Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Monday, 23/12/2024 7:2

Bài 16. Thiên tai và môi trường


                                                       I. Hội thoại: sound.gif
 

PARK:

- Anh Nam ơi, nghe nói trước đây các dân tộc thiểu số Việt Nam có tập quán du canh du cư. Đó là tập quán gì vậy?

NAM:

- Anh đang nghiên cứu về các dân tộc Việt Nam mà chưa biết tập quán này à?

PARK:

- Tôi chỉ sưu tầm âm nhạc dân tộc chứ có tìm hiểu cuộc sống của họ đâu.

NAM:

- À, thế mà tôi cứ tưởng đó là một thói quen của đồng bào miền núi tồn tại lâu đời lắm rồi. Họ làm nông nghiệp nhưng công việc trồng trọt thường không cố định ở một nơi. Họ phá rừng để lấy đất trồng trọt nhưng chỉ trồng ở đó một vài vụ. Khi thấy đất bạc màu, họ lại đi nơi khác, chặt cây, phá rừng, khai phá một vùng đất khác. Cuộc sống của họ do vậy cũng không ổn định, nay đây mai đó.

PARK:

- Thảo nào rừng mỗi ngày một ít đi.

NAM:

- Thế mà nhiều người không chú ý đến điều đó. Nó không gây ra những hậu quả trước mắt mà. Ở Việt Nam, khi diện tích rừng chưa được quản lý thì người ta khai thác rất là tùy tiện. Chỉ từ khi có sắc lệnh bảo vệ rừng thì tập tục này mới giảm dần.

PARK:

- Sao người ta có thể vô ý thức thế nhỉ?

NAM:

- Du canh du cư thì đỡ rồi nhưng nạn chặt phá rừng vẫn còn nhiều lắm. Ở một số vùng vì cuộc sống của nhân dân quá khó khăn nên họ bất chấp pháp luật, thản nhiên vào rừng chặt cây lấy gỗ, săn bắn chim, thú quí để buôn bán kiếm lời. Cứ khai thác kiểu này thì một số loại chim quí ở Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng mất.

PARK:

- Nhưng Việt Nam đã tham gia công ước về việc cấm săn bắt và buôn bán các sinh vật quí nên chính phủ Việt Nam đã ngăn cấm triệt để việc ấy rồi cơ mà.


NAM:

- Thế mà một số người vẫn không nghe đấy. Họ không chịu để mất đi nguồn lợi của mình mà. Ngoài mặt họ ra vẻ tuân thủ luật pháp nhưng thực ra thì vẫn lén lút buôn bán. Và khi bị bắt thì tỏ vẻ vô tội.

PARK:

- Thế chính phủ vẫn chịu để họ làm như vậy, không có biện pháp gì có hiệu quả à?

NAM:

- Chúng tôi bây giờ đang áp dụng rất nhiều biện pháp như tổ chức các đội kiểm lâm có nghiệp vụ, ban hành luật lệ xử phạt và khen thưởng, và quan trọng nhất là phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường đến những người dân thường để họ thấy được tác hại của những việc đó.

PARK:

- Thảo nào tôi thấy ti vi tối nào cũng có chương trình năm phút dành cho môi trường. Tôi còn được xem một số lần người ta thả các con vật đã tịch thu của bọn buôn lậu, để chúng trở lại rừng quốc gia. Trông những con vật ấy có vẻ rất đáng thương. Vậy mà người ta nỡ bắt nhỉ.

 

Bảng từ


tập quán
đồng bào
vụ
bạc màu
hậu quả
khai thác
tùy tiện
sắc lệnh
ban bố
bất chấp
chặt
săn bắt


kiếm lời
tuyệt chủng
công ước
triệt để
tuân thủ
lén lút
vô tội
kiểm lâm
tác hại
tịch thu
buôn lậu

 

II. Chú thích ngữ pháp:

1.  

    Có vẻ,  tỏ vẻ,  tỏ ra,  ra vẻ  +  tính từ

Nhóm từ biểu thị vẻ bề ngoài của người hoặc sự vật, dùng trước tính từ và một số động từ như thích, muốn, cần, hiểu, suy nghĩ.

a. Có vẻ

Biểu thị suy nghĩ của người nói về vẻ bề ngoài của người hoặc vật khác nhưng chưa chắc chắn.

Ví dụ:

- Cái bàn này có vẻ tốt.
- Anh ấy có vẻ khỏe.

b. Tỏ vẻ, tỏ ra

Biểu hiện bằng nét mặt, cử chỉ hoặc một vẻ bên ngoài để người khác thấy rõ thái độ của mình (có thể thật hoặc không thật).

Ví dụ:

- Ông ấy tỏ ra khỏe để mọi người yên tâm.
- Khi tôi nộp báo cáo, ông giám đốc tỏ vẻ hài lòng.

c. Ra vẻ

Giống như tỏ vẻ, tỏ ra nhưng thường để biểu thị tâm trạng, thái độ không thật.

Ví dụ:

- Cô ấy ra vẻ không chú ý đến anh ấy.
- Anh ấy không hiểu nhưng ra vẻ hiểu.

2.

Chủ ngữ

+

 trót
lỡ
nỡ
thản nhiên

+


động từ
 

Nhóm từ này biểu hiện thái độ của người nói trước một hành động.

a. Trót, lỡ

Biểu thị ý ân hận sau khi làm một việc gì đó (thường là không tốt) nhưng không phải do cố ý.

Ví dụ:

- Hôm nay em trót dậy muộn nên không thể đến đúng giờ học được.
- Con lỡ làm vỡ cái bát ấy rồi.

b. Nỡ

Nghĩa là dám làm một việc mà những người có lương tâm không làm.

Ví dụ:  - Anh ấy là người không tốt. Anh ấy nỡ bỏ bạn bị thương ở lại giữa rừng và đi về một mình.

c. Thản nhiên

Làm một việc (thường là không tốt) với thái độ tự nhiên.

Ví dụ: - Anh ấy thản nhiên ra khỏi phòng mà không tắt đèn.

3. Thảo nào

Tổ hợp biểu thị mối quan hệ nguyên nhân - kết quả, giống như "vì A nên B" nhưng thường dùng để nối 2 vế câu trong hội thoại.

Ví dụ:

a - Nó rất hư, thảo nào bố mẹ nó buồn.
b - Bố chị ấy là nhạc sĩ nổi tiếng.
   - Thảo nào chị ấy chơi đàn rất hay.

III. Bài luyện 

1. Dùng “có vẻ” để đặt câu với các cụm từ dưới đây:

a. Cái ô tô này
b. Quyển sách ông ấy viết
c. Cô ấy
d. Xe máy của tôi
e. Nét mặt chị ấy
f. Phòng này
g. Giám đốc của anh
h. Cậu bé này
i. Bà ấy
k. Vấn đề này

2. Viết tiếp các câu sau theo mẫu:

Mẫu: Nó rất đau chân nhưng ra vẻ không đau.

a. Cô ấy không thích món ăn này ..............................

b. Nó không hiểu bài ..............................

c. Chị ấy thích anh ấy ..............................

d. Anh ấy nghèo nhưng ..............:............... . .

e. Em ấy học kém ..............................

f. Ông biết tôi nói dối ..............................

3. Chọn “tỏ ra”, “có vẻ” để điền vào các câu sau:

a. Nó thích cái ô tô đấy lắm nhưng biết mẹ không có tiền nên nó .................. không thích.

b. Dạo này trông chị ấy ......................... buồn nhỉ.

c. Chị ấy buồn nhưng cứ ..................... vui vẻ.

d. Cái quạt ấy hơi cũ nhưng ........................ vẫn tốt.

e. Quyển sách này ........................ không hay hay sao mà ít người mua thế?

f. Ông ấy lúc nào cũng.........................?

4. Dùng “thảo nào” để nói: 

Mẫu: - Cô ấy giận anh đấy.

         - Thảo nào cô ấy không gọi điện cho tôi.

a. Bà ấy đang có chuyện buồn.

.....................................................

b. Anh Tâm sắp lấy vợ.

.....................................................

c. Hôm qua tôi phải đi suốt ngày.

........................................................

d. Giáo sư giảng bài rất hay.

.....................................................

e. Người ta dự báo rằng ngày mai cơn bão số 3 sẽ vào Hà Nội.

.....................................................

f. Cái ghế này bị hỏng rồi.

.....................................................

g. Anh Văn học giỏi nhất lớp đấy.

..................................................... 

5. Dùng “trót” hoặc “lỡ” chuyển đổi các câu sau: 

Mẫu: - Anh rất ân hận vì đã không đến đúng hẹn.

     → - Anh rất ân hận vì đã lỡ không đến đúng hẹn.

a. Em rất ân hận vì đã nói dối anh.

b. Thưa cô, hôm nay em rất ân hận vì đã không làm bài tập.

c. Anh rất ân hận vì đã mắng oan em.

d. Tôi rất ân hận vì đã làm mất hai quyển sách của thư viện.

e. Bà ấy rất ân hận vì đã làm nó buồn.

f. Tôi rất ân hận vì đã làm vỡ cốc.

g. Em rất ân hận vì đã trách móc người yêu trước khi anh ấy đi xa.

h. Ông ấy rất ân hận vì đã đổ lỗi cho người khác. 

6. Chọn một trong những khả năng đúng để điền vào chỗ trống trong các câu sau: 

a. Anh ấy là người cuối cùng ra khỏi lớp mà ............................. không tắt đèn, không khóa cửa. (lỡ / thản nhiên)

b. Nó còn rất nhỏ mà anh ấy ........................ đánh nó. (trót / nỡ)

c. Tôi không ........................ để nó đi một mình nên đã cùng đi với nó. (trót / nỡ)

d. Hôm qua anh ........................ nói dối em. Đừng giận anh nhé. (lỡ / thản nhiên)

e. Nghe tin mẹ bị ốm nặng mà anh ấy vẫn ......................... ngồi làm việc. (nỡ / thản nhiên)

f. Tôi ......................... làm cháy món cá rồi. Làm thế nào bây giờ. (lỡ / thản nhiên)

g. Có một bệnh nhân cần cấp cứu, thế mà cô y tá vẫn ................ xem báo. (thản nhiên / trót)

IV. Bài đọc

Bão lụt miền Trung

Duyên hải miền Trung Việt Nam từ Nghệ An đến Bình Thuận có hơn 1.500 cây số bờ biển và 100.000 cây số vuông đất tự nhiên. Theo thống kê, ngoài 63% đất đồi núi, miền đất hẹp này chỉ còn khoảng 11% đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Do địa hình nghiêng từ Đông Trường Sơn ra biển, rừng bị phá hủy nghiêm trọng nên các trận bão hàng năm đổ vào đây đều có cường độ mạnh, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống.

Tài liệu của Tổng cục Khí tượng Thủy văn ghi lại trong một trăm năm qua cho thấy mỗi năm có khoảng bảy đến tám cơn bão đổ vào khu vực này, gây mưa lớn. Có thể nêu lại vài con số về tác hại của bão. Cơn bão số 8 (8/95) đã làm chết và bị thương 1.000 người, gây thiệt hại nghiêm trọng về mùa màng và hạ tầng cơ sở. Cơn bão số 2 (5/89) kéo dài hơn 10 tiếng, gây chết và bị thương 560 người, hàng trăm tàu đánh cá bị đắm, hai vạn héc-ta lúa bị hỏng ở Đà Nẵng, thất thu năm vạn tấn lương thực ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Trận lụt đầu tháng 10/93 đã gây thiệt hại rất lớn, cho bốn tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Theo thống kê của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, thiệt hại lên đến 400 tỷ đồng và hàng chục vạn người ở trong cảnh thiếu đói.

Tình hình thiên tai như vậy làm cho miền Trung trở thành vùng nghèo nàn, lạc hậu nhất trong cả nước. Do điều kiện địa hình không thuận lợi nên bão lụt ở miền Trung là điều không thể tránh khỏi nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để hạn chế thiệt hại đến mức tối thiểu? Đồng bào cả nước đã hết lòng ủng hộ miền Trung mỗi khi có bão lớn nhưng đó chỉ là những biện pháp tạm thời. Trước tình hình ấy chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị để tìm hiểu nguyên nhân cũng như tìm những biện pháp tích cực khắc phục hậu quả của bão. Nhiều phương án đã được đề xuất như lập quỹ cứu trợ thường xuyên ở địa phương, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trồng rừng, khuyến khích nông dân mở rộng ngành nghề để không bị phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa...

Mặc dù những giải pháp này không thể thực hiện được ngay, nhưng ai cũng hy vọng rằng trong những năm tới miền Trung sẽ khắc phục được những hậu quả của bão lụt, phát triển ngang bằng các vùng khác trong cả nước.

                                Bảng từ

duyên hải
đất tự nhiên
thống kê
đồi núi
địa hình
cường độ
thiệt hại
Tổng cục Khí tượng Thủy văn
tác hại

hạ tầng cơ sở
đắm
thất thu
lương thực
thiên tai
hạn chế
tối thiểu
tạm thời
phương án

V. Bài tập

1. Trả lời câu hỏi:

a. Tại sao bão lụt đổ bộ nhiều vào miền Trung?

b. Hãy kể một vài dẫn chứng về tác hại của bão?

c. Tại sao bão lụt ở miền Trung là điều không thể tránh khỏi nhưng nhiều hội nghị về bão lụt vẫn được tổ chức?

d. Các hội nghị này đã đưa ra được những giải pháp gì?

e. Thái độ của chính phủ đối với những vấn đề này như thế nào?

