Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Monday, 23/12/2024 6:31

Bài 15. Tranh Việt Nam


 

I. Hội thoại sound.gif

PHÓNG VIÊN:

- Cháu chào cụ ! Thưa cụ, cháu là phóng viên báo Lao động. Cháu được biết cụ là nghệ nhân cao tuổi nhất của làng tranh dân gian Đông Hồ. Cụ cho phép cháu được phỏng vấn ạ!

 NGHỆ NHÂN:

- Ấy chết, không dám. Ở làng này nhiều người giỏi hơn tôi. Ông Hải ở nhà bên kia kìa, anh sang đó mà hỏi.

PHÓNG VIÊN:

 - Dạ, cháu đã đến già nửa số nhà trong làng rồi, họ đều nói làng chỉ có dăm người giỏi, và người giỏi nhất trong làng không phải ông Hải mà là cụ. Cháu cũng biết cháu là người trẻ tuổi mong cụ dạy bảo thêm.

NGHỆ NHÂN:

- Chả giấu gì anh, tôi rất ngại lên đài lên báo. Nhưng anh nói thế thì tôi sẽ trả lời anh vậy.

PHÓNG VIÊN:

- Cháu cám ơn cụ. Thưa cụ, cụ làm tranh đã bao nhiêu năm rồi ạ?

NGHỆ NHÂN:

- Lâu quá rồi, tôi cũng quên mất. Có lẽ ngót 70 năm rồi. Từ khi còn bé, tôi đã làm tranh. Các cụ đã dạy, một nghề thì sống, đống nghề thì chết.

PHÓNG VIÊN:

- Làm tranh khắc gỗ có khó không ạ?

NGHỆ NHÂN:

- Sao lại không khó? Nhiều công đoạn lắm anh ạ. Trước hết là vẽ mẫu, sau đó khắc ván, in tranh, tô màu... Tất cả mọi việc đều phải học.

PHÓNG VIÊN:

 - Thưa cụ, cụ học làm tranh với ai ạ?

NGHỆ NHÂN:

 - Cha tôi. Thực ra ông cụ cũng không dạy nhiều, chỉ sai tôi làm. Cha tôi bảo gì tôi làm nấy, đủ thứ việc, rồi dần dần thành nghề. Tranh làm đến đâu bán hết đến đấy. Chỉ khi nào gặp phải năm mất mùa thì mới bán chậm thôi.

PHÓNG VIÊN:

- Thế bây giờ nghề tranh có phát đạt như xưa không ạ?

NGHỆ NHÂN:

- Không đâu, ngày xưa mười phần thì bây giờ vài ba phần. Bọn trẻ có những thú vui khác, chúng xem tranh Đông Hồ làm gì.

PHÓNG VIÊN:

- Nghề tranh này có nhiều bí quyết không ạ?

NGHỆ NHÂN:

 - Bí với quyết gì, quan trọng là phải thật sự say mê với nghề nghiệp, chăm chỉ học hỏi thì sẽ có tranh đẹp.

PHÓNG VIÊN:

- Thưa cụ, khi vẽ tranh, cụ thích đề tài nào nhất?

NGHỆ NHÂN:

- Đề tài của tranh Đông Hồ thì nhiều lắm, nhưng đề tài mà tôi thích nhất là các loài vật.

PHÓNG VIÊN:

- Thưa cụ, cụ cho cháu xem vài bức tranh của cụ được không ạ?

NGHỆ NHÂN:

-  Vâng, anh đợi tôi một chút.

 

Bảng từ

nghệ nhân

dân gian

không dám

khắc

công đoạn

 

tô mầu

mất mùa

phát đạt

bí quyết

 

 II. Chú thích ngữ pháp

 

1.

sao lại không +

tính từ

động từ

 

Cụm từ nghi vấn, thường được dùng trước động từ hoặc tính từ, trong câu hỏi thiếu chủ ngữ để khẳng định tuyệt đối.

Ví dụ: - sao lại không khó?

 = Chắc chắn rất khó.

2.

A với B gì

 

Kết cấu này thường dùng trong khẩu ngữ để phủ định, trong đó A và B là hai yếu tố của một từ ghép.

Cách tạo kết cấu gồm hai bước:

a. Bước một: phủ định bằng từ

Ví dụ: - Bí quyết  → Bí quyết

            (= không có bí quyết).

b. Bước hai: tách hai yếu tố của từ (bí - quyết) và xen vào giữa từ với.

Ví dụ: - Yêu đương →  Yêu với đương !

          - Bệnh tật  → Bệnh với tật ?

3.

Câu + làm gì

 

Cụm từ dùng ở cuối câu biểu thị ý phủ định, có nghĩa không muốn, không nên, không cần. Nó thường được dùng trong khẩu ngữ.

Ví dụ: - Trời nắng to thế này, mang áo mưa làm gì.

          = Trời nắng to thế này, không cần mang áo mưa.

4.

Động từ + phải

Phải dùng sau động từ để chỉ hành động trước đó là hành động có kết quả tiêu cực, không như mong muốn của người nói.

Ví dụ: - Nó bị đau bụng vì ăn phải thức ăn hỏng.

            (Nó bị đau bụng = kết quả tiêu cực).

5. Một số từ chỉ số lượng không chính xác: già, ngót, non, trên, dưới, vài, dăm...

Ví dụ:

- già nửa cân = hơn 500 g.

- ngót nửa cân = dưới 500 g.

- ngoài 60 tuổi = 60 - 65 tuổi

III. Bài luyện

1. Trả lời các câu hỏi dưới đây bằng kết cấu "sao lại không (...)?"

Mẫu: - Anh có ăn cơm không?

→ - Sao lại không ăn?

a. Anh có ăn cơm không?

……………………………………………………..

b. Hình như anh không thích nhạc cổ điển thì phải?

……………………………………………………..

c. Món ăn Việt Nam có ngon không nhỉ?

……………………………………………………..

e. Không biết là trời có mưa hay không?

……………………………………………………..

f. Anh có muốn đi chơi với tôi không?

……………………………………………………..

h. Ngày mai chị có đi viện bảo tàng không?

……………………………………………………..

2. Chuyển những câu sau sang kết cấu "(...) làm gì”

Mẫu:

 - Anh không nên mắng nó, vì nó không hiểu được.

 → Anh mắng nó làm gì.

a. Anh không nên đánh nó.

b. Đừng đi xem phim nhé!

c. Trời mát, không cần mang mũ đâu.

d. Anh không nên đi chơi với cô ấy, cô ta không tốt đâu.

e. Đừng ăn món này, dở lắm.

f. Đừng mua cái đồng hồ ấy.

g. Trời sắp mưa rồi, không cần tưới cây nữa.

h. Hôm nay là chủ nhật, không cần dậy sớm.

i. Nhà còn nhiều thức ăn lắm, không cần phải đi chợ.

k. Không nên lấy chồng sớm.


3. Dựa vào các từ gợi ý, hãy dùng kết cấu “A với B gì!”  để phủ định các dự đoán dưới đây:

Mẫu:

 - Cô Lan yêu anh Trung phải không? (yêu đương)

 → Yêu với đương gì!

a. Sao cậu mệt mỏi thế? Tối qua đi chơi khuya à? (chơi bời)

…………….. ! Tối qua tớ phải học thi.

b. Lại viết thư cho người yêu đấy à? (thư từ)

…………….. ! Viết đơn xin việc.

c. Cường bị ốm hả các bạn? (ốm đau)

…………….. ! Nó giả vờ ốm để trốn học đấy.

d. Lúc nào cô ấy cũng có vẻ buồn. (buồn bã)

…………….. ! Cô ấy bị đau dạ dày.

e. Cái Mai chăm thật. Hôm qua 12 giờ vẫn ngồi học. (học hành)

Nó đọc truyện đấy, ............................. !

f. Em ơi đừng giận anh nữa ? (giận dỗi)

…………….. !

4. Chọn trong số các từ cho sẵn và điền vào các câu dưới đây sao cho hợp lý:
 

lấy phải

mua phải

xem phải

 

gặp phải

uống phải

ăn phải

a. Tôi .................... sữa quá hạn nên bị đau bụng.

b. Cô ta ..............:..... chồng lười.

c. Hôm qua bà Ba đi chợ, .................... hàng giả.

d. Khi đi thi, sinh viên .................... một đề thi khó.

e. Tôi .................... ớt nên bị cay.

f. Anh ta .................... bộ phim dở.

5. Hãy chọn các từ chỉ hướng thích hợp vào các câu sau:

a. Người Việt Nam hay ........... chùa ngày mồng một hàng tháng.

b. Bọn trẻ thích .................... sân thượng vì ở đó rất mát.

c. Dân tộc ấy sống trên đỉnh núi. Thỉnh thoảng họ .................... núi để mua hàng hóa.

d. Muốn đi tiếp, đoàn thám hiểm phải tìm cách vượt .................... một con sông hung dữ.

e. Hôm nay Nam .................... sân bay để tiễn bạn.

f. Sáng chủ nhật gia đình tôi thường .................... nhà thờ.

g. - Linh đâu rồi.

- Nó .................... trường rồi

h. Trước khi đi Mỹ, hai người ghé .................. Bangkok vài ngày.

i. Con gái đã ................... phòng từ nãy, còn con trai thì đi……….... sân.

k. Sau một thời gian bị lạc trong hang, cuối cùng thì khách du lịch cũng tìm thấy lối ....................

l. Mẹ .................... bếp để nấu cơm.

m. Nó leo ................... gác xép để tìm đồ chơi.

n. Đang ngồi trên bờ, con ếch bỗng nhảy .................... ao.

o. Anh ấy chỉ .................... nhà một lúc rồi đi ngay.

6. Hãy thay thế các số từ chính xác bằng các từ chỉ lượng không chính xác:

Mẫu:

 - Họ ở Hà Nội hai ngày.

 → Họ ở Hà Nội một vài ngày.

a. Họ ở Hà Nội hai ngày.

b. Tôi vào hiệu sách và mua bốn quyển sách.

c. Trên cành cây có ba con chim.

d. Chỉ có khoảng mười người trong phòng họp.

e. Sáu cái xe máy để ở vỉa hè.

f. Tôi mua 0,6 kg cam.

g. Ở đây có 0,9 tấn thóc.

7.Sắp xếp những từ dưới đây thành câu đúng:

a. tha hồ / nghỉ hè / học sinh / rồi / chơi / sắp

b. mặc dù / 70 tuổi / làm / ông / quá / tranh / những / tuyệt vời / đã / khắc gỗ / được / vẫn / bức

c. bạn tôi / mà là / mặc / cô gái áo / không phải là / xanh / em gái tôi /kia

d. gần đây / được / đã / Việt Nam / nhiều người / tranh / thích

e. khai mạc / họa sĩ / vào lúc / triển lãm / bắt đầu / sáng mai / cuộc / tranh / Đỗ Tấn / 8 giờ 30 / của / sẽ .

IV. Bài đọc

Tranh Đông Hồ

 

Tranh Đông Hồ là một loại tranh dân gian ở Việt Nam. Quê hương tranh Đông Hồ là làng Hồ, tỉnh Bắc Ninh. Ở nước Việt Nam có nhiều nơi làm tranh khắc gỗ nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tranh Đông Hồ. Thời thịnh đạt nhất của nó là vào thế kỷ XVII, XVIII Tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh Tết vì được làm và bán nhiều nhất vào dịp Tết ở khắp mọi nơi, nhất là ở các chợ quê. Người nông dân mua tranh về, treo lên tường, ngắm tranh Tết và mơ ước một năm mới tốt lành.

Mỗi tờ tranh khắc gỗ là kết quả của một quá trình lao động phức tạp, nào là vẽ mẫu, khắc mẫu, nào là in tranh, tô màu… Mỗi công đoạn là một quá trình nhỏ nhưng hết sức công phu, trong đó công đoạn vẽ mẫu là quan trọng hơn hết. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì vẽ mẫu là sáng tạo. Trong nhiều trường hợp, tranh mẫu không phải là sáng tạo riêng của nghệ nhân mà còn là kết quả góp ý của quần chúng. Bản thảo tranh mẫu thường được dán lên tường nhà của người sáng tác để mọi người trong làng có dịp xem khi họ vào chơi nhà. Những lời góp ý về nội dung và hình thức của tranh giúp tác giả có thể sửa chữa tranh mẫu trước khi in.

Tranh mẫu thường được vẽ bằng bút lông và mực nho trên giấy mỏng để có thể nhìn thấy hình vẽ ở mặt phía sau tờ giấy. Sau đó tranh sẽ được khắc lên gỗ. Dựa vào hình vẽ ở mặt trái tờ tranh, người thợ khắc sẽ thể hiện hình vẽ lên mặt gỗ bằng mũi dao.

Nguyên liệu để in tranh đều có sẵn trong thiên nhiên, vừa rẻ vừa độc đáo. Giấy in tranh là loại giấy mỏng, thường được làm từ vỏ cây dó mọc trong rừng. Màu dùng để in tranh toàn là màu nội địa, pha chế kiểu thủ công, cổ truyền lấy từ thảo mộc hoặc khoáng sản.

Vì đối tượng phục vụ chủ yếu là nông dân nên những nhân vật trong tranh Đông Hồ đều là những sự vật rất quen thuộc và gần gũi với người nông dân như con cá, con lợn, con mèo, con chuột... Ngoài ra, tranh Đông Hồ còn là loại tranh để chúc mừng năm mới, tranh sinh hoạt văn hóa dân gian, tranh lịch sử...

Ngày nay, tuy không còn phổ biến như xưa, nhưng tranh Đông Hồ vẫn được coi là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và giàu tính truyền thống của người Việt Nam.

Bảng từ

thịnh đạt

góp ý

quần chúng

bản thảo

nội dung

hình thức

bút lông

mực nho

 

giấy dó

mũi dao

vỏ cây

pha chế

cổ truyền

thảo mộc

khoáng sản

 

V. Bài tập

 

1. Dựa vào bài đọc trả lời những câu hỏi sau (chọn một khả năng đúng trong ba khả năng của câu hỏi):

a. Tranh Đông Hồ là .....................

A. Tranh sơn mài

B. Tranh lụa

C Tranh khắc

b. Làng Hồ nằm ở ........:............ Việt Nam.

A. Miền Tây Nam Bộ

B. Miền Bắc Trung Bộ

C. Miền Bắc

c.Tranh Đông Hồ được gọi bằng những tên sau đây, ngoại trừ…………………

A. Tranh cổ điển

B. Tranh dân gian

C Tranh Tết

d. Chủ đề chính của bài đọc này là ........................

A. Làm tranh Đông Hồ khó hay dễ?

B. Tranh Đông Hồ - một loại tranh dân gian đặc sắc

C. Tại sao người Việt gọi tranh Đông Hồ là tranh Tết?

e. Khi vẽ tranh mẫu, người vẽ ..........::...........:.

A. Không muốn ai biết ông ta làm gì

B. Chỉ cho gia đình xem tranh

C. Muốn tất cả mọi người góp ý

2. Hãy tìm từ trái nghĩa với những từ sau:
 

quần chúng

treo lên

năm mới

dán

phức tạp

 

công phu

mỏng

quen thuộc

mặt sau

phẳng

cổ truyền

mặt trái

chặt

có sẵn

độc đáo

mềm

 

3. Hãy dùng những từ đã cho để điền vào các câu sau cho thích hợp:
 

công phu

kinh đô

thủ công

pha chế

độc đáo

bút lông

mực nho

góp ý

 

a. Ở quán rượu này, người ta ....................... rượu rất ngon.

b. Huế vốn là ....................... của nước Việt Nam.

c. Để làm xong một tranh khắc gỗ, người thợ phải thực hiện quá trình lao động rất……..................

d. Các kỹ sư ....................... cho đề án mới của giám đốc.

e. Người nước ngoài rất thích các sản phẩm ....................... cổ truyền của Việt Nam.

f. Khi viết chữ Hán, dùng ....................... và ....................... là phù hợp nhất.

g. Trong công ty, anh ấy luôn được khen thưởng vì có nhiều sáng kiến .....................

4. Dựa vào bài đọc, hãy trả lời những câu hỏi sau:

a. Tranh Đông Hồ có vị trí như thế nào trong số các loại tranh dân gian Việt Nam?

b. Tại sao tranh Đông Hồ được gọi là tranh Tết?

c. Bạn biết gì về các công đoạn làm tranh Đông Hồ?

d. Tại sao người vẽ tranh dán tranh mẫu lên tường?

e. Tranh Đông Hồ thường vẽ về đề tài gì?

5. Hãy nghe cuộc nói chuyện trong băng và trả lời các câu hỏi sau sound.gif

a. Cuộc nói chuyện xảy ra ...................

A. Ở trường đại học

B. Ở công ty

C. Trên điện thoại

b. Mary bị ........................
 

A. Đau tai

B. Viêm họng

C. Đau dạ dày

c. Mary muốn ........................

A. Trả sách cho Kim

B. Nhờ Kim mua hộ quyển sách

C. Mượn Kim quyển sách

d. Bìa của quyển sách có màu ........................

A. Xanh lam

B. Xanh lá cây và trắng

C. vàng và xanh lá cây

e. Ai đến nhà ai?

A. Mary đến nhà Kim

B. Kim đến nhà Mary

C. Hai người cùng đến trường

6. Hãy tóm tắt bài nghe theo ý của bạn.

7. Nghe bài về “Bà già kể chuyện bằng tranh” sound.gif

a. Bà Thi sinh năm nào?

b. Khi bắt đầu vẽ tranh, bà bao nhiêu tuổi? Đó là năm nào?

c. Khi bà 30 tuổi, sự kiện gì xảy ra?

d. Tại sao bà Thi bắt đầu vẽ tranh?

e. Đề tài các bức tranh của bà là gì?

f. Tại sao mọi người thích tranh của bà?

g. Cuộc triển lãm tranh của bà được tổ chức ở đâu? Khi nào?

VI. Bài đọc thêm

 

Có một “Gallery Daewoo”

Từ thượng tuần tháng 7/ 1997, triển lãm nghệ thuật mang tên “Khát vọng” do khách sạn Daewoo cộng tác với Gallery Nam Sơn giới thiệu nhóm sáu họa sĩ tại một phòng loại đẹp nhất ở khách sạn Daewoo. Người được coi là quan trọng nhất trong sáu họa sĩ này là Thành Chương. Họa sĩ cho rằng: Với định kỳ mỗi tháng một lần triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, Daewoo sẽ làm được việc giới thiệu và chứng minh điều gọi là: Trường phái hội họa Việt Nam vốn đang được báo chí nước ngoài tán dương.

“Gallery Daewoo” thực chất là một hợp tác lâu dài giữa khách sạn Daewoo vốn có tiếng là một khách sạn nghệ thuật, và Gallery Nam Sơn, Gallery duy nhất trực thuộc Bộ Văn hóa. Thông qua Nam Sơn, Daewoo muốn giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ trẻ đang gặt hái nhiều thành công, ít nhiều nổi tiếng. Hội đồng thẩm định tranh của Daewoo mang tầm cỡ quốc gia và đây là một hoạt động thường xuyên của Daewoo ở hàng chục nước mà tập đoàn Daewoo có mặt.

Cũng theo họa sĩ Thành Chương, hiện nay tranh của  họa sĩ Hà Nội đang được các nhà sưu tập tranh nước ngoài tìm mua nhiều. Anh giải thích ở đâu thì thủ đô cũng là nơi tập trung tinh hoa sáng tác của giới văn nghệ (…). Tuy nhiên, rõ ràng có cái gọi là “hội họa miền Nam” , “hội họa miền Bắc” với những đặc trưng rêng. Hội họa phía Nam, tiêu biểu là Sài Gòn, gần với phương Tây hiện đại, còn Hà Nội gắn bó và đề cao bản sắc dân tộc. Nói chung các họa sĩ trẻ thành đạt hiện nay đều biết dựa vào gốc gác dân tộc Việt Nam, dựa vào kiến trúc  cổ, các dòng tranh dân gian truyền thống… để tạo ra nét đặc sắc riêng cho tranh của mình. 

VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ:

 

1.      Một nghề thì sống, đống nghề thì chết.

Câu này khuyên mọi người nên học thật giỏi một nghề thì tốt hơn là biết nhiều nghề nhưng khôn thạo nghề nào.

Ví dụ: - Anh ấy có ít thì giờ mà vừa học tiếng Anh, vừa học thêm tiếng Việt thì sai lầm. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết, anh nên chọn một tiếng mà học thật giỏi thì tốt hơn.

2. Cắm đầu cắm cổ

Thành ngữ này nghĩa là rất chú ý, rất tập trung vào một công việc nào đó, đến nỗi quên hết cả các việc khác.

Ví dụ:

 - Sắp đến giờ thi rồi mà anh ấy vẫn cắm dầu cắm cổ học.

- Anh ấy cắm đầu cắm cổ vẽ mấy tuần rồi mà vẫn chưa xong bức tranh ấy.

3. Đặt điều

Từ này nghĩa là nói ra việc không có thật. Người nói tự nghĩ ra chuyện để nói xấu người khác.  

Ví dụ:

- Nó còn bé mà cũng biết đặt điều.

- Cô ấy giận đỏ mặt khi nghe tin có người đặt điều cho mình.

 

 


Attachment files:

Related news:
Created by admin
Last modified 09-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin