Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 5:27

Bài 9 - Cách nói ngày- tháng- năm


I. Các tình huống hội thoại sound.gif

1. Helen mới sang Việt Nam, muốn biết một số ngày lễ, tết của Việt Nam, Helen hỏi chị Lan, chị Lan trả lời:

- Nhân dân Việt Nam sử dụng cách tính ngày tháng theo dương lịch và âm lịch. Một số lễ hội được tổ chức theo âm lịch, thường là mùa xuân. Ví dụ: Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch. Hội Gióng ngày 9 tháng Tư. Còn ngày tết lớn nhất cuả Việt Nam là Tết Nguyên Đán, thường vào tháng Giêng hoặc tháng Hai dương lịch.

2. Hỏi ngày sinh nhật

Jack: Sắp đến ngày sinh nhật của mình rồi.

Harry: Ngày nào?

Jack: Mồng năm tháng mười hai.

Harry: Thế thì cậu sinh trước mình mười ngày. Mình sinh ngày mười lăm nhưng tháng thì khác.

Jack: Cậu sinh tháng nào?

Harry: Tháng tư.

3. Hỏi về ngày, tháng, năm

Helen: Chị Hoa ơi! Ngày thứ nhất của tháng gọi là ngày mồng một hay mùng một?

Hoa: Gọi mồng một hay mùng một đều được.

Helen: Thế tháng thứ mười hai gọi là gì?

Hoa: Gọi là tháng mười hai hoặc là tháng Chạp.

Helen: Khi nào thì gọi là tháng Chạp hở chị?

Hoa: Khi nói tháng âm lịch thì người ta nói tháng Chạp.

 

                                        II. Ghi chú ngữ pháp

 

1. Một số tên gọi đặc biệt về ngày tháng

 - Tên ngày: các ngày từ một đến mười của tháng có thể gọi theo cách:Ví dụ: mồng một, mồng hai... hoặc ngày 1, ngày 2...

+ Ngày14 của tháng đôi khi có thể gọi là mười tư

+ Ngày 15 của tháng nếu gọi riêng biệt (không nằm trong chuỗi số đếm có thể gọi là Rằm.

- Tên tháng.

+Tên tháng đầu tiên của năm gọi là tháng một hoặc tháng Giêng.

+Tên tháng thứ 4 của năm được gọi là tháng Tư, không gọi là tháng bốn

+Tên tháng 11 của năm gọi là tháng mười một, đôi khi có thể gọi là tháng Một

+Tên tháng cuối cùng của năm gọi là tháng mười hai hoặc là tháng Chạp.

2. Cách viết ngày, tháng, năm trong tiếng Việt

Khác với các nước Âu, Mỹ, người Việt viết ngày, tháng, năm theo thứ tự: ngày, tháng rồi mới đến năm.

Ví dụ: Hà Nội ngày 5 tháng 10 năm 1999

Chú ý: Số của năm có thể chỉ viết và đọc hai số cuối.

Ví dụ : 98, 99...

3. Cách biểu thị các khoảng thời gian trong ngày

Tiếng Việt dùng kết cấu: buổi + sáng (trưa, chiều, tối, đêm) để biểu thị một khoảng thời gian.

Ví dụ: Buổi sáng (khoảng từ 5-6 giờ sáng đến 10 giờ)

Buổi trưa (khoảng từ 11 giờ đến 1 giờ)

Buổi chiều (từ 1 giờ đến 6 giờ)

Buổi tối (6 giờ đến 9 giờ)

Buổi đêm (9 giờ đến sáng).

Tiếng Việt phân biệt khoảng thời gian có ánh sáng ban ngày và khoảng thời gian không có ánh sáng ban ngày bằng cặp từ ban ngày - ban đêm.

Chú ý:

a) Đôi khi người ta cũng dùng cả ban trưa, ban chiều.

b) Nếu ở thời điểm sau mà dùng ban với thời điểm trước thì thời gian sẽ là quá khứ.

Ví dụ: Helen hỏi Jack lúc 14 giờ ngày 5 tháng 10.

- Ban sáng cậu đi đâu?

Thời gian trong câu hỏi này chỉ có thể hiểu là sáng ngày 5-10 (tương đương với sáng nay).

4. Số thứ tự

Số thứ tự đặt sau danh từ. Có 2 cách cấu tạo

a) Danh từ + số đếm.

Ví dụ: (Đồng hồ) loại một, loại hai, loại ba

hạng nhất, hạng nhì, hạng ba

bài một, bài hai, bài ba.

b) Danh từ + thứ + số đếm

Ví dụ: Ngày thứ nhất (của tháng)

Tháng thứ nhất (của năm)

III. Bài đọc sound.gif

sound.gif

1. Thư gửi bạn

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1990.

Julia thân mến,

Thế là mình sang Việt Nam đã được một tháng mười lăm ngày Julia nhớ không, hôm mình đi là 25 tháng 8. Sau gần 30 giờ bay mình đến Băngkok, nghỉ transite ở đó 4 tiếng đồng hồ rồi bay tiếp sang Hà Nội. Mọi việc đã tương đối ổn định.

Mình đã bắt đầu học. Ở đây, năm học mới thường bắt đầu vào tháng 9. Những ngày đầu rất bỡ ngỡ nhưng các bạn Việt Nam rất nhiệt tình nên mình đã quen. Lớp học của mình vui lắm, ở Hà Nội có nhiều học sinh nước ngoài đến học, lớp mình có hai bạn người Anh, một bạn người Mỹ và mình.

Mình đến được một tuần thì được dự ngày Quốc Khánh của Việt Nam. Ngày ấy vui lắm. Buổi sáng, nghỉ học, bọn mình đi chơi. Buổi chiều, bọn mình tham dự mít tinh chào mừng; buổi tối có dạ hội.

Thôi nhé, tạm biệt Julia, hẹn thư sau mình sẽ kể nhiều chuyện. Viết thư cho mình theo địa chỉ: Nhà khách A2, Đại học Bách khoa, Hà Nội, Việt Nam.

                                          Xiết chặt tay bạn.
                                            Thân mến

                                             HELEN

2. Một Ngày làm việc


Hàng ngày, Bill ngủ dậy lúc 7 giờ sáng. Thể dục, rửa mặt, ăn sáng mất khoảng 1 tiếng. 8 giờ, Bill bắt đầu đến văn phòng làm việc.

Công việc của Bill rất bận. Anh nghe điện thoại từ các nơi gọi về, tiếp khách đến làm việc. Việc nào giải quyết được thì anh báo cáo cho giám đốc của mình để giải quyết. 12 giờ Bill nghỉ.

Buổi trưa Bill chỉ nghỉ khoảng 1 giờ 30 phút. Bill thường ăn trưa ở một hiệu ăn bình dân nào đó ở gần cơ quan rồi về văn phòng nghỉ một lát. Giờ làm việc buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30. Công việc của anh như buổi sáng.

Sau giờ làm việc buổi chiều, Bill đi chơi thể thao rồi mới về nhà ăn tối. Buổi tối Bill xem TV hoặc đọc một số sách, báo, tài liệu cần thiết cho công việc của anh. 

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 15-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin