Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Chủ nhật, 27/04/2025 17:37

Thương nhớ 162(?) cây hoa sữa

Hoa sữa đến thị xã vào một ngày đẹp trời nào đó. Ngày mà người ta hân hoan mời gọi chúng, do ngưỡng mộ mùi hương hoa sữa nồng nàn nổi tiếng của những đường phố Hà Nội đã đi vào thi ca. Để đến một ngày, người ta quyết định triệt hạ chúng - một trăm sáu mươi hai cây hoa sữa đang độ thanh xuân và nở tung ra những làn hương thơm đầu đời.

 

Tôi đã cố tình quên. Nhiều lần tự an ủi: có gì đâu mà đa sầu. Chỉ là cây cỏ. Sự biến mất của nghe đâu là 162 (tôi cứ nhớ con số này, không biết có chính xác không?) cây hoa sữa, trên ba đường phố của một thị xã miền Trung. Cây cỏ là loài vô tri. Dẫu là cái chết của hơn một trăm cây, thì có ai hoài hơi dư nước mắt mà đeo đẳng buồn.

 

Thế mà không thể quên. Cứ luôn nhớ lại. Cứ áy náy không yên. Thế mới hiểu được nỗi lòng của người xưa dư nước mắt mà khóc những hồn hoa. Nhân thể, cũng hiểu được vì sao bình thường cây chỉ là cây thôi, nhưng ở cùng người lâu năm, đã thành một kỷ niệm, thì cây đã thành "tinh" hoặc thành "thần thánh".

 

Những thân cây hoa sữa ở thị xã Hội An ấy bị đốn hạ chỉ bởi vì mùi thơm quá nồng nàn gắt gao, quần tụ với một mật độ đậm đặc trên những đường phố nhỏ. Hương thơm đến mức khiến người ta mất ngủ. Hoa sữa đến thị xã này vào một ngày đẹp trời nào đó. Ngày mà người ta hân hoan mời gọi chúng, do ngưỡng mộ mùi hương hoa sữa nồng nàn nổi tiếng của những đường phố Hà Nội đã đi vào thi ca. Để đến một ngày, người ta quyết định triệt hạ chúng - một trăm sáu mươi hai cây hoa sữa đang độ thanh xuân và nở tung ra những làn hương thơm đầu đời.

 

Chẳng biết hồn hoa có tức tưởi không? Mà tại sao, cứ buộc tôi phải viết về chúng. Khi nghe tin 162 cây hoa sữa bị đốn hạ, tim lẩn thẩn bỗng nhói lên một chút. Rồi quên, rồi nhớ, rồi cố tình quên. Cho đến hôm nay, không thể không viết nên những dòng này. Cũng như là một cách trả nợ những bông hoa đã hết mình dâng tặng mùi thơm, thơm hết đời mình rồi rũ áo ra đi, mặc đời thị phi, không buồn suy tính đến cái cách đón nhận hậu hĩ hay đen bạc của người đời.

 

Những loài hoa. Vốn dĩ con giống nhà dòng. Mang định mệnh từ khi mở mắt chào đời là phải tỏa hương. Không ngán ngại tung lên trời những làn hương chân thực đến vụng dại. Vốn dĩ sống trên đời là phải tỏa thơm. Hồn nhiên mà thơm, không toan tính. Thơm hết kiếp, cho đến một ngày rụng xuống hoá thân vào đất.

 

Hoa sữa cũng vậy. Người xưa đã biết trân trọng để trồng thi thoảng trên những góc đường trầm tư của đất Hà Thành. Rồi bỗng một ngày, một vài nghệ sĩ tâm hồn dễ rung động như lá phát hiện ra mùi thơm nồng nàn của loài hoa này và chợt thấy trống vắng nhiều nhiều nếu Hà Nội không có mùi hoa sữa. Những kỷ niệm cũng được tẩm ướp hương hoa sữa. Hoa sữa đã đi vào tâm thức và trở thành nỗi nhớ cồn cào của người đi xa. Trong gió thu. Trong se lạnh. Trong trái tim nhìn hoa không thấy chỉ là hoa mà còn là một nỗi rưng rưng cảm hoá.

Và thế là nhiều nơi trong nước cũng cảm mùi hoa sữa. Nhiều nơi đã lặn lội ra tận Hà Nội mua những cây hoa sữa mang về trồng. Không chỉ Hội An, mà thành phố Vinh cũng có nhiều con đường trồng toàn hoa sữa. Và tất nhiên, đến thì đến lứa, hoa sữa nào cũng tỏa thơm.

 

Rồi, có những ai đó đã kêu ca phàn nàn về mùi thơm quá nồng nàn của hoa sữa. Một loài hoa thơm không tính chuyện khiêm nhường cho phải lẽ, cho người ta đỡ ghét bỏ. Một mùi thơm không tính chuyện phải khéo léo giả dối và nhân nhượng, chỉ nên thoang thoảng để đừng làm ngứa mắt những kẻ tị hiềm. Kể cũng thật nguy hiểm khi 162 cây cùng đứng bên nhau, sinh ra từ một định mệnh thơm làm nhức mũi thiên hạ.

 

Và như thế, một ngày, giọt nước tràn ly, người ta quyết định triệt hạ hàng loạt những cây hoa sữa. Một cuộc "tàn sát" cây khá "tang thương" đã xảy ra. Những cây hoa sữa vô tội - lẽ ra đã là niềm tự hào của đường phố - nằm ngổn ngang trên mặt đất. Những gốc cây và cành hoa rỉ nhựa. Đó là nước mắt.

 

Chỉ còn là những gốc cây. Và rễ cây sẽ được đào bật hết. Thị xã Hội An sẽ trồng thay vào đó loài cây khác. Những loài cây đó, đương nhiên, sẽ được tính toán làm sao để đừng quá thơm. Đừng quá nồng nàn. Nồng nàn chân thực quá nhiều khi cũng là một tội vậy. Rồi mai này chẳng ai nhớ đến nơi đây đã từng là những con phố hoa sữa hết mình dâng tặng những mùa hoa đầu tiên của đời mình. Cuộc sống như nước thuỷ triều, như con sóng mãi bồi vào bờ cát. Những con sóng mới liếm láp khỏa lấp những lâu đài dã tràng cũ. Có ai nhớ đến hồn hoa oan ức không?

 

Cho đến bây giờ, thường ngày, tôi vẫn tự hỏi: Có cách nào khác để đối xử với 162 cây hoa sữa kia không? Đã nghĩ kỹ chưa, khi ta mang búa rìu đến đốn hạ tất cả những thân cây vô tội? Đó có phải là một các đối xử thô bạo không? Vì đường phố không chỉ là đường phố. Vì cây là linh hồn của đường phố. Một đường phố không cây trông cũng tội nghiệp tựa những trẻ mồ côi hoặc những con người cằn cỗi đã bị ai đánh cắp mất tâm hồn.

 

Có vội vàng và thô bạo không? Nhất là ở thời nay, khi mà kỹ thuật canh nông và kỹ thuật bonsai của chúng ta đã lên tới mức điệu nghệ, nhờ vào kỹ nghệ nhân giống và các hoá chất tiên tiến. Nhiều loài hoa trái được hãm để trở thành trái vụ. Việc khiến cho một loạt cây cối nở hoa hoặc không nở hoa, lớn phổng lên hay không bao giờ lớn chỉ còn là kỹ thuật vặt vãnh của một thợ trồng cây nghiệp dư?! Nếu người ta phẫn nộ với mùi thơm nồng nàn quá của 162 cây hoa sữa thì có quá nhiều biện pháp để cho loài cây vô tội này tiếp tục tồn tại, trở thành niềm tự hào của đường phố mà không đến nỗi phải đối xử thô bạo với tất cả cùng một lúc như thế.

 

Bây giờ, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, người ta không lạ gì với việc cả làng, hoặc cả một thành phố đổ xô nhân tài và tiền bạc đi cứu một cây cổ thụ, cứu vài ba con gấu trúc hoặc một loài tắc kè quý hiếm còn sót lại trong rừng. Và việc một con hổ nhỏ ở trong vườn bách thú sinh được một hổ con có thể là một sự kiện mang tầm quan tâm của quốc gia ở đâu đó. Những kẻ đó lẩn thẩn cả rồi chăng?

 

Thực ra, ai cũng biết rằng, con gấu trúc không chỉ là gấu trúc. Cây không chỉ là cây. Mà ứng xử với chúng thế nào, đó là một thái độ ứng xử với tự nhiên, với một thực thể đã từng tồn tại và có quyền được tiếp tục tồn tại trên cõi đời này. Chính cái thái độ nâng niu trân trọng tự nhiên và môi trường sẽ phục vụ lại cuộc sống con người và quy định trở lại lòng hữu ái. Bởi ai cũng biết rằng, vì lòng hữu ái mà thế giới này tồn tại.

 

 

 

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 02-03-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin