Máu ghen Hoạn Thư

Đã đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du mấy ai quên được Hoạn Thư, con người “ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Mà nhớ nhất là sự đánh ghen của người đàn bà họ Hoạn này, cái ghen sâu sắc, âm thầm mà độc địa, tàn khốc.

Khi biết tin chồng đi lấy vợ lẽ, Hoạn Thư giận lắm nhưng không hề để lộ cho ai biết, thậm chí còn trị tội bọn gia nhân khi chúng định mách bảo để tâng công. Khi Thúc Sinh về đến nhà, Hoạn Thư sai bày rượu tiếp đón vui vẻ như không có gì xảy ra. Thấy thế Thúc mừng lắm, yên trí là vợ chưa biết, cho nên cũng “ngậm tăm" luôn cái chuyện vợ lẽ kia. Hoạn Thư như “đi guốc trong bụng” chồng, đúng lúc Thúc Sinh đang nôn nao nhớ Kiều thì Hoạn Thư gợi ý là Thúc nên quay lại Lâm Truy. Được lời như cởi tấm lòng, Thúc vội vàng lên ngựa ra đi. Chỉ chờ có vậy Hoạn Thư cũng vội lên xe về Tích Giang thăm cha mẹ đẻ và một cuộc đánh ghen bắt  đầu.

Hoạn Thư thuê bọn côn đồ Ưng Khuyển đi đường tắt sang Lâm Truy bắt cóc Kiều. Đầu tiên họ Hoạn cho Kiều một trận đòn phủ đầu, sau đó cho về làm con hầu nhà Hoạn Thư với tên mới là Hoa Nô. Nói về chàng Thúc, sau khi tưởng Kiều đã chết, tỏ ra đau đớn lắm nhưng rồi nỗi đau cũng nguôi dần. Rồi một hôm chàng lại đánh đường về thăm vợ cũ quê xưa. Thật trớ trêu là cái bẫy của Hoạn Thư đã giăng sẵn chờ chàng. Khi Thúc vừa về đến nhà lập tức Hoạn Thư cho gọi Kiều ra hầu hạ. Thúc Sinh và Kiều gặp nhau mà như trong cơn ác mộng, lòng dạ cứ rối bời, không hiểu là thật hay là do ma quỷ! Thật là một cách đánh ghen kỳ lạ, “giết người không dao” vậy. Chưa hết Hoạn Thư còn bắt Kiều phục dịch hầu hạ hai vợ chồng mình nữa. “Bắt khoan bắt nhặt đến lời. Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay”. Còn nữa, Hoạn Thư còn bắt Kiều đánh đàn hầu rượu. Tiếng đàn “như khóc như than” của Kiều làm cho Thúc Sinh tan nát lòng bao nhiêu thì Hoạn Thư càng hởi lòng hởi dạ bấy nhiêu. Sau đó, nể lời đề nghị của chồng, Hoạn Thư cho Kiều ra Quan âm các để tụng kinh niệm phật với cái tên mới Trạc Tuyền. Đã là tình cầm sắt mà phải giả bộ làm ngơ, dù gần nhau gang tấc, chàng Thúc đau khổ lắm. Một hôm nhân khi Hoạn Thư về thăm mẹ đẻ Thúc lẻn ra tình tự với Kiều. Hai bên đang kể lể nỗi lòng, thở than sùi sụt thì Hoạn Thư đã trở về và nghe hết mọi chuyện. Sau đó Hoạn Thư vào Quan âm các đàng hoàng vui vẻ chào hỏi hai người, khen tài hoa Thúy Kiều rồi khoác tay chồng cùng về nhà như không hề biết chuyện gì. Cách xử sự của Hoạn Thư làm Kiều kinh ngạc đến run sợ, và ngay đêm đó Kiều đã quyết định trốn khỏi nhà Hoạn Thư để bắt đầu một chặng đời lưu lạc mới của mình. Điều đặc biệt là trong suốt quá trình đánh ghen Hoạn Thư không hề hỏi đến và làm như tuyệt nhiên không biết gì  về quan hệ giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều, cứ coi như hai người không quen biết nhau vậy!

“Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen” đến nỗi Thúc Sinh lấy Kiều rồi mà phải bó tay còn Kiều thì kinh sợ mà chạy trốn! Cho đến nay “Máu ghen Hoạn Thư” chắc vẫn còn nhiều người ngán ngẩm và kiêng nể! Đã đành là, “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Nhưng để biến một kiểu ghen thành di sản văn hoá, - tâm lý điển hình cho một lớp người và được xã hội hoá, dân gian hoá, như lối ghen của Hoạn Thư thì không có nhiều trong văn hoá thế giới. Nguyễn Du ơi! Không phải sau ba trăm năm, mà rồi sẽ mãi mãi, người đời vẫn còn khóc vì tài và mệnh của một con người.