Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 23:50

Ma ăn cỗ

Theo quan niệm mê tín, người ta chết chỉ mất đi cái thể xác, chứ linh hồn vẫn tồn tại vĩnh hằng.

Sự hiện hình của hồn người chết được gọi là ma. Ma vẫn sỗng, vẫn hoạt động dưới âm phủ. Ma thiếu ăn sẽ trở thành ma đói, thường gây tác oai tác quái cho người sống. Thế là những ai có thân nhân chết, phải nhớ đến mà làm cỗ cúng ma vào dịp ba ngày, một trăm ngày kể từ ngày chết. Đặc biệt, đúng ngày người đó chết hàng năm phải làm cỗ cúng bái, gọi là giỗ. Và ai đó nữa, nhẹ dạ cả tin đi xem bói, được biết có ma làm hại, cũng phải làm cỗ để cúng ma. “Xem bói ra ma, quét nhà ra rác” mà lại! Có điều là, sau khi cúng xong, mâm cỗ vẫn còn nguyên lành, thứ nào thứ nấy không hề mất mát, vơi đi. Mâm bát, xôi thịt, chè, cháo vẫn đầy như lúc chưa cúng! Nguyên thì vẫn nguyên thế thôi, kì thực theo sự hình dung của người đời, ma đã ăn cỗ rồi đấy! Ma ngồi chỗ nào để ăn cỗ, ai mà biết được. Ma thì có phép thần thông biến hóa, lai vô ảnh, khứ vô hình. Ma đâu phải như người? Ma không ăn thịt, ăn xôi tì tì mà chỉ ăn hương, ăn khói, tận hưởng cái tình người dương gian gửi gắm qua đó mà thôi. Muốn hay không, trước lí lẽ như vậy, người ta dễ dàng nghĩ rằng ma ăn cỗ rất tài tình, kín đáo mà ta không thấy, không hay biết. Từ đời này qua đời khác, trong tri thức dân gian in đậm nét chuyện ma ăn cỗ. Do đó, hễ việc làm nào đó, thường là việc làm xấu, được thực hiện kín đáo, vụng trộm khéo léo đến mức không lưu lại dấu vết gì, không để cho một ai hay biết thì dân gian ta thường ví với việc ma ăn cỗ.

Nhìn chung, thành ngữ ma ăn cỗ được dùng để chỉ tất cả mọi việc làm vụng trộm và kín đáo đến mức phi tang mọi dấu vết. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, thành ngữ ma ăn cỗ dường như có thiên hướng được ưa dùng để ví với những cuộc tình vụng trộm, nhất là đối với việc ngoại tình của các cặp tình nhân. Có lẽ, trong quan niệm dân gian, chuyện tình vụng trộm được coi là xấu, thiếu đứng đắn. Cũng như ma ăn cỗ, những cuộc tình chẳng để lại dấu vết gì. Nó chẳng khác nào mặt hồ gợn sóng sau cơn gió, rồi lại phẳng lặng như tờ. Nó cũng chẳng khác nào con chim đậu trên cây, sau khi bay đi, ai mà tìm được dấu chân chim?

Khi sử dụng thành ngữ ma ăn cỗ, người ta hay dùng các từ ngữ có tính phủ định như ai biết được, ai mà biết, ai biết đâu, nào ai biết, làm sao mà biết, để biểu thị cái ý: chính mình không thấy, không biết nhưng vẫn gợn lên trong suy nghĩ một chút hồ nghi là sự việc đang được hỏi đến có thể có trong thực tế.

 

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 13-02-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin