Cáo mượn oai hùm
Cáo thì chỉ “bắt nạt” được gà, còn hùm (tên nôm của hổ) là chúa tể của muôn loài! Hùm giỏi giang ở đâu thì chưa biết nhưng riêng cái khoản tục ăn thì không ai bằng (ăn như hùm đổ) và gian ác thì cũng đáng được xếp hạng “miệng hùm nọc rắn”. Vô phúc con vật nào - cả con người nữa, để nó vồ được thì chỉ có mà về... chầu tiên tổ. Vậy nên, trong tiếng Việt đã sinh ra câu “cáo mượn oai hùm” để chỉ hạng người luôn mượn thế kẻ mạnh, nấp dưới ô quyền lực đi hù dọa, lòe bịp người khác hoặc lấy đó làm lá chắn để thỏa sức lộng lành.
Thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện kể về sự gian ngoan, ma lanh của cáo đã khéo uốn ba tấc lưỡi để lừa “thầy hùm”, còn hùm thì đúng là “to đầu mà dại”.
… Có một con hùm đói mồi, đang lang thang trong rừng kiếm ăn, thì gặp ngay con cáo. Hùm sướng rơn và chắc mẩm phen này được bữa chén no say. Nhưng con cáo gian ngoan đã nói ngay với hùm rằng: “Này, cái ông hùm ông hổ kia ơi! Ông đừng có mà ăn thịt tôi. Thượng đế đã giao cho tôi làm chúa tể muôn loài. Ông mà ăn tôi là làm trái ý của thượng đế! Không tin, ông cứ đi đằng trước, tôi đi đằng sau, thử hỏi có con vật nào trông thấy tôi mà không sợ?” Và hùm đã làm theo. Quả nhiên, chúng đi đến đâu, mọi thú vật đều chạy toán loạn. “Sự thật” đó đã làm cho hùm tin lời cáo, và đương nhiên cáo đã thoát chết! Hùm có biết đâu rằng, những con vật kia sợ mình, sợ từ cái bóng của mình, chứ đâu có sợ cáo!...
Trong dân gian, bên cạnh thành ngữ “cáo mượn oai hùm” còn có cách nói “cáo đội hổ uy” với nghĩa tương tự nhưng ít dùng. Tiếc thay, đến nay trong tiếng Việt từ hùm, từ hổ chưa có được cái nét nghĩa “khờ dại và cả tin đến mức ngu xuẩn”. Còn nét “tinh khôn, ranh mãnh, quỷ quái” (Thằng cha ấy cáo lắm. Bọn thực dân cáo già) đã trở thành một trong những nghĩa phổ biến của từ cáo.
Related news:
- Nhạt phấn phai hương (07-01-2009)
- Tức nước vỡ bờ (07-01-2009)
- Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng (16-12-2008)
- Chờ được mạ, má đã sưng (16-12-2008)
- Chim sa cá lặn (16-12-2008)
- Sống để dạ chết mang theo (09-12-2008)
- Dở dở ương ương (17-11-2008)
- Bóc ngắn cắn dài (17-11-2008)
- "Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào” (06-10-2008)
- Chạy như cờ lông công (25-09-2008)
Last modified 07-07-2006