Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 14:8

Bài 37. Văn học - lịch sử - ngôn ngữ


I.Các tình huống hội thoại sound.gif

1.Mua sách gì?

Marie Kim:

Em sắp trở lại Pháp, em muốn mua một vài tác phẩm văn học mang về làm kỷ niệm và tặng cho bạn bè. Theo anh, em nên mua những tác phẩm nào?


Ông Ngọc:


Người ta mới xuất bản loại sách bỏ túi, có nhiều tác phẩm rất hay, cô nên mua.


Marie Kim:


Những cuốn nào vậy anh?


Ông Ngọc:


Kiều, 100 bài thơ tình của Xuân Diệu, thơ Nguyễn Bính chẳng hạn.


Marie Kim:


Ồ! Tuyệt quá, ở Pháp, Kiều, thơ tình của Xuân Diệu, nhất là thơ tiền chiến, thơ Nguyễn Bính... ai cũng thích. Em sẽ mua. Thế còn truyện, tiểu thuyết?


Ông Ngọc:


Rất khó nói. Vì mỗi nhà văn đều có độc giả riêng của mình. Cô thích ông nào thì mua sách của ông ấy.


Marie Kim:


Vâng! Nhưng có lẽ em cũng phải tìm mua một số tác phẩm được dư luận chú ý nhiều mới được, để biết thêm về tình hình văn học của nước ta hiện nay.

2. Truyền thống dân tộc.

Harry:

Thưa giáo sư! ý nghĩa câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước" là như thế nào ạ?


Giáo sư Văn:


Có thể nói một cách khái quát như thế này. Suốt bốn ngàn năm lịch sử, từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam luôn phải đương đầu với thiên nhiên, đấu tranh chinh phục thiên nhiên để xây dựng đất nước, đồng thời cũng luôn phải chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Truyền thống dựng nước và giữ nước đó đã được hun đúc và phát huy qua các thời đại. Mọi người, mọi dân tộc sống trên dải đất này đều đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau để chống chọi với thiên nhiên, tạo dựng cơ nghiệp. Nhưng hễ có giặc ngoại xâm thì mọi người lại sát cánh bên nhau, gắn tình làng với nghĩa nước, chiến đấu ngoan cường để bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Người dân Việt
Nam coi trọng đạo lý tình nghĩa trong gia đình nhưng cũng coi trọng đạo lý, tình nghĩa với nhân dân với đất nước. Thời đại Hồ Chí Minh đã phát huy cao nhất truyền thống "trung với nước, hiếu với dân", nhân dân Việt Nam đã kiên cường bất khuất, vượt qua bao gian khổ hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Chính vì thế, Bác Hồ đã nói "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".


Harry:


Xin cảm ơn giáo sư.

3.Làm nghề gì?

Một lần đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) đi thăm nước Phổ. Khi đến biên giới Pháp-Phổ, một nhân viên hải quan nước Phổ hỏi:

- Xin ông cho biết ông làm nghề gì?

- Tôi viết. - Hugo trả lời.

- Tôi muốn hỏi: ông sinh sống bằng nghề gì?

Nhân viên hải quan hỏi lại. Lần này Hugo vẫn đáp gọn lỏn:

- Bằng ngòi bút.

Nhân viên hải quan nọ gật đầu ra vẻ đã hiểu. Sau đó anh ta ghi vào tờ giấy thị thực nhập cảnh: "Hugo - nhà kinh doanh ngòi bút".

II.Ghi chú ngữ pháp

1. Thêm: phó từ, đặt sau động từ, tính từ biểu thị hành động hoặc tính chất còn tiếp tục gia tăng.

Ví dụ:

- Để biết thêm về tình hình văn học...
Ông nên mua thêm mấy cuốn sách này


- Cuộc sống ngày càng khó khăn thêm

Chú ý:

a) Sau "thêm" có thể có "nữa"

Ví dụ:

Ông nên mua thêm mấy cuốn sách này nữa

b) Khi đi kèm với tính từ, "thêm" có thể đặt trước tính từ.

Ví dụ:

Cuộc sống ngày càng thêm khó khăn.

2. Luôn (hoặc "luôn luôn"): phó từ, thường đặt trước động từ để biểu thị hành động xảy ra nhiều lần.

Ví dụ:

- Nhân dân Việt Nam luôn phải đương đầu với thiên nhiên.


- Anh ấy luôn có những ý kiến độc đáo.


- Tôi luôn nhận được thư của gia đình.

Chú ý:

a) Một số trường hợp "luôn" có thể đặt ở cuối câu.

Ví dụ:

- Tôi nhận được thư của gia đình luôn.


- Mari Kim về nước luôn.

b) Có trường hợp "luôn" đặt ngay sau động từ nhưng không biểu thị hành động xảy ra nhiều lần và có ý nghĩa như ngay.

Ví dụ:

- Trời hết mưa là chúng ta đi luôn.

3. Hễ... thì (là): Kết cấu nối hai vế câu có quan hệ điều kiện - kết quả.

Ví dụ:

- Hễ có giặc ngoại xâm thì mọi người lại sát cánh bên nhau.


- Hễ trời hết mưa chúng ta lên đường.


- Hễ có đủ tiền tôi mua xe ngay.

III.Bài đọc sound.gif


1.Sự tích trầu cau

 

Người Việt Nam có tục ăn trầu. Trầu cau hầu như không thể thiếu trong lễ cưới, lễ tang cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Trước kia hễ có khách đến nhà thì đầu tiên chủ nhà mời khách ăn trầu rồi mới nói chuyện. Vì thế mới có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện". Tục ăn trầu gắn liền với một sự tích như sau:

Ngày xưa, trong một gia đình nọ có hai anh em sinh đôi. Người anh tên là Tân, người em tên là Lang. Hai anh em giống nhau như hai giọt nước, đến nỗi rất khó phân biệt ai là Tân, ai là Lang. Họ rất yêu thương nhau. Khi cha mẹ qua đời, họ lại càng thương yêu nhau hơn.

Hai anh em cùng học với một thầy giáo ở trong làng. Họ thông minh và học hành chăm chỉ nên thầy giáo rất yêu quý. Thầy có một cô con gái vừa nết na vừa xinh đẹp. Thầy quyết định gả con gái mình cho người anh.

Từ ngày Tân có vợ, hai anh em vẫn yêu thương nhau nhưng không được như trước. Lang rất buồn. Một hôm hai anh em cùng đi làm. Lang về nhà trước. Lang vừa bước chân vào nhà thì chị dâu ôm chầm lấy vì chị tưởng đó là chồng mình. Đúng lúc ấy thì Tân về. Tưởng em là người xấu, Tân ngày càng xa lánh em. Lang đã buồn lại càng thêm buồn.

Một hôm, nhân khi anh và chị dâu đi vắng, Lang bỏ nhà ra đi. Lang đi mãi, đi mãi. Đến bờ một con sông, đã kiệt sức, Lang ngồi khóc cho đến khi chết và biến thành một tảng đá bên sông.

Tân về nhà, không thấy em, vội chạy đi tìm, không kịp báo cho vợ biết. Tân đi mãi, đi mãi. Anh cũng đến bờ con sông rộng. Không thể qua sông được, Tân đứng bên tảng đá khóc cho đến khi chết và biến thành một cây mọc thẳng đứng.

Ở nhà, vợ Tân không thấy chồng về, nàng vô cùng lo lắng và chờ đợi. Một ngày... hai ngày... Không thể chờ đợi thêm được nữa, nàng đi tìm chồng. Nàng đi mãi, đi mãi. Đến bờ một con sông rộng, kiệt sức, nàng ngồi bên tảng đá, dựa lưng vào cái cây mọc thẳng đứng và khóc cho đến khi chết thì biến thành một cây leo, quấn quanh thân cây này.

Một hôm vua Hùng đi qua đây, thấy có cây lạ, quả lạ bèn sai người hái xuống và ăn thử. Người ta lấy lá cây leo ăn với quả cây mọc thẳng đứng thì thấy cay cay, khi nhai, nước nhỏ xuống tảng đá thì có màu đỏ như máu. Hỏi dân quanh vùng, họ kể cho vua nghe câu chuyện của ba người, và ai cũng thương cảm. Người dân gọi cây mọc thẳng là cây cau, cây leo quấn quanh cây cau là cây trầu. Để ghi nhớ tình cảm gắn bó của ba người, khi có đám cưới hoặc khi có chuyện vui buồn người ta lấy lá của cây trầu ăn với quả của cây cau và một chút vôi làm từ tảng đá. Người Việt Nam có tục ăn trầu từ đó.

2.Thư viện Quốc Gia Việt Nam

Thành lập từ 1919, gọi là thư viện Pière Pasquier, sau đổi tên thành thư viện Trung ương. Năm 1954 chỉ có 18 vạn bản sách báo, hiện nay thư viện có số lượng sách báo lớn nhất trong cả nước có hơn 1 triệu bản sách, vi phim và 7 ngàn tên báo, tạp chí trong và ngoài nước. Thư viện tiến hành trao đổi sách báo quốc tế với hơn 300 thư viện và cơ quan khoa học lớn của gần 100 nước trên thế giới. Nhờ đó, thư viện đã thu thập được hàng chục vạn tài liệu tiếng nước ngoài có giá trị của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Thư viện Quốc Gia ở số 31 phố Tràng Thi, Hà Nội.

 

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 14-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin