Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 10:43

Bài 24. Tình cảm bạn bè, tình cảm trong gia đình


 I. Các tình huống hội thoại  sound.gif

1. Helen đến thăm mẹ Hà, nói chuyện về tình cảm giữa Helen và Hà

HELEN:

Bác ơi! Từ nay con gọi Hà là chị đấy.


MẸ HÀ :


Vì sao thế cháu?


HELEN:


Vì con và Hà kết nghĩa chị em bác ạ.


MẸ HÀ :


Ôi! Thế là từ nay tôi có hai con gái.

HELEN:


Và từ nay, cháu sẽ gọi bác là mẹ. Xin bác cứ coi cháu như con, bác nhé!

2. Giúp đỡ và an ủi bạn

NAM:

Mình phải về quê, cậu đưa giúp mình ra ga được không?


THANH:


Được chứ! Việc gì mà gấp thế?


NAM:


Mẹ mình ốm nặng, mình vừa nhận được điện.

THANH:


Thế thì phải chuẩn bị nhanh lên! Mình sẽ mượn xe máy của Bình chở cậu đi cho nhanh.

NAM:


Không cần đâu, đi xe đạp cũng được vì còn hai giờ nữa mới đến giờ tàu chạy.


THANH:


Cậu định về bao lâu?


NAM:


Còn tuỳ tình hình. Chưa biết được.

THANH:


Cứ yên tâm mà đi
Nam nhé. Hy vọng là cụ sẽ khoẻ thôi. Cho mình gửi lời thăm cụ và gia đình.

3. Đi lễ tết bố mẹ

CHỒNG:


Em đã chuẩn bị món quà gì để ngày mai chúng mình đi lễ Tết bố mẹ chưa?

VỢ:


Đã, em chuẩn bị rồi. Một con gà trống thiến, 1 chai rượu, 5 kg nếp thơm được không anh?

CHỒNG:


Em chu đáo quá. Nhưng nên mua thêm 1/2 kg chè nữa, không thể không có chè. Em nhớ mua chè Thái nhé.


VỢ:


Vâng, chiều em mua.

II. Ghi chú ngữ pháp

1. Nhóm động từ "coi, gọi, cử, bầu"

Khi làm vị ngữ, nhóm động từ này thường có hai bổ ngữ, một bổ ngữ chỉ đối tượng và một bổ ngữ thuyết minh cho đối tượng.

Ví dụ:

- Từ nay con gọi Hà là chị.

 


- Bác coi cháu như con.

 


- Chúng tôi cử anh ấy làm lớp trưởng.

 


- Lớp tôi bầu anh Harry làm đại biểu.

Sơ đồ chung như sau:

gọi X là Y

coi X như Y

cử X làm/là Y

bầu X làm/là Y

Chú ý: Kiểu câu này có thể chuyển sang dạng bị động theo sơ đồ như sau:

X được... gọi là Y

coi như

X được ...cử (bầu) làm/là Y

Ví dụ: 

- Anh ấy được chúng tôi cử làm lớp trưởng.

 


- Harry được lớp tôi bầu làm đại biểu.


hoặc: 


- Anh ấy được cử làm lớp trưởng.

 


- Harry được bầu là đại biểu.

2. Kết cấu "không thể không" dùng để biểu thị sự khẳng định một cách mạnh mẽ, tương đương với kết cấu "thế nào cũng"

Ví dụ:

- Không thể không có chè.

 


- Chúng tôi không thể không về nước.

 


- Anh không thể không biết điều đó.

3. Câu cầu khiến dùng kết cấu "cứ... mà" dùng trong trường hợp cầu khiến một cách thân mật, không có điều kiện

Ví dụ:

- Cứ yên tâm mà đi Nam nhé.

 


- Anh cứ lấy mà dùng!

 


- Bạn cứ đi mà xem!

Chú ý: Có thể chỉ dùng cứ nếu không cần biểu thị ý nghĩa mục đích.

Ví dụ:

- Nam cứ yên tâm!

 


- Anh cứ lấy!

 


- Các bạn cứ tự nhiên!

III. Bài đọc sound.gif

1. Học sinh Việt Nam ở Pháp

Rất nhiều người Pháp tin rằng: học sinh Việt Nam ở Pháp không thể thi hỏng; tất cả các cháu đều được coi là người tài giỏi. Nhưng nói đến thành công của học sinh không thể không nói đến vai trò của bố mẹ. Bố mẹ truyền cho con cái tính ham học sẵn có trong nền giáo dục của họ. Tất cả những người học giỏi đều cho là nhờ gia đình họ mới thành công. Từ khi còn bé, học sinh đã được nghe bố mẹ nói “Học tập, đó là tương lai". Đồng thời gia đình cũng đầu tư rất nhiều cho việc học của con. Việc học tập của con cái là ưu tiên trước nhất của gia đình, trước các tiện nghi sinh hoạt khác.

Đáp lại sự hy sinh của gia đình, con cái coi thành công trong học tập là cách tỏ lòng biết ơn cha mẹ tốt nhất. Vì thế họ dành hầu hết thì giờ vào học tập.

2. Sự tích con chim cuốc

Chuyện kể rằng: Nhân và Quốc là hai người học trò nghèo. Họ thân nhau từ bé và cùng học một thầy ở trong làng. Họ đều mồ côi cha mẹ nên rất thương yêu nhau, chia sẻ với nhau từng miếng cơm, manh áo, săn sóc lo lắng cho nhau. Sau đó họ phải chia tay nhau. Nhân đi làm ăn ở xa, Quốc ở lại quê nhà dạy học.

Nhân làm việc chăm chỉ. Chàng lấy vợ và trở nên giàu có. Nhân luôn luôn nhớ đến Quốc, người bạn thân từ bé. Chàng về quê mời Quốc đến ở với mình. Nhân bảo với vợ: "Đây là người thân nhất của tôi". Vợ Nhân là người đàn bà không tốt, coi của hơn người, lại không sống những ngày nghèo khổ với Nhân nên không hiểu được tình bạn của chồng. Vì thế lúc đầu chị ta im lặng nhưng về sau đòi chồng phải đuổi bạn đi. Quốc hiểu thái độ của vợ bạn nên nhiều lần muốn từ biệt Nhân để ra đi.

Nhưng Nhân nhất định giữ Quốc lại, Nhân bảo bạn: "Cứ ở đây mà nghỉ ngơi, đừng đi đâu cả". Quốc đành phải nghe lời bạn. Một lần, Nhân đi vắng, vợ Nhân xúc phạm đến Quốc. Quốc không thể không từ biệt bạn ra đi. Nhưng vì thương Nhân nên Quốc không nói cho Nhân biết và lặng lẽ bỏ đi từ sáng sớm. Thấy mất bạn, Nhân đi tìm. Chàng đi, đi mãi, đi mãi. Chàng gọi tên bạn "Quốc! Quốc!" cho đến hơi thở cuối cùng. Chàng chết và hoá thành một con chim, tiếp tục băng rừng, đi về phía trước, vừa đi vừa gọi bạn: Quốc! Quốc!

Con chim của tình bạn ấy về sau người ta gọi là chim cuốc.

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 14-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin