Cách giải quyết những vấn đề
thắc mắc trong cuộc sống
Trong các tờ báo dành cho tuổi trẻ ở Việt Nam, có một mục rất quan trọng, đến mức không thể thiếu được, đó là mục ''Tâm tình''. Mục này sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ về cuộc sống, tình yêu, sự nghiệp, giúp họ vượt qua những khó khăn trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là đời sống tình cảm. Mục ''Tiền phong với tuổi trẻ'' trên báo Tiền phong là một ví dụ. Dưới đây, chúng tôi xin trích một bài báo trong mục này, gồm bức thư của một cô gái gửi đến tòa soạn báo Tiền Phong và thư trả lời của tòa soạn.
''Tiền Phong thân mến!
Mình là một cô gái rất trẻ, mới 18 tuổi, đang học năm cuối phổ thông trung học. Có thể là hơi sớm, nhưng mình đã yêu anh ấy cách đây ba năm. Tình yêu của chúng mình thật đẹp, tuy thế không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhất là gần đây, theo nhiều người nói, anh ấy yêu một cô gái khác. Mình giận quá, nói với anh ấy rằng nên chia tay nhau. Trong lúc ấy, bất ngờ, anh ấy bị tai nạn xe máy, phải cưa một chân. Bây giờ anh ấy tàn tật. Với một chiếc chân giả, anh ấy vẫn cố gắng đi lại. Bỗng nhiên mình quên hết mọi tức giận, mình cảm thấy vô cùng yêu anh ấy, muốn sống với anh ấy, giúp anh ấy có cuộc sống bình thường như tất cả mọi người. Nhưng anh ấy trốn tránh và dứt khoát từ chối tình cảm của mình. Anh ấy nói: ''Em dũng cảm thế à? Anh tàn tật rồi. Quên anh đi''. Trong khi đó mọi người trong gia đình và bè bạn đều khuyên mình nên cắt đứt với anh ấy để sau này khỏi khổ. Nhưng mọi người không hiểu mình. Tiền Phong ơi, mình phải làm gì bây giờ?''
''Bạn gái 18 tuổi ơi!
Mình rất xúc động trước tình cảm của bạn. Khi hai người yêu nhau, trong khó khăn càng phải yêu thương nhau hơn, giúp nhau bước đi trong cuộc sống. Anh ấy đã sai lầm khi từ chối một người yêu như bạn. Tuy nhiên, có thể anh ấy có những mặc cảm riêng, bạn cũng nên thông cảm với anh ấy.
Bạn đang 18 tuổi - tuổi yêu đương thật đẹp và luôn vượt qua khó khăn bằng một tâm hồn lãng mạn. Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định dứt khoát để sau này khỏi ân hận. Có lẽ lúc đầu hãy làm một người em gái nhỏ chăm sóc người anh lúc không may. Rồi sau đó sẽ tìm cách giải quyết ...
Chúc bạn may mắn và hạnh phúc.
Thân mến - Thương Thương
Bảng từ
|
thắc mắc tâm tình giải đáp sự nghiệp vượt trích gồm thuận lợi cưa
|
tàn tật chân giả trốn tránh dứt khoát mặc cảm tâm hồn lãng mạn ân hận
|
V. Bài tập
l. Dựa vào bài đọc, hãy lựa chọn những câu trả lời đúng nhất trong các khả năng dưới đây (chỉ chọn một trong bốn khả năng):
a. Mục tâm tình thường có mặt trong các báo loại:
A. Khoa học
|
C. Pháp luật
|
B. Chính trị
|
D. Dành cho thanh niên
|
b. Chức năng của mục tâm tình là:
A. Tìm việc làm cho bạn trẻ
|
C. Dạy cách làm món ăn
|
B. Kể chuyện cười
|
D. Giúp bạn trẻ giải quyết khó khăn về tình cảm
|
c. Cô gái trong bài đọc:
A. Chưa bao giờ yêu
|
C. Có người yêu bốn năm rồi
|
B. Sắp tốt nghiệp trường phổ thông
|
D. Đang rất hạnh phúc
|
d. Người yêu của cô ấy:
A. Bị thương nhẹ
|
C. Chỉ còn một chân
|
B. Sẽ cưới cô ấy
|
D. Học cùng cô ấy
|
e. Khi người yêu gặp chuyện không may, cô ấy:
A. Mặc kệ
|
C. Muốn yêu người khác
|
B. Buồn chán
|
D. Càng yêu anh ta hơn
|
f. Nhiều người khuyên cô ấy:
A. Nên đi chơi với anh ấy
|
C. Nên thi đại học
|
B. Đừng yêu anh ấy nữa
|
D. Chăm sóc anh ấy
|
g. Theo bạn, cô ấy là người:
A. Dũng cảm
|
C. Hay khóc
|
B. Học kém
|
D. Không thông minh lắm
|
2. Trả lời những câu hỏi sau:
a. Nếu bạn là cô gái trong bài báo, bạn sẽ đối xử như thế nào với người yêu?
b. Nếu bạn là người yêu của cô gái ấy, bạn sẽ từ chối hay chấp nhận tình yêu của cô ấy? Hãy giải thích lý do cách lựa chọn của bạn.
c. Bạn nghĩ thế nào về mục tâm tình đối với bạn trẻ? Nếu bạn có thắc mắc trong cuộc sống, bạn có muốn gửi thư đến báo không? Tại sao?
3. Dựa vào bài đọc, hãy viết tiếp các câu sau:
a. Mục tâm tình thường xuất hiện .......................
b. Nội dung của mục này là .................................
c. Cô gái trong bài gửi thư đến ..........................
d. Người yêu của cô ấy bị ……..........,...............
e. Người yêu của cô ấy muốn cô ấy ..................
f. Gia đình cô ấy khuyên cô ấy .............................
g. Thương Thương khuyên cô ấy ........................
4. Hãy điền các từ đã cho vào những câu dưới đây sao cho thích hợp:
dũng cảm
ân hận
|
mặc cảm
thuận lợi
thắc mắc
|
cắt đứt
kỹ
|
a. Đầu năm, công việc của anh ấy gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối năm thì .....................
b. Anh nên suy nghĩ ................... trước khi quyết định.
c. Trẻ con bây giờ có nhiều ...................... mà không biết hỏi ai.
d. Tôi rất ................... vì đã hiểu lầm anh ấy.
e. Cậu bé ngã rất đau mà không khóc. Thật là .....................
f. Sau một thời gian dài cãi vã, hai người quyết định ..................với nhau.
g. Chị không nên .................... vì những lỗi lầm trong quá khứ.
5. Nghe cuộc đối thoại trong băng và trả lời câu hỏi:
a. Hai người đối thoại quan hệ với nhau như thế nào?
b. Họ nói chuyện về vấn đề gì?
c Tại sao vợ người đàn ông xấu hổ?
d. Bình thường khi ăn cơm thì anh ấy ăn thế nào?
e. Khi đi ăn cỗ, anh ấy có nhớ ai ngồi cùng với anh ta không? Tại sao?
6. Nghe lại cuộc đối thoại và viết ra toàn bộ những gì bạn nghe được.
7. Kể lại nội dung cuộc đối thoại trong băng.
8. Dưới đây là bài phỏng vấn một nhà văn nổi tiếng, nhưng chỉ có phần trả lời. Hãy tự hoàn chỉnh cuộc đối thoại này.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Tôi sinh năm 1935.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Hoàn cảnh gia đình tôi ấy à? Khi tôi còn nhỏ, cuộc sống của chúng tôi cũng khó khăn lắm. Bố mẹ tôi đi làm suốt ngày để nuôi ba anh em.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Không, tôi là con út.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: À, hồi đó tôi rất thích đọc sách báo và một hôm, tôi nghĩ rằng tôi có thể viết truyện được. Hơn nữa, bố mẹ tôi rất yêu văn học và rất ủng hộ tôi.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Tác phẩm đầu tay của tôi ra đời năm 1943.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Đúng rồi, khi đó tôi 18 tuổi.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Tôi không nhớ rõ lắm. Hình như họ phát hành 2.000 bản, nhưng mà cũng không nhiều người mua.
Phóng viên:.....................................?
Nhà văn: Theo tôi, quyển sách được nhiều người ưa thích nhất là cuốn ''Biển đêm''
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Có. Năm tới tôi sẽ cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết về tình yêu.
Phóng viên : ...................................?
Nhà văn: Không được, tên sách là điều bí mật, anh bạn ạ. Rồi anh sẽ biết.
Phóng viên : ....................................?
Nhà văn: Xin cảm ơn anh.
9. Dựa vào bài 8, hãy viết một tiểu sử ngắn về nhà văn đó.
VI. Bài đọc thêm
Nghề làm báo ở Việt Nam
Đối với các phóng viên Việt Nam, ngày 21/6 là ngày quan trọng nhất trong năm, vì đó là ngày nhà báo. Ở Việt Nam, hầu như ai cũng biết ngày này và chia vui cùng các phóng viên. Hoa, thư chúc mừng được gửi về tòa soạn rất nhiều. Nhiều khi cả tòa soạn là một vườn hoa.
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại báo và tạp chí. Có những báo ra hàng ngày như Nhân dân, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên. Có báo ra mỗi tuần hai kỳ như Thể thao và Văn hóa. Các tạp chí thì phát hành ít hơn, thường là mỗi tháng hai kỳ hoặc là mỗi tháng một kỳ. Ở một số tờ báo lớn như Lao động, Thanh niên, Nhân dân, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, tòa soạn còn phát hành số đặc biệt cuối tuần hoặc số đặc biệt chủ nhật. Nội dung của số báo này chủ yếu là các tin văn hóa xã hội để giải trí cuối tuần. Điều này làm cho báo bán chạy hơn vì cả tuần, người đọc đã ''bội thực'' vì hàng loạt tin tức thời sự, kinh tế trong nước và thế giới từ hàng chục tờ báo.
Nội dung của mỗi tờ báo có những đặc điểm riêng. Các báo Nhân dân, Hà nội mới, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ... chủ yếu là tin thời sự chính trị, kinh tế, xã hội. Một số báo khác chuyên về một lĩnh vực như báo Văn nghệ chuyên về văn học, báo Thể thao và văn hóa cung cấp tin tức về thể thao, văn hóa thế giới, báo Người cao tuổi phục vụ người về hưu, báo Hoa học trò, Mực tím dành cho lứa tuổi phổ thông trung học và sinh viên...
Hàng năm, khoa Báo chí ở Trường Đại học Quốc gia cung cấp cho xã hội vài chục cử nhân báo chí. Nhiều người trong số họ trở thành phóng viên tập sự ở các tòa soạn và chẳng bao lâu sau là phóng viên chính thức. Tuy nhiên, để trở thành phóng viên chính thức là chuyện không đơn giản. Nghề phóng viên thú vị vì được đi đây đi đó tiếp xúc với nhiều người, nhưng cũng đầy khó khăn vất vả. Nghề làm báo đòi hỏi phải có tri thức, có khả năng chịu đựng và cần nhất là lòng trung thực. Để có tư liệu cho bài viết, dù chỉ là vài dòng tin ngắn, họ phải thường xuyên đi săn tin, nhiều khi suốt cả ngày đêm.
Do tiếp xúc với đủ mọi loại người trong xã hội, các phóng viên thường là những ''kho tư liệu sống'' về đủ mọi lĩnh vực.
VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ
1.Tin sốt dẻo
Sốt dẻo là tính từ, có nghĩa là nóng mềm. Ví dụ: ''cơm sốt dẻo'' tức là cơm mới nấu, còn nóng. Tin sốt dẻo có nghĩa là tin tức rất mới, vừa mới nhận được.
Ví dụ: - Tôi xin báo với các bạn một tin sốt dẻo: tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
2. Báo lá cải
Lá cải là lá một loại rau xanh phổ biến rẻ tiền ở Việt Nam. Tên gọi Báo lá cải dùng để chỉ những tờ báo không có giá trị, nội dung không sâu sắc, chủ yếu để giải trí và làm người đọc tò mò.
Ví dụ: - Anh đọc tờ báo lá cải ấy chỉ phí tiền và mất thì giờ. Tôi không bao giờ mua.
3. Thuận buồm xuôi gió
Thuyền buồm là loại thuyền chạy bằng sức gió.
Buồm là tấm vải lớn có tác dụng đón gió để đẩy thuyền chạy. Khi gió thổi xuôi chiều sẽ làm căng buồm và đẩy thuyền đi rất nhanh, còn nếu gió ngược chiều sẽ làm cho thuyền đi rất chậm.
Thành ngữ này dùng để nói về một công việc được thực hiện thuận lợi, không bị trở ngại, khó khăn.
Ví dụ: - Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, chúng tôi sẽ thắng lợi trong vụ kinh doanh này.