào nhau, biểu tượng của lòng chung thủy sắt son. Loại nhẫn này ngày nay vô cùng hiếm. Người châu Âu thường tặng nhau chiếc nhẫn có gắn ngọc trai hay kim cương thể hiện sự sáng trong và sức sống lâu bền của tình yêu lứa đôi. Ngoài ra, các bậc mệnh phụ phu nhân ở phương Tây còn có thói quen tặng nhẫn có ký hiệu riêng cho các vị khách tới dự buổi hôn lễ. Nữ hoàng Anh Victory tự tay tặng hơn 70 chiếc nhẫn cho các vị khách tới dự lễ cưới linh đình của mình.
Nhẫn giáo chủ và nhẫn cung đình: Thời kỳ trung cổ, giáo chủ là người có quyền lực tối cao trong xã hội phương Tây. Họ thường đeo nhẫn bằng đá quý rất to, tượng trưng cho uy quyền giáo hội. Đến thế kỷ 15, các vị giáo chủ hay đeo nhẫn có khắc hình con sư tử đực dang rộng đôi cánh. Chiếc nhẫn bằng ngọc màu xanh hoặc tím tượng trưng cho tấm lòng nhân từ, đức độ, trong sáng và cao thượng của các vị giáo chủ. Đặc biệt, có vị còn khắc cả tên mình lên trên nhẫn.
Thế kỷ 17-18, trong các buổi vũ hội người ta có thói quen tặng nhẫn cho nhau. Các nhà quý tộc đua nhau mời những người thợ kim hoàn giỏi làm cho mình một chiếc nhẫn đặc biệt. Không ít người còn cho khắc cả chân dung của quốc vương, của tổ tiên thậm chí của bản thân mình lên mặt nhẫn bé xíu. Đó là cách để họ bày tỏ lòng kính trọng của mình đối với triều đình và tổ tiên.
Các tin liên quan:
- Những con đèo của Việt Nam (19-04-2006)
- Ăn trầu (11-04-2006)
- Gia phả (03-04-2006)
- Tết Thanh Minh (23-03-2006)
- Gia tộc (07-03-2006)
- Các vị danh y của y học cổ truyền Việt Nam (27-02-2006)
- Am Mỵ Châu (16-02-2006)
- Nghi thức tế lễ (07-02-2006)
- Thổi cơm thi (05-01-2006)
- Sách học khai tâm (19-12-2005)
Cập nhật 20-03-2008