Giải đáp một số vấn đề liên quan đến việc tái định cư nhà ở
Hỏi:
Nhà em nằm trong khu quy hoạch của dự án đường Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích nhà em là 25 m2 với 7 nhân khẩu sinh sống! Sau giải tỏa thì diện tích còn lại chỉ có 12 m2.
Gia đình em đã không đồng ý với việc đền bù của địa phương, và khi thắc mắc thì được giải đáp như sau:
12 m2 còn lại đó vẫn là của gia đình em, nhưng sẽ không được xây cất nhà, vì nhà nước có quy định cấm xây dựng nhà siêu mỏng và cao. Và nhà em sẽ được tái định cư ở một nơi mới, nhưng đất ở nơi tái định cư đó, gia đình em sẽ phải bỏ tiền ra mua với giá đất như sau: 1 nơi giá 900.000 đ/1m2 ; 1 nơi giá 2 triệu/1 m2
Em nói vì nhà em quá nghèo, không có khả năng chi trả để mua nơi tái định cư mới, thì được giải thích: Nếu như em chịu nơi tái định cư mới, thì theo quy định của nhà nước, sẽ cho nhà em thiếu nợ khoản tiền đó và gia đình em sẽ phải trả dần! Nếu nhà em nằm trong diện chính sách mới giải quyết khác được, còn không thì phải mua mới ở được!
Em xin hỏi: Nếu giải tỏa thì việc tái định cư đó quy định như thế nào? Chính quyền trả lời như vậy có đúng hay không?
Xin hãy giải đáp giúp gia đình em. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Để phù hợp với quy định của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, sau khi nhà nước tiến hành thu hồi, giải tỏa đối với diện tích nhà và đất trong khu vực quy hoạch của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế, nếu phần diện tích đất còn lại sau giải tỏa, dưới 40 m2 (tại TP HCM) và 15 m2 (tại Hà Nội) thì không được cấp phép xây dựng. Nhà nước khuyến khích các hộ có diện tích quá nhỏ thực hiện việc thỏa thuận, chuyển phần đất còn lại cho các hộ tiếp giáp sử dụng; hoặc giao phần đất còn lại cho nhà nước. Như vậy, việc UBND không cho phép xây dựng nhà có diện tích 12 m2 là phù hợp với mục tiêu quy hoạch của tỉnh.
Do bạn không nêu rõ về hồ sơ pháp lý của ngôi nhà, nên chúng tôi lưu ý với bạn về điều kiện để được bồi thường đất theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03 tháng 12 năm 2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất như sau: “Người bị Nhà nước thu hồi đất, có một trong các điều kiện sau đây thì được bồi thường: 1. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. 2. Có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai. 3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) xác nhận không có tranh chấp…”.
Trong trường hợp, người sử dụng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất mà thuộc đối tượng không được bồi thường đất, nếu không còn nơi ở nào khác thì được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết cho mua, thuê nhà ở hoặc giao đất ở mới; người được thuê nhà hoặc mua nhà phải trả tiền mua nhà, thuê nhà, nộp tiền sử dụng đất theo quy định (Khoản 2 Điều 14 Nghị định 197/2004/NĐ-CP nêu trên).
Việc gia đình bạn được tái định cư ở một nơi ở mới và phải trả dần tiền nhà, có thể rơi vào trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, giá trị của diện tích 12 m2 nhà của bạn hiện có cũng phải được tính để khấu trừ vào tiền trả góp nhà ở mới.
Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự
Số 8, ngõ 7, phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội
Các tin liên quan:
- Giải đáp vấn đề liên quan đến việc làm giấy ủy quyền trong tranh chấp quyền sử dụng đất (15-01-2008)
- Hỏi: Tôi có ý định về Việt Nam sinh sống nên đã mua một số đất đai ở Việt Nam và nhờ em trai tôi đứng tên, còn sổ đỏ thì tôi giữ. Em trai tôi đã viết giấy cam kết là không tranh chấp hoặc thừa hưởng số đất đai đó. Nhưng sau khi biết tôi làm thủ tục hồi hương thì em tôi tranh chấp và không chịu trả lại. Vậy tôi có thể lấy lại được số đất đó không? Nếu được thì tôi phải làm những thủ tục gì và ở đâu? (13-11-2007)
- Hỏi: Tôi là Việt kiều Mỹ. Tôi rời Việt Nam năm 1975 và để lại nhà cho một người bà con trông coi. Người bà con này đã lợi dụng những giấy tờ bản sao về sở hữu nhà ở của tôi để bán nhà cho người khác (năm 1984). Hiện tại tôi vẫn còn giữ đầy đủ bản chính giấy tờ sở hữu ngôi nhà của tôi. Nay về hưu, tôi muốn quay về Việt Nam sinh sống. Vậy tôi phải làm những thủ tục gì để có thể lấy lại ngôi nhà này? (16-05-2007)
- Hỏi: Tôi là Việt kiều, hiện cư ngụ tại Pháp. Gia đình bên vợ tôi tại Việt Nam muốn chia phần cho vợ chồng tôi một miếng đất nhỏ, dùng để cất một căn nhà, vậy trên pháp lý tôi có quyền đứng tên không? Và tôi có quyền cất nhà để ở trên phần đất này không? Căn nhà này tôi có quyền đứng tên không? (31-01-2007)
- Hỏi: Xin cho biết các loại thuế liên quan đến nhà đất (15-12-2006)
- Trả lời về vấn đề thừa kế tài sản tại Việt Nam đối với người Việt Nam ở nước ngoài (07-11-2006)
- Bạn Le Thai Phong hỏi về việc ủy quyền và vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai... (01-09-2006)
- Hỏi: Tôi hiện vẫn mang quốc tịch Việt Nam (VN) và đang sinh sống ở nước ngoài. Ở VN mẹ tôi có chia cho tôi một miếng đất để sau này về VN sinh sống. Mẹ tôi có thể làm giấy tờ thừa kế cho tôi được không? Nếu sau này mẹ tôi đổi ý chuyển quyền thừa kế cho người khác có được không? Giấy tờ thừa kế cho tôi có còn hiệu lực không? (24-04-2006)
- Hỏi: Bạn Nguyễn Thị Hằng, định cư ở Úc có thư hỏi tạp chí Quê Hương về việc xin lại nhà đất trước đây... (09-03-2006)
- Hỏi: Con gái tôi lấy chồng qua Mỹ năm ngoái. Cháu vẫn mang hộ chiếu Việt Nam và đang thường trú tại Mỹ. Cháu có nhà tại TP Hồ Chí Minh hiện đang cho thuê. Xin hỏi cháu có thể bán ngôi nhà ấy và chuyển tiền sang Mỹ để góp tiền mua nhà mới không? Con tôi có thể giữ lại nhà để sau này về Việt Nam sinh sống đầu tư hay không? (08-11-2005)
Cập nhật 02-03-2008