2. Dựa vào bài đọc, viết lại những thông tin dưới đây cho đúng:

a. Các trận bão lụt đổ vào miền Trung đều có cường độ mạnh vì rừng ở đây bị phá hủy nghiêm trọng.

b. Các trận bão hàng năm ở miền Trung gây thiệt hại không đáng kể cho sản xuất và đời sống.

c. Theo thống kê, các trận bão chỉ gây thiệt hại về tài sản chứ không gây thiệt hại về người.

d. Mặc dù tình hình thiên tai như vậy nhưng miền Trung vẫn phát triển ngang bằng các vùng khác trong cả nước.

e. Khi miền Trung có bão lớn, đồng bào cả nước không ai giúp miền Trung.

f. Nhiều hội nghị về bão lụt ở miền Trung đã được tổ chức nhưng chưa đề ra được biện pháp nào khắc phục hậu quả của bão.

g. Những giải pháp được đề xuất trong các hội nghị đều bị chính phủ bác bỏ.

3. Bạn hãy xem những từ dưới đây phù hợp với định nghĩa nào?

thất thu
đề xuất

thiên tai
thống kê

khắc phục
dẫn chứng

a. Số liệu về một sự việc, hiện tượng hoặc tình hình nào đó.

b. Đưa tài liệu để chứng minh cho một điều nào đó.

c. Sản xuất, kinh doanh không thu được lợi như mong muốn.

d. Hiện tượng thiên nhiên gây tác hại đến đời sống và sản xuất.

e. Nêu ra, đưa ra một ý kiến hoặc phương án gì đó mới để người khác xem xét.

f. Tìm cách để vượt qua được, thắng được những khó khăn.

4. Điền từ vào chỗ trống:

phòng chống
hư hại
thiệt hại

hết lòng
khắc phục
trợ cấp

đổ bộ
đắm
phương án

a. Cơn bão số 7 (7/ 89) gây ........................ ước tính hai tỷ đồng.

b. Bà ấy bệnh nặng. Mặc dù các bác sĩ .................... cứu chữa nhưng bà ấy vẫn không khỏi.

c. Chúng ta phải tìm mọi cách ........................ khó khăn, giải quyết vấn đề này.

d. Các hội nghị đã đưa ra nhiều ........................ để khắc phục hậu quả của bão lụt.

e. Tàu đang đi trên biển mà gặp bão thì rất dễ ............................

f. Trong trận bão vừa qua, 45 ngàn héc ta lúa đã bị ...................... ở Quảng Nam Đà Nẵng.

g. Năm vừa qua, bao nhiêu cơn bão đã ..................... vào miền Trung?

h. Khi nghe tin có bão, chúng ta phải tích cực ........................

i. Qũy cứu trợ để .................... cho những gia đình gặp khó khăn.

5. Điền từ vào chỗ trống:

từ... ra
với

trong
cho
theo

do
vào

a. Bão lụt gây nhiều thiệt hại ............... sản xuất nông nghiệp.

b. Địa hình miền Trung nghiêng ............... Đông Trường Sơn............. biển.

c. Thiệt hại ............... cơn bão số 5 gây ra lên tới hai tỷ đồng.

d. ............... thống kê của Ủy ban Dân số, trẻ em dưới 14 tuổi ở nước ta chiếm 37%.

e. Tình hình bão lụt và thiên tai làm cho miền Trung lâm............... cảnh nghèo nàn, lạc hậu.

f. ..................sự quan tâm của chính phủ, miền Trung sẽ dần dần khắc phục được hậu quả của bão lụt.

g ................. tương lai, miền Trung sẽ phát triển ngang bằng với các vùng khác.

6. Hãy giải thích một số hiện tượng dưới đây:

bão
lụt
dông

động đất
mưa đá
bão tuyết

núi lửa
hạn hán
sương mù

7. Nghe bài: “Dân số và nạn phá rừng” sound.gif

8. Từ những thông tin trên, bạn hãy cho biết những con số dưới đây là những con số gì?

1,7%- 2%
5 tỷ
6,5 tỷ
50%

34%
3.000 năm
41 triệu tấn

80 triệu tấn
48,3%
29,1%
44%

9. Viết lại bài nghe.

10. Hãy viết về một số tác hại do việc phá rừng gây ra.

VI. Bài đọc thêm 

Rừng xanh kêu cứu 

Cách đây vài triệu năm, khi loài người chưa xuất hiện, rừng xanh bao phủ trái đất. Rừng không những che chở mà còn cung cấp thức ăn và làm sạch nguồn không khí, bảo đảm sự sống cho muôn loài động vật. Biết bao loài sinh vật đã được sinh ra từ các khu rừng rậm. Trải qua thời kỳ nguyên thủy, xã hội loài người bước vào nền văn minh nông nghiệp, rừng vẫn là nguồn của cải vô tận.

Bước sang nền văn minh công nghiệp từ thế kỷ XVIII, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhìn thấy nguồn lợi nhuận lớn từ rừng, con người đã khai thác rừng không thương tiếc. Trước đây diện tích rừng bao phủ 50% lục địa, nhưng trong các thế kỷ qua đã có tới khoảng 1.800 triệu héc-ta rừng bị hủy hoại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này (như sét đánh, núi lửa phun... ) nhưng hơn nửa diện tích mất đi là do con người. Đặc biệt là chỉ trong hai thế kỷ XIX, XX đã có tới 500 triệu héc-ta rừng bị phá hủy.

Với tốc độ phá hủy rừng như hiện nay thì mỗi năm diện tích rừng thế giới sẽ bị thu hẹp khoảng 2 triệu héc-ta. Tốc độ phá rừng ngày càng nhanh vì dân số tăng nhanh, nhu cầu về gỗ rất lớn, không những chỉ để dùng trong xây dựng mà còn là nhiên liệu và nguyên liệu chế biến của gần 20.000 sản phẩm khác nhau.

Việc phá rừng đã gây ra nhiều hậu quả: tàn phá hệ sinh thái tự nhiên làm cạn kiệt nguồn nước, khí hậu trở nên khô nóng, gây ra lũ  lụt, hạn hán.

Việc phá rừng làm cho biết bao giống gỗ quí, cây quí bị phá. Một số loài vật vốn có cuộc sống rừng xanh cũng bị tiêu diệt. Con người đã làm tuyệt chủng khoảng 120 loài động vật, 150 loài chim và 13 loài bò sát. Nhiều loài động vật quí hiếm như sư tử, bò rừng, ngựa rừng ở châu Âu đã bị tuyệt chủng.

Do đó việc bảo vệ rừng và thiên nhiên hoang dại phải là một quốc sách, một công việc sống còn của loài người. Mỗi quốc gia cần có một qui hoạch tổng thể khoa học, vừa khai thác rừng, vừa trồng rừng, vừa bảo vệ và nuôi động vật hoang dại...

Chính nhờ các biện pháp tổ chức này mà nhiều nước công nghiệp đã gây giống lại được cây, con quí hiếm.

VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ 

1. Nói một đằng làm một nẻo

Đằng nẻo đều có nghĩa là đường, "nói một đường làm một đường khác". Thành ngữ dùng để chỉ những lời nói và việc làm không thống nhất với nhau.

Ví dụ:

- Anh ấy hứa cho tôi mượn sách mà lại cho cô ấy mượn, nói một đằng làm một nẻo.

- Bà ấy lúc nào cũng nói một đằng làm một nẻo, không thể tin được.

2. Nay đây mai đó

Cụm từ này dùng để nói về cuộc sống không ổn định ở một nơi luôn luôn thay đổi, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ khác.

Ví dụ:

- Nghề lái xe lúc nào cũng phải nay đây mai đó, không lúc nào được ở gần gia đình.

- Tôi không thích cuộc sống nay đây mai đó.

3. Đáng đời

Khi một kẻ gặp điều không may, người nói cho rằng điều đó xứng đáng với nó thì người ta sẽ nói đáng đời.

Ví dụ:

a - Thằng Long vừa bị tai nạn xe máy đấy.

   - Đáng đời nó. Nó lúc nào cũng phóng như bay ngoài đường.

b - Nó bị mẹ nó mắng đấy, thật đáng đời.

4. Biệt tăm

Tăm là những bọt nhỏ xuất hiện trên nước khi cá thở. Người ta nhìn vào nó thì sẽ biết được cá đi theo đường nào.

Biệt tăm nghĩa là đi mất, không để lại dấu vết gì.

Ví dụ:

- Anh ấy bảo là đi ba tháng là về, thế mà đi biệt tăm.

- Cứ mỗi lần được phép đi chơi là nó đi biệt tăm.

 

 


Attachment files:
Created by admin
Last modified 09-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin