Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 2 năm 2021

I. THÔNG BÁO

Xuân Quê hương 2021

Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Xuân Quê hương 2021” dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình sẽ diễn ra từ 20 giờ 10 phút đến 22 giờ ngày 4/2/2021 tại Nhà hát lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 và nền tảng kỹ thuật số VTVgo, vtv.vn, không có khán giả trực tiếp tham dự.

Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở trong và ngoài nước, chương trình “Xuân quê hương 2021” có hình thức tổ chức phù hợp để bà con chung vui đón Tết, đáp ứng lòng mong mỏi của cộng đồng và đồng bào ở nước ngoài, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Chương trình giao lưu nghệ thuật được dàn dựng công phu, ấn tượng với nhiều tiết mục đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, truyền tải không khí đón xuân mới ấm áp, rộn ràng trên khắp mọi miền đất nước với sự thể hiện của các nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và các nghệ sỹ Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu chúc Tết cộng đồng và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong chương trình.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. VTC: Thời gian vừa qua Anh đã chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP sau khi tròn 1 năm rời Liên minh châu Âu (EU). Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin này?

Chúng tôi cũng đã được biết về thông tin này.

Như các bạn đã biết, Hiệp định Đối tác và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về hợp tác của các nước khu vực. Các nước thành viên CPTPP đã thống nhất quy trình gia nhập, theo đó các nền kinh tế quan tâm cần đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp định và quy trình gia nhập này. Anh là đối tác thương mại quan trọng của các nước thành viên CPTPP và trong đó có Việt Nam. Việt Nam ủng hộ Anh tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với khu vực và sẵn sàng chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh.

2. CNA (Đài Loan, Trung Quốc): Đề nghị Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội yêu cầu những người hiện đang cách ly và những người nhập cảnh trong thời gian tới sẽ phải thực hiện việc cách ly tăng từ 14 ngày lên 21 ngày. Liệu trong thời gian tới các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài khi nhập cảnh vào các tỉnh thành ở Việt Nam có phải thực hiện quy định cách ly thống nhất tăng lên 21 ngày hay không?

Các quy định hiện nay về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh Việt Nam là chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp, quản lý và người Việt Nam áp dụng việc cách ly tập trung 14 ngày.

Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện trong cộng đồng và diễn biến phức tạp thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 và Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 22 của Văn phòng Chính phủ ngày 30/01/2021 yêu cầu các địa phương có ca mắc bệnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày.

3. VnExpress: Hôm qua các bộ trưởng Anh và Nhật Bản ra Thông cáo chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng. Anh dự kiến triển khai tàu sân bay tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cuối năm nay, nước này từng nhiều lần để ngỏ khả năng cho tàu sân bay tiến vào Biển Đông. Xin đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam với thông tin này.

Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này.

4. Phoenix: Quan điểm của Việt Nam về việc quân đội Myanmar đảo chính?

Về những diễn biến gần đây tại Myanmar, tôi đã có phát biểu vào ngày 01/02/2021.

Xin nhắc lại, là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

5. Phoenix: Đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ Việt Nam với Đảng và Chính phủ Trung Quốc sau Đại hội XIII thay đổi thế nào?

Như các bạn đã biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Tại Đại hội lần này đã khẳng định Việt Nam kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc, mong muốn quan hệ Việt – Trung luôn phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới.

6. Phoenix: Lưỡng hội Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đề bàn về những chính sách cải cách trong mọi lĩnh vực vào giai đoạn mới của Trung Quốc. Vậy xin hỏi Việt Nam quan tâm những gì ở Lưỡng hội sắp tới?

Theo chúng tôi được biết, kỳ họp lưỡng hội là một trong những hoạt động chính trị quan trọng hàng năm của Trung Quốc. Việt Nam quan tâm và chúc kỳ họp lần này thành công.

7. Zing: Đề nghị bình luận về việc bà Trần Tố Nga (người Pháp gốc Việt) được một tòa án tại Pháp chấp thuận xét xử vụ kiện trong đó bà Nga cáo buộc 14 công ty bán chất độc da cam đã gây ra tổn hại cho bà và các con của bà?

Việt Nam phải chịu hậu quả rất nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da cam/dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. 

Việt Nam cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam.

8. Zing: đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về công hàm hồi cuối tháng 01/2021 của Nhật Bản gửi Liên hợp quốc phản đối một công hàm của Trung Quốc về Biển Đông năm ngoái?

Tôi xin nhắc lại, lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau. Các dân tộc và cộng đồng quốc tế có lợi ích chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Theo đó, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là thiết yếu.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Với tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.

9. Zing: ngày 01/02 vừa qua là ngày mà luật Hải cảnh mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Xin hỏi Người Phát ngôn có bình luận thêm về việc này hay không?

Tôi đã có phát biểu về việc này vào ngày 29/1/2021 vừa qua.

Xin nhắc lại, trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có các hành động gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

10. Tân Hoa Xã: ngày 20/01, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là ông Mike Pompeo đã vu khống các chính sách về Tân Cương của Trung Quốc. Phía Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc này đồng thời nhấn mạnh phản đối thế lực bên ngoài lợi dụng vấn đề Tân Cương nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Nhiều nước cũng đã công khai bày tỏ sự không đồng tình với cách làm nói trên của Hoa Kỳ, và ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Xin hỏi, Việt Nam có bình luận gì về việc này?

Chính phủ Trung Quốc đã thông tin và nêu quan điểm về vấn đề này. Đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

11. DPA: Xin Người Phát ngôn cho biết Quốc hội Việt Nam có tổ chức kỳ họp nào trước khi tiến hành bầu cử vào tháng 05/2021 hay không?

Theo tôi được biết dự kiến Quốc hội Việt Nam sẽ có một kỳ họp vào tháng 03/2021 trước khi tiến hành bầu cử khóa mới.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn