Bài 17 - Trong bưu điện, thư tín
1. Gửi thư ở bưu điện
Jack: Chào chị!
Nhân viên: Chào anh. Anh cần gì ạ?
Jack: Tôi muốn gửi thư này đi Anh.
Nhân viên: Anh có cần gửi bảo đảm không?
Jack: Không cần. Gửi thư thường thôi chị ạ.
Nhân viên: Hết 16.000 đồng anh ạ!
Jack: Vâng, chị cho mua thêm mười phong bì và mười tem gửi trong nước.
Nhân viên: Anh mua phong bì loại nào?
Jack: Loại nào cũng được.
Nhân viên: Tất cả hết 21.000đ.
Jack: Xin gửi tiền chị.
2. Đặt mua báo ở bưu điện
Hellen: Chào anh!
Nhân viên: Chào chị! Chị cần gì ạ?
Helen: Tôi muốn đặt mua báo quý sắp tới.
Nhân viên: Chị muốn mua báo gì ạ? Báo hàng ngày, báo tuần hay tạp chí?
Helen: Anh cho mua các báo hàng ngày: Nhân dân, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, mỗi loại một số. Còn báo tuần thì tôi chỉ mua Văn nghệ và Người Hà Nội thôi.
Nhân viên: Chị ghi tên báo và số lượng vào phiếu này, nhớ ghi rõ họ, tên và địa chỉ chỗ ở để khỏi thất lạc.
3. Gọi điện thoại quốc tế
Harry: Chào chị!
Nhân viên: Chào anh! Anh cần gì ạ?
Harry: Chị cho tôi nói chuyện với Băng Cốc.
Nhân viên: Anh quay số 11 sau đó mới quay số anh cần gọi nhé.
Harry: Vâng.
(Sau 3 phút)
Harry: Xin chị tính tiền.
Nhân viên: 3 phút hết 21 USD.
Harry: Xin gửi chị. Cám ơn chị.
4. Nhận thư
Helen: Chị Lan ơi, em có thư không?
Lan: Hôm nay em không có, chỉ có Harry, vừa có thư lại vừa có cả bưu phẩm nữa.
Helen: Lâu rồi em chẳng nhận được thư của gia đình gì cả.
Lan: Hôm kia em nhận thư của ai?
Helen: Của bạn em chứ không phải thư của bố mẹ.
Lan: Thôi, cứ yên tâm. Chắc các cụ bận. Nhưng mà em có viết thư luôn cho bố mẹ không?
Helen: Có chứ. Tuần nào em cũng gửi thư cho bố mẹ em.
II. Ghi chú ngữ pháp
1. Kết cấu "từ nghi vấn + cũng": dùng để khẳng định một cách chắc chắn dứt khoát.
- Ví dụ: (phong bì loại nào?)
- Loại nào cũng được
- Tuần nào em cũng gửi thư cho bố mẹ em.
Chú ý: Từ nghi vấn trong kiểu kết hợp này có thể là: ai, đâu, gì, thế nào, bao giờ... cũng có thể dùng danh từ, động từ + từ nghi vấn.
Ví dụ: Loại nào cũng được, Tuần nào em cũng đi hoặc Đi đâu cũng thích, Mua gì cũng được...
2. Kết cấu "chẳng (không)... gì cả".
Cũng là một kết cấu dùng để biểu thị ý nghĩa phủ định tuyệt đối (so sánh với không (có) gì... đâu!) nhưng thường dùng khi phủ định vị ngữ.
Ví dụ: - Em chẳng nhận được thư của gia đình gì cả.
- Anh ấy không ăn uống gì cả.
- Mọi người chẳng biết gì cả.
3. "Vừa...vừa..." cặp phó từ đi kèm với động từ, tính từ để biểu thị ý nghĩa song đôi của hai hành động hoặc hai tính chất.
Ví dụ: - Harry vừa có thư lại vừa có cả bưu phẩm nữa.
- Trời vừa mưa vừa gió.
- Anh Jack vừa học tiếng Việt vừa học tiếng Pháp.
4. "Chứ": Liên từ, dùng để nối hai thành phần câu, hai câu có quan hệ loại trừ.
- Thư của bạn chứ không phải thư của bố mẹ.
- Ngày mai chúng ta đi tham quan bảo tàng chứ không phải ngày kia đâu.
- Anh ấy chứ không phải tôi nói điều đó.
Chú ý: Liên từ "chứ" khi đứng ở cuối câu sẽ trở thành ngữ khí từ và vẫn có nghĩa như khi làm liên từ, thường dùng trong câu trả lời khẳng định.
(- Em có viết thư luôn cho bố mẹ không?)
- Có chứ (không phải không).
1. Thư gửi bố
Hà Nội, ngày
Bố kính yêu!
Từ ngày bố đi công tác vào miền
Nhân ngày rỗi rãi con ngồi viết thư cho bố, chắc giờ này bố cũng nhớ chúng con phải không? Con nhớ ngày xưa bố hay cho chúng con đi chơi công viên lắm. Chủ nhật nào bố cũng cho đi. Khi nào bố về bố lại cho chúng con đi chơi nữa nhé! Lúc này, ngồi viết thư con cảm thấy như được đi bên cạnh bố, bố vừa dẫn con đi, vừa kể chuyện cho con nghe. Quanh công viên người đông như hội.
Thôi con dừng bút tại đây, con chúc bố mạnh khoẻ và chúc tất cả các cô bác cùng đi công tác với bố mạnh khoẻ. Khi nào bố về, nhớ mua nhiều quà cho chúng con nhé.
Con gái của bố
Nguyễn Hương Trà
2. Một cuộc dạo chơi
Sáng hôm qua là chủ nhật, chúng tôi rủ nhau đi chơi. Tôi, John và một bạn Việt
Việt dẫn chúng tôi đi quanh Hồ Gươm, còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm. Hồ Gươm rất đẹp, giữa hồ có tháp Rùa rất cổ kính.
Phía bắc hồ là đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc cũng rất cổ kính và rất đẹp. Việt kể cho chúng tôi nghe sự tích Hồ Gươm, giới thiệu cho chúng tôi hiểu về Tháp Bút, về cầu Thê Húc..., những câu chuyện vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa phản ánh truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Sau khi thăm Hồ Gươm chúng tôi đi lên Hồ Tây. Phong cảnh Hồ Tây rất nên thơ. Hồ rộng, vì thế đứng trên bờ Hồ Tây có cảm giác như đứng trên bờ biển. Gió thổi mát rượi. Ở đây, ngày nghỉ có nhiều người đến chơi. Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm. Gần trưa, chúng tôi quay về. Tôi và John mời Việt đi ăn cơm trưa.
Việt dẫn chúng tôi vào một hiệu ăn nhỏ chứ không vào khách sạn, vì ăn ở những hiệu ăn nhỏ vừa rẻ, vừa tiện lợi. Việt gọi mấy món ăn Việt Nam. Món nào John cũng thích.
Thế là chúng tôi đã biết một ít về thủ đô Hà Nội. Việt hẹn khi nào chúng tôi rỗi, Việt sẽ dẫn chúng tôi đi thăm phố cổ của Hà Nội và một số công trình kiến trúc đẹp của thủ đô như Chùa Một Cột, Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh...
Các tin liên quan:
- Bài 1. Chào hỏi (15-07-2008)
- Bài 2: Giới thiệu - làm quen (15-07-2008)
- Bài 3. Quốc tịch, ngôn ngữ (15-07-2008)
- Bài 4. Nghề nghiệp (15-07-2008)
- Bài 5.Tình cảm, bạn bè (15-07-2008)
- Bài 6. Sở thích (15-07-2008)
- Bài 7. Cách nói giờ (15-07-2008)
- Bài 8: Các ngày trong tuần (15-07-2008)
- Bài 9 - Cách nói ngày- tháng- năm (15-07-2008)
- Bài 10 - Các mùa và thời tiết (15-07-2008)
Cập nhật 14-07-2008