Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 5 năm 2021


I. THÔNG BÁO

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tham gia Hội nghị Kinh tế Ấn Độ IEC do Times Network tổ chức theo hình thức trực tuyến (26/03/2021)

Nhận lời mời của kênh truyền hình Times Network, ngày 26/3/2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng sẽ tham dự Hội nghị Kinh tế Ấn Độ lần thứ 7 với chủ đề “Thập kỷ của Ấn Độ: Cải cách, Triển khai, Chuyển đổi” theo hình thức trực tuyến. Hội nghị Kinh tế Ấn Độ lần thứ 7 tập trung trao đổi về tiềm năng phát triển của Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ nhân dịp kỷ niệm 5 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại phiên thảo luận với chủ đề “Tăng trưởng cộng sinh”.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Sputnik: Ngày 23/3, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trước đó, một số nhà lãnh đạo các nước như Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Slovakia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Xin Người Phát ngôn cho biết liệu các nhà Lãnh đạo Việt Nam có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 hay không? Nếu có thì là vaccine nào và khi nào sẽ tiến hành tiêm?

Trước tiên xin chúc mừng Liên bang Nga đã sản xuất thành công vaccine Covid-19 và phổ biến cho đông đảo người dân.

Nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong đó xác định rõ 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine và giao Bộ Y tế chỉ đạo việc phân bổ vaccine cho các địa phương.

Theo Nghị quyết này, các đối tượng ưu tiên tiêm trước hết là các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, (i) Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch, quân đội, công an; (ii) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; (iii) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…; (iv) Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; (v) Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; (vi) Người sinh sống tại các vùng có dịch; (vii) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; (viii) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; (ix) cuối cùng là các đối tượng do Bộ Y tế kiến nghị và quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Chúng tôi cũng nhận được thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, tính đến ngày 21/3/2021 vừa qua có hơn 35.000 người đã được tiêm vaccine.

2. Tuổi trẻ: Báo chí Philippines cho biết có sự xuất hiện của 220 tàu Trung Quốc tại một khu vực trên biển Đông ngày 07/3 và lo ngại các tàu Trung Quốc sẽ có nguy cơ đánh bắt hải sản quá mức, phá hoại môi trường biển. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết bình luận của Bộ Ngoại giao về việc này?

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS.

Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC).

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

3. Tuổi trẻ: Hiện đang xảy ra tình trạng bài trừ những người gốc châu Á tại Hoa Kỳ và một số nước phương Tây. Xin cho biết Việt Nam có kế hoạch gì để bảo vệ người Việt Nam đang sinh sống ở các nước này?

Bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong đối ngoại của Việt Nam nói riêng cũng như trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung Các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các cơ quan chức năng trong nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thực hiện công tác bảo hộ công dân, đảm bảo an toàn cũng như quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam cũng như các Bộ ngành liên quan thông qua các kênh làm việc khác nhau thường xuyên đề nghị chính phủ, cơ quan chức năng của các quốc gia đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho những người Việt Nam ở nước ngoài có thể sinh sống, học tập, làm việc thuận lợi, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của sở tại; qua đó đóng góp tích cực cho quan hệ giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới cũng như quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và các quốc gia.

Nếu có các thông tin về người Việt Nam bị xâm hại hoặc ảnh hưởng, có thể liên hệ, thông báo qua Tổng đài Bảo hộ công dân của Việt Nam cũng như qua đường dây nóng của các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

4. Tuổi trẻ: Ngày 24/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có bài phát biểu đầu tiên tại Trụ sở chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó nhấn mạnh sự đe dọa quân sự và phi quân sự của Trung Quốc; Nga, Iran và Triều Tiên là những nguy cơ lớn phải đối mặt. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.

Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng cũng như là mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, ở khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên.

Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

5. Tuổi trẻ: ngày 24/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du dài 1 tuần đến Trung Đông nhằm mở rộng và thảo luận các vấn đề về hạt nhân Iran. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này?

Chúng tôi ủng hộ việc cấm một cách toàn diện phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, chuyển giao, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực theo hướng này.

6. Vietnam News: Phản ứng của Việt Nam trước việc một số lãnh đạo thành viên khối ASEAN đang kêu gọi nhóm họp lãnh đạo cấp cao sớm nhất có thể về tình hình Myanmar. Vậy Việt Nam có thể tiết lộ gì về thời gian cuộc họp và thành phần tham dự?

Về vấn đề Myanmar, tôi đã có phát biểu trước đây. Việt Nam quan ngại về tình hình bất ổn, bạo lực và thương vong đối với thường dân ở Myanmar.

Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước thành viên ASEAN khác trao đổi về các biện pháp hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, sớm ổn định tinh hình, đóng góp và xây dựng cộng đồng ASEAN hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

Các đề xuất của các nước thành viên ASEAN sẽ được xem xét theo nguyên tắc và quy trình của ASEAN.

7. Vietnam News: Bình luận của Việt Nam về việc vừa qua Libya bầu Chính phủ lâm thời?

Việt Nam hoan nghênh việc Libya bầu Chính phủ lâm thời nhằm dẫn dắt đất nước hướng đến cuộc bầu cử chính thức vào tháng 12/2021 tức là cuối năm nay và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng Thỏa thuận ngừng bắn ký kết tháng 10/2020 và thời hạn tổ chức bầu cử chính thức.

Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao vai trò hỗ trợ của Liên hợp quốc, Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) và Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế trong ổn định tình hình và tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho vấn đề Libya.

8. Reuters: Theo dữ liệu của trang Maritimes, ở Ba Đầu có tàu hải cảnh của Việt Nam đang xuất hiện, xin Người Phát ngôn bình luận về việc này? Phía Philippines đã gửi phản đối cho Trung Quốc về việc có 220 tàu cá Trung Quốc ở trên vùng biển đó thì Việt Nam đã có động thái tương tự chưa?

Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ, nhiệm vụ như được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982. Quan điểm của Việt Nam về các hoạt động gần đây, các sự kiện gần đây xung quanh khu vực này đã được tôi nêu rõ ngay ở phần đầu của họp báo.

9. Reuters: Trước nguồn cung vaccine thiếu hụt như hiện nay thì Việt Nam có kế hoạch đàm phán mua thêm vaccine Sinovax hay là Sputnik V?

Như các bạn đã biết ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng chống Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước.
Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vaccine và đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX Facility, từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca cũng như vaccine Sputnik V của Nga. Và như tôi đã thông tin trong câu hỏi trước, đến nay đã có khoảng 35.000 người Việt Nam đã được tiêm vaccine.

Ngoài ra Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung vaccine, khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới của các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc… với mục tiêu tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân Việt Nam, để có thể góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong thời gian sớm nhất (có thể là năm 2022) để chủ động nguồn vaccine, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó với đại dịch. Theo tôi được biết đã có 02 loại vắc xin Việt Nam nghiên cứu đã được đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 và quá trình thử nghiệm đang diễn ra theo đúng quy trình và đảm bảo các quy định của Bộ Y tế.

10. Thanh niên: Báo Thanh niên có nhận được đơn xin bảo hộ công dân từ một chủ tàu cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đơn khoảng 6h45 hôm 18/3 tàu cá có số hiệu BV4419TS của anh Trần Hùng Dũng đang bán cá cho tàu BL9333TS do ông Liên Văn Lợi đứng tên thì bị tàu mang số hiệu OPV8001 của Indonesia khống chế và lai dắt về Indonesia. Lúc đó tàu kiểm ngư của Việt Nam có mặt đã đuổi theo để đàm phán can thiệp nhưng tàu của Indonesia vẫn cương quyết đưa 2 tàu Việt Nam với 43 thuyền viên đi. Theo đơn, tàu này đánh lưới tại toạ độ 6 độ vĩ bắc 109 độ kinh đông đã được Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký giấy phép đánh bắt, thuộc chủ quyền Việt Nam, không hề xâm phạm hải phận Indonesia? Xin Người Phát ngôn xác nhận thông tin này và các biện pháp bảo hộ công dân đã được tiến hành như thế nào?

Chúng tôi cũng nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng, vào ngày 18/03/2021, 02 tàu cá Việt Nam mang số hiệu BV 4419 TS (có khoảng 20 ngư dân trên tàu) và BL 93333 TS (có khoảng 12 ngư dân trên tàu) bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ trong khi đang đánh cá tại khu vực đường phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonesia. Tôi cũng nhận được thông tin: các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã tuyên truyền, đề nghị phía Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá.

Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin, đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia liên hệ với các cơ quan chức năng Indonesia yêu cầu cung cấp thông tin, xác minh thông tin, làm rõ vụ việc và yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Ở trong nước, Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ và trao đổi với các cơ quan và các địa phương liên quan để thu thập thêm thông tin để có cơ sở tiếp tục trao đổi với phía Indonesia về vụ việc nói trên, với nguyên tắc làm sao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin.

11. Phoenix: Xin cho biết quan điểm của Việt Nam về mối quan hệ giữa Triều Tiên và Malaysia trong thời gian gần đây?

Chúng tôi cũng đang quan tâm theo dõi vụ việc này.

Chúng tôi mong rằng các bên liên quan sẽ giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, phù hợp với thông lệ cũng như là luật pháp quốc tế.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer