Chính danh
Vua Cảnh Công nước Tề hỏi đức Khổng Tử về việc chính sự.
Đức Khổng Tử thưa rằng:
- Cội rễ việc chính sự là cốt nhất phải làm cho sáng rõ luân thường đạo lý. Ở chốn triều đình vua hết đạo làm vua, tôi hết đạo làm tôi; ở trong gia đình, cha hết đạo làm cha, con hết đạo làm con. Vua tôi, cha con ai nấy đều hết đạo của mình, thì chính sự mới có thể làm hay được.
Vua Cảnh Công nói:
- Phải lắm! Câu nói ấy thật là thiết yếu. Mà quả như thế, nếu vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, thì cương kỷ rối loạn mà nước phải diệt vong. Thóc gạo tuy có nhiều, liệu có ở yên mà ăn được chăng.
Luận Ngữ
Lời bàn: Vua Cảnh Công hỏi về chính sự mà đức Khổng Tử đáp là chính danh là ngài nói đúng ngay vào cái bệnh của vua đối với quốc gia, làm mất chủ quyền, đối với gia đình dong túng con cái mà lại giảng được cái học thuyết Chính danh của ngài. Tiếc thay vua Cảnh Công biết là phải mà không liệu cách mau mau thực hành sửa đổi ngay để đến nỗi về sau nước Tề quả có tai vạ, vua thì bị giết, đất thì mất về tay người.
Như nói đến chính sự thời nay, thì chắc còn bao nhiêu sự khó khăn, phiền phức có phải là dễ đâu. Song sự cốt yếu cũng không ra được ngoài câu nói rất giản dị của đức Khổng phu tử. Ta thử ngẫm mà xem suốt xưa nay, khắp đông tây có nước nào vua (hoặc người cầm quyền, lãnh đạo mà gọi tên khác) kém sáng suốt, thần hạ gian nịnh mà nước không nguy vong, có nhà nào cha mẹ bạc ác, bất nhân, con cái ngỗ nghịch bất hiếu mà nhà không suy bại không?
Giải nghĩa:
Chính danh: chỉnh đốn lại những danh phận, danh nghĩa cho đúng với thực.
Chính sự: công việc trị dân trong nước.
Luân thường, đạo lý: luân thường: đạo thường cha con, anh em, vợ chồng, bầu bạn, vua tôi ăn ở với nhau; đạo lý: lối phải, lẽ phải theo thì hay, mà trái thì dở.
Đạo: bổn phận nên làm, phải làm.
Thiết yếu: thiết thực cốt cách cần phải có.
Cương kỷ: cương là dây to để tóm cả cái lưới, kỷ là đồ dùng để gỡ tơ cho khỏi rối, đây là nói điển chương, pháp độ dùng để cai trị.
Diệt vong: hết giống, mất nước.
Thóc gạo: đây là có ý nói nước giàu có.
(Theo Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân. NXB Trẻ, 1992)
Các tin liên quan:
- Trồng khó, nhổ dễ (18-12-2008)
- Cái được cái mất của người làm Quan (18-12-2008)
- Tu thân (18-12-2008)
- Không quên được cái cũ (10-12-2008)
- Cách đâm hổ (09-10-2008)
- Báo thù (03-10-2008)
- Hết lòng vì nước (24-09-2008)
- Cáo mượn oai hổ (15-09-2008)
- Cảm tình (05-09-2008)
- Phẩm trật ông quan, phẩm giá con người (29-08-2008)
Cập nhật 18-07-2008