Bánh phu thê Đình Bảng
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lụa, người làm bánh ngon nổi tiếng trong làng, thì bánh phu thê đã có mặt ở quê bà từ lâu lắm, riêng dòng họ nhà bà đã năm đời làm bánh. Theo lời ông cha của bà kể lại thì xưa kia chỉ có quan lại chức tước hoặc những nhà quyền quý cao sang mới có tiền ăn bánh phu thê, vì vậy cả làng chỉ có vài ba nhà làm bánh. Dù vậy, bánh phu thê vẫn được coi là thứ bánh sang trọng dùng trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi hoặc dùng làm quà biếu. Theo chân khách hành hương, bánh phu thê đã đi khắp trong nam ngoài bắc và từng xuất ngoại qua nhiều nước. Bà Lụa kể có một người Hàn Quốc sau khi được mời ăn bánh phu thê đã mua hẳn một va-li bánh về làm quà nơi cố quốc, cho dù giá cước máy bay đắt gấp rưỡi giá bánh.
Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê không khoe mùi tỏa hương như bánh rán, bánh khúc; chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa sứ người ta mới thật sự ngỡ ngàng. Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị. Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp, xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô (còn bột thô thì bán cho hàng bánh rán). Tới khi làm bánh phải dùng nước quả dành dành nhào bột để lấy mầu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm mầu. Người ta còn nạo đu đủ xanh, ngâm phèn rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột để bánh có thêm độ giòn. Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường..., tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm mầu của bánh, đó là mầu trắng của bột lọc và cùi dừa, mầu vàng của dành dành và nhân đỗ, mầu đen của hạt vừng, mầu xanh của lá, mầu đỏ của lạt buộc. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người. Lá gói bánh cũng là lá dong gói bánh chưng phải làm kỹ hơn là bánh chưng, sau khi rửa sạch lá để ráo nước người ta phải tước bớt cọng để khi gói bánh được mềm mại. Lá lót trong phải là lá chuối tây dẻo luộc chín hong khô chứ không được dùng lá chuối tiêu. Người ta còn quét lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy đặc trưng.
Mỗi nhà đều có một bí quyết làm bánh riêng vì vậy bánh của mỗi nhà đều có hương vị riêng, một nhãn hiệu riêng. Tất cả các khâu từ nhào bột, nặn bánh, làm nhân, tước lá, luộc bánh... đều phải làm thủ công, tốn nhiều nhân lực, vì vậy bánh tương đối đắt. Giá mỗi cặp bánh từ 10.000 - 15.000 đồng, tương đương 5 - 7 kg thóc tẻ, thế mà nhà bà Lụa vẫn làm không kịp bán. Những ngày lễ Tết, nhà bà phải mượn tới gần ba chục người làm. Mà cũng chẳng riêng nhà bà, cả làng Đình Bảng lúc nào cũng vui như có hội vì không khí khẩn trương sôi nổi của người làm, người bán, người mua. Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, luộc xong, người ta tháo bỏ dây rơm, úp bụng hai chiếc bánh vào nhau rồi dùng lạt đỏ buộc thành cặp; có lẽ vì vậy mà người đời gọi là bánh phu thê.
Ngày nay kinh tế đã phát triển, mức sống đã cao hơn nhưng bánh phu thê vẫn là thứ bánh quý tộc được nhiều người ưa thích, ai đã một lần thưởng thức thì khó có thể nào quên.
Ngọc Loan
Các tin liên quan:
- Đậu chiên trứng muối (30-06-2008)
- Thịt kho cơm dừa (16-06-2008)
- Cá tẩm vừng chiên (02-06-2008)
- Bánh bèo xứ Huế (21-05-2008)
- Sườn non nướng mật ong (16-05-2008)
- Chả cá thì là (06-05-2008)
- Bò sốt nấm (16-04-2008)
- Nộm hoa chuối (03-04-2008)
- Tôm xào ớt khô (26-03-2008)
- Ốc hấp lá gừng (10-03-2008)
Cập nhật 09-11-2005