Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 17:38

Bài 11. Tết Nguyên đán


I. Hội thoại sound.gif
 

BEN :

- Đường đông người quá, làm gì mà đông thế nhỉ ?

TUẤN :

- Cậu không nhớ à, hôm.nay là ngày 30 Tết mà, mình định rủ cậu đi chợ hoa đây.

BEN:

- Chợ hoa à ? Nghĩa là chợ bán hoa à ?

TUẤN:

- Ừ toàn hoa thôi, các loại hoa, nhiều lắm.

BEN:

- Thế à? Mình đi ngay, mình cũng muốn biết chợ hoa như thế nào

TUẤN:

- Cậu thấy không, toàn hoa là hoa.

BEN:

- Ừ nhỉ bao nhiêu là hoa, đẹp không tưởng tượng nổi.

TUẤN:

(hỏi người bán hoa) - lay ơn trắng bán thế nào hả chị ?

NGƯỜI BÁN HÀNG

 - 5.000 một bông, mua đi em, hoa tươi lắm, toàn nụ đây này!

TUẤN :

- Đắt quá, làm gì mà đắt thế? Chiều 30 có khác. (Với Ben) Mình đi xem trước, chốc nữa mua sau.

BEN :

- Ừ đi đi, mình chỉ thích xem thôi.

****

BEN :

- Cháu chào hai bác. Năm mới, cháu đến chúc Tết hai bác và gia đình. Chúc cả gia đình ta năm nay mạnh khỏe, nhiều may mắn.

MẸ TUẤN:

 - Ôi, cảm ơn cháu, sao mà cháu giỏi thế ? Biết chúc Tết rất thành thạo bằng tiếng Việt.

BỐ TUẤN:

- Hai bác cũng chúc cháu học giỏi này, tiến bộ nhanh này, và luôn vui vẻ như hôm nay này. Tiện thể, bây giờ cháu vào ăn cơm với hai bác đã.

MẸ TUẤN:

- Cháu ăn đi! Đây là nem này, còn đây là giò lụa, cái này là măng, đây là dưa hành. Còn đây, chắc cháu biết rồi, phải không ?

BEN:

- Vâng ạ, bánh chưng thì cháu thích lắm. Hai ngày nay, cháu ăn bao nhiêu là bánh chưng. Đến nhà ai cháu cũng ăn toàn là bánh chưng, thế mà chẳng biết chán là gì!

MẸ TUẤN:

Thằng Tuấn nhà bác cũng thế, mấy ngày Tết, nó ăn toàn bánh chưng, chẳng ăn gì khác cả. Cháu ăn nữa đi!

BEN:

-  Dạ, cháu đủ rồi, xin phép bác ạ.

MẸ TUẤN:

- Thế thì cháu uống nước và ăn mứt nhé.

BEN:

- Vâng, bác cứ để cháu tự nhiên ạ.

Bảng từ l

Tết Nguyên đán

tiến bộ

chợ hoa

tiện thể

lay ơn

giò lụa

bông

Măng

nụ

dưa hành

chốc nữa

bánh chưng

chúc Tết

mứt

II. Chú thích ngữ pháp

1. Làm gì mà + tính từ + thế 

Kết cấu này biểu thị sự ngạc nhiên của người nói, có ý nghĩa tương tự như “Tại sao ... thế?”, nhưng có sắc thái tiêu cực (người nói cảm thấy không thích).

Ví dụ:

- Làm gì mà lâu thế nhỉ!

(= Tại sao lâu thế ?)

- Cái ô tô này, làm gì mà chậm như rùa thế!

(= Tại sao ô tô này chạy chậm như thế ?)

2. Toàn ...

a. Toàn + danh từ

Kết hợp này biểu thị sự vật nào đó có số lượng rất lớn và thuần nhất về chủng loại.

Ví dụ :

- Ở chợ bán toàn hoa.

(= Ở chợ có rất nhiều hoa, và chỉ có hoa, không có thứ khác)

Bên cạnh kết hợp toàn + danh từ , cũng có thể dùng hai kết hợp sau: toàn là + danh từ hoặc toàn + danh từ + là + danh từ:

Ví dụ :

 - Cửa hàng này (có) toàn khách nước ngoài.

- Chị ấy mua toàn là sách nấu ăn

- Vào ngày sinh nhật bé Sơn, bố mẹ tặng nó toàn đồ chơi là đồ chơi.

b. Toàn + động từ

Kết hợp này biểu thị một hành động diễn ra thường xuyên, gần như trở thành qui luật.

Ví dụ :

 - Anh ấy toàn đi chơi về muộn.

(= Anh ấy luôn luôn đi chơi về muộn)

- Tôi không thích chị Hương vì chị ấy toàn nói dối.

3. Câu có bổ ngữ ở đầu câu

Trật tự thông thường của câu đơn tiếng Việt là :

Chủ ngữ + động từ + bổ ngữ  

Nhưng khi muốn nhấn mạnh bổ ngữ, ta có thể cho bổ ngữ đứng đầu câu và thêm “thì” sau bổ ngữ.

Bổ ngữ + thì + chủ ngữ + động từ

Ví dụ:

 - Ngoại ngữ thì nó thích lắm.

(= Nó thích ngoại ngữ lắm)

- Hoa thì anh ta chưa bao giờ tặng cho ai.

(= Anh ta chưa bao giờ tặng hoa cho ai)


4. Không biết …là gì

Kết hợp này dùng để phủ định tuyệt đối một hành động, trạng thái có ý nghĩa tương tự “hoàn toàn không”.

Mẫu: Chủ ngữ + không biết + động từ +

Ví dụ:

- Ông ấy không biết nói dối là gì.

(= Ông ấy không bao giờ nói dối)

- Mấy ngày nay tôi không biết đi chơi là gì.

(=mấy ngày nay tôi hoàn toàn không đi chơi)

III. Bài luyện

I. Đọc kỹ lại hội thoại và cho biết những thông tin sau sai hay đúng

a. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ.

b. Trước đây Ben chưa đi chợ hoa bao giờ.

c. Chợ hoa bán rất nhiều thứ.

d. Chiều 30, hoa rất đắt.

e.Tuấn và Ben chưa muốn mua hoa ngay.

f. Ben nói tiếng Việt còn kém lắm.

g. Bố mẹ Tuấn đang ở nhà.

h. Ben không thích bánh chưng.

i. Tuấn thích bánh chưng.

2. Điền danh từ thích hợp vào các câu sau:

xe máy

  bánh chưng

sách

đồi trọc

diễn viên

 nước

quả

              

a. Ngày Tết, gia đình tôi ăn toàn .........:................

b. Ngày xưa, nơi đây là rừng rậm, nhưng do chiến tranh và nạn chặt phá rừng, nên bây giờ chỉ toàn .......................... là………………..

c. Đây là nhà hàng hải sản nên thực đơn toàn là ..........................

d. Cô bé này mê xem phim Hàn Quốc. Trong phòng của nó toàn là ảnh .......................... Hàn Quốc.

e. Cây táo nhà chị sai quả thế! Toàn .........:............ là ........:............

f. Lần đầu tiên bơi ở biển, tôi rất sợ vì xung quanh toàn là................

g. Mùa thu, trên đường phố toàn là ............:...:. rụng.

h. Nhân viên công ty này có vẻ ăn nên làm ra, bãi để xe toàn là………......................... đắt tiền.

i. Bố mẹ chị Trang đều là giáo sư, nên nhà chị ấy toàn .......................

3. Dùng kết hợp “toàn + động từ” diễn đạt lại các câu sau:

Mẫu : - Mấy ngày Tết, nó luôn luôn đi chơi.

          → Mấy ngày Tết, nó toàn đi chơi.

a. Hàng ngày, anh ấy chỉ uống bia.

b. Cô giáo tôi luôn thích đọc tiểu thuyết lãng mạn.

c. Các sư trong chùa chỉ ăn rau và đậu phụ, không ăn thịt

d. Ông Lâm dạo này ít ở Việt Nam, thường xuyên ở nước ngoài.

e. Từ ngày đi Mỹ về, anh ấy chỉ thích nói tiếng Anh.

f. Dạo này vì phải thức khuya để ôn thi nên tôi thường xuyên dậy muộn.

g. Học sinh lớp này luôn luôn trốn học đi chơi.

h. Nhà gần cơ quan nên mẹ tôi luôn luôn đi bộ đi làm.

4. Biến đổi các câu sau theo mẫu “không biết/ chẳng biết ... là gì”:

Mẫu : - Cô ấy không bao giờ tập thể dục.

→ Cô ấy không biết tập thể dục là gì.

a. Nó chẳng bao giờ ngủ trưa.

b. Anh tôi không bao giờ đi ăn tiệm

c. Thằng bé ăn bao nhiêu cơm mà vẫn không thấy no

d. Thày giáo tôi không bao giờ đi muộn.

e. Bố tôi không khi nào đi chợ.

f. Ông ấy làm việc suốt ngày, không nghỉ ngơi.

g. Trước khi sang Việt Nam, tôi chưa bao giờ đi xe máy.

h. Anh ấy rất khỏe, bê cái hòm to thế mà không thấy mệt.

5. Hãy nhấn mạnh thành phần bổ ngữ trong các câu sau:

Mẫu : - Tôi đang viết sách.

→ Sách thì tôi đang viết.

a. Tôi đã mua xe máy mới rồi.

b. Anh ấy chưa gọi điện cho bố mẹ.

c. Bạn tôi không bao giờ thích làm bài tập

d. Cô ấy vừa tìm được địa chỉ của người bạn cũ

e. Ngày mai tôi sẽ làm việc anh nhờ

f. Chị tôi rất thích ăn nem.

g. Ai cũng muốn đi du lịch

h. Ở đây không ai biết tiếng Pháp.

IV. Bài đọc

Tết Nguyên đán

Ở Châu Âu, người ta ăn Tết theo Dương lịch, nhưng ở Việt Nam và một số nước Châu Á khác, nhân dân lại ăn Tết theo Âm lịch. Người Việt Nam gọi Tết đầu năm Âm lịch là Tết Nguyên đán. Ngày 30 tháng 12 Âm lịch là ngày tất niên. Vào ngày này, đường rất đông, toàn là người đi sắm tết, đi chợ hoa.

Người bán hoa bây giờ, một bộ phận tập trung thành chợ, một bộ phận đi khắp các phố. Ở đâu cũng có hàng hoa. Ngày tất niên, mọi nhà đều dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Nhà nào cũng chuẩn bị những món ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, dưa hành, canh măng, giò... và bánh mứt kẹo. Nửa đêm 30 là thời gian giao nhau giữa năm cũ và năm mới, được gọi là giao thừa. Trong nhà nhiều gia đình làm lễ cúng trời đất. Ngoài đường nhiều người đi chơi, đón xuân. Ngày mồng 1 mồng 2, mồng 3 là ba ngày Tết vui nhất. Mọi người đi thăm hỏi nhau, chúc mừng năm mới và cúng lễ tổ tiên. Ngày Tết, người ta kiêng nói những chuyện buồn, kiêng cãi nhau, vì sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống trong cả năm. Người khách đầu tiên đến thăm nhà trong năm mới sẽ là người quyết định sự may mắn cho cả gia đình, vì thế nhiều gia đình rất kén chọn người “xông nhà”. Khách đến chơi thường được mời ăn cơm, ăn bánh chưng để thưởng thức hương vị ngày Tết. Người già và trẻ em thì thường được mừng tuổi tức là được tặng những món quà hay những đồng tiền mới bỏ trong một loại phong bì đặc biệt. Nam nữ thanh niên thì không thích ở nhà. Họ thường rủ nhau đi chơi suốt ngày, quên cả giờ giấc, quên cả ăn. Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày vui và thiêng liêng nhất trong năm.

 

Bảng từ

Dương lịch

thăm hỏi

Âm lịch

tổ tiên

tất niên

Kiêng

dọn dẹp

xông nhà

trang hoàng

thưởng thức

giao nhau

hương vị

giao thừa

mừng tuổi

cúng

thiêng liêng

làm lễ

 

V. Bài tập

1. Trả lời các câu hỏi về bài đọc:

a. Người Việt Nam ăn Tết theo lịch gì ?

b. Ngày cuối năm Âm lịch là ngày gì ?

c Trong ngày đó mọi người thường làm gì?

d. Những thức ăn nào được coi là món ăn đặc trưng

e. Tết kéo dài mấy ngày ?

f . Vào ngày Tết, người ta làm gì ?

g. Tại sao vào ngày Tết, mọi người không cãi nhau ?

h. Anh/chị hiểu thế nào về tục lệ “xông nhà”?

i. Tục lệ mừng tuổi là gì ?

k. Thanh niên đón Tết thế nào ?

l. Tết có ý nghĩa thế nào trong đời sống của người Việt Nam ?
 

2. Điền vào chỗ trống những cụm từ thích hợp:

 

đọc sách    

nhiều hoa 

Toàn

bao nhiêu là

có khác

chẳng biết ... là gì

 

không tưởng tượng nổi

 

 

a. Anh ấy ........................ tập thể dục buổi sáng.

b. Mẹ tôi có ......................:.sách hay.

c Toàn hoa là hoa, làm gì mà ................:.....,.. thế nhỉ ?

d. Cô ấy đẹp ...:...................., bao nhiêu người phải nhìn theo.

e. Trung Thu ..:...:................. , đêm sáng như ban ngày:

f. Nó đau thế mà :.................. khóc ......:.....:.......

g. thì cô ấy thích lắm.

3. Sắp xếp các từ sau thành câu :

a. cũng có / bao nhiêu là / chợ / hoa / năm nào.

b. có / toàn / cô ấy / trong / tiền / là / tiền / ví.

c. những /khó hiểu / câu / toàn / anh ấy / nói.

d. chưa bao giờ / học / anh trai / tiếng Pháp / tôi / thì.

e. nước / là gì / tôi / bơi / biết / chẳng / lắm / sợ / nên.

f. ca sĩ / nên / tên / cô ấy / thì / cũng / cô ấy / ai/ biết / nổi tiếng / là

4. Nghe và điền từ vào chỗ trống: sound.gif

- Chào anh Bình, chị Loan (1) .......,.................. Năm mới em đến chúc Tết anh chị và cháu. Chúc anh chị luôn luôn mạnh khỏe, làm ăn (2) ....................... . .

- Chào Bắc, anh chị cũng (3) ...................... em mạnh khỏe, học giỏi.

- Cháu chào chú ạ!

- A, chào cháu! Này, chú (4) :..........:…. này ? Chúc cháu năm nay (5) ........................ Cu cậu đừng nghịch quá nhé!

- Cháu xin chú ạ !       

- Này, em uống chút rượn nhé.

- Dạ, thôi chị ạ (6) ........................ mấy ngày nay (7)……………. đến đâu cũng uống. Em sợ lắm rồi

- Thế thì ăn mứt đi rồi nếm (8) ................nhà chị. Chị gói lấy đấy, (9) ............. . . . .!

- Bánh chưng (10) ....................... em rất thích, nhưng cám ơn chị, em phải đi đến nhà mấy người bạn (11) …......... em có hẹn rồi.

- Làm gì mà (12) ....................... thế ? Thôi cũng được, lúc nào rỗi đến ăn bánh chưng (13) ...:.................... nhé !


5. Đọc lại bài nghe và trả lời :
 

a. Hội thoại diễn ra ở đâu ?

A. nhà anh Bình

B. nhà chị Loan

C. nhà Bắc 

D. A và B đúng 

          

b. Hội thoại có mấy người ?

A. 2

 B.4

C. 3

D.5

   

c. Mấy nam, mấy nữ ?

A. 2 nam 2 nữ

 B. 1 nam 3 nữ

C. 3 nam 1 nữ

D. toàn nam

   

Đ. Hội thoại về vấn đề gì ?

A. uống rượu

B. chúc Tết

C. mừng tuổi

Đ. Đi chơi ngày Tết

       

e. Bắc sẽ đi đâu ?

A. đi chúc tết hàng xóm

B.  đi về nhà

C. đi chúc Tết nhà bạn

D. đi chơi với Bình

          

6. Anh/chị hãy viết về ngày Tết ở nước anh/ chị.

7. Bài đọc thêm

Dân tộc Việt Nam có nhiều ngày lễ, tết cổ truyền. Ngoài tết cổ truyền lớn nhất (Tết Nguyên đán) được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 1 tháng Giêng (Âm lịch), còn có nhiều ngày lễ, tết truyền thống khác. Nếu bạn sống ở Việt Nam lâu, bạn sẽ được tham dự và có điều kiện tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam.

Tết Thanh minh được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba Âm lịch. Vào ngày này, nhân dân làm các loại bánh trôi, bánh chay để cúng gia tiên. Buổi sáng, mọi người thường tổ chức đi thăm viếng, sửa sang lại mộ chí của những người thân đã mất (gọi là lễ tảo mộ).

Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy Âm lịch. Rằm tháng Bảy còn được gọi là ngày xá tội vong nhân, vì người ta tin rằng người ta sau khi chết thì linh hồn tồn tại ở một thế giới khác. Đến ngày này các linh hồn ấy được về với gia đình. Hơn nữa, linh hồn nào có tội thì được ân xá. Đây là một dịp để mọi người tưởng nhớ đến những người đã mất.

Sau Tết Trung nguyên là Tết Trung Thu (rằm tháng Tám Âm lịch). Đó là ngày Tết của trẻ em. Trong mỗi gia đình, bố mẹ thường chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo và đồ chơi cho con cái mình. Mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo, ... là những thứ không thể thiếu đựợc trong mâm cỗ của các cháu. Bố mẹ thường bầy cỗ ra giữa sân, trẻ con quây quần xung quanh và vui chơi dưới ánh trăng. Các em thường chơi múa rồng, múa sư tử, rước đèn ... và đợi đến khuya để được phá cỗ. Rằm tháng Tám ở Việt Nam thực sự là một ngày hội của trẻ em.

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 25-06-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin