Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 12 năm 2022


I. THÔNG BÁO

1. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các Hội nghị liên quan (từ 02– 06/8/2022)

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia PrakSokhonn (Pờ-rạXộ-khon), từ ngày 02-06/08/2022 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các Hội nghị của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (bao gồm ASEAN+1, ASEAN+3, EAS và ARF), trong đó lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Anh kể từ khi Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự họp Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và Đối thoại với Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền. Với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc PắcGin đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc.

Đây là loạt Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác. Tại Hội nghị AMM-55, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ trao đổi về các ưu tiên hợp tác của ASEAN trong năm 2022, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thảo luận định hướng ASEAN sau năm 2025, ứng phó COVID-19, quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN và  các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan. Trong khi đó, các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác sẽ tập trung đánh giá và định hướng thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, cũng như thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trước loạt Hội nghị này, các Quan chức Cao cấp ASEAN (SOM) sẽ họp trù bị ngày 01/08/2022.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tuổi Trẻ: Ngày 15/7, Cục An toàn hàng hải Hải Nam thông báo cấm tàu bè ra vào một khu vực rộng hơn 60.000km2 để phục vụ tập trận từ ngày 16 – 20/7. Khu vực này nằm chồng lên phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết quan điểm của Việt Nam?

Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được nêu trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 23/6/2022. Một lần nữa, chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Tuổi Trẻ: Đề nghị cập nhật thêm thông tin về hai công dân được cho là Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh bị bắt tại Tây Ban Nha?

Vụ việc hiện vẫn đang trong quá trình điều tra.

Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã liên hệ với cơ quan phụ trách cư trú người nước ngoài của Tây Ban Nha đề nghị hỗ trợ thủ tục thị thực lưu trú cho hai công dân này.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tiếp tục theo dõi sát vụ việc, giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại và công dân, triển khai các biện pháp hỗ trợ công dân theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật sở tại.

3. VnExpress: Đề nghị cho biết về tình hình người Việt tại Sri Lanka cũng như các biện pháp hỗ trợ công dân tại đây?

Trong bối cảnh tình hình Sri Lanka có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã chủ động theo dõi sát tình hình sở tại, yêu cầu cơ quan chức năng Sri Lanka đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân Việt Nam tại địa bàn.

Theo thông tin của Đại sứ quán cho biết, trước đây có khoảng 300 người ở Sri Lanka nhưng hiện nhiều người đã về nước. Đời sống của công dân Việt Nam bị ảnh hưởng do thiếu gas, thiếu điện, thiếu nhiên liệu và giá cả sinh hoạt tăng cao. Đại sứ quán đã thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số trường hợp đặc biệt khó khăn, tổ chức tặng quà, động viên cộng đồng người Việt Nam tại Sri Lanka đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn đồng thời thông báo cho bà con đường dây nóng của Đại sứ quán để liên hệ trong trường hợp cần có sự giúp đỡ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka sẽ tiếp tục duy trì trao đổi với các đầu mối của cộng đồng, lên kế hoạch và kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ bà con trong điều kiện cho phép.

4. AFP: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ đưa Việt Nam cùng một số quốc gia khác vào danh sách các nước mua bán người, và trong báo cáo đó có nói đến việc một số cán bộ ngoại giao tại Ả rập xê út có liên quan việc mua bán người?

Sáng nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã có phát biểu về vấn đề này. Nhân câu hỏi của phóng viên, tôi cũng xin phép được nói về nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam như sau.

Triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 vào tháng 2/2021, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các Bộ, ngành, địa phương; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới cũng luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. Ngày 18/7/2022 vừa qua, hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn phía Hoa Kỳ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Về nội dung thứ hai trong câu hỏi của phóng viên, đề nghị trao đổi với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan phụ trách vấn đề này.

5.Phoenix TV: Tháng trước Việt Nam và Ấn Độ đã ký bản ghi nhớ hỗ trợ hậu cần cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau. Báo chí Ấn Độ bình luận: đây là thỏa thuận lớn nhất đầu tiên mà Việt Nam ký với một nước khác trong lĩnh vực này, có ý nghĩa quan trọng với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Xin hỏi quan điểm của Việt Nam về bình luận này? Việt Nam có ý định ký thỏa thuận tương tự với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc hay Úc không?

Thông tin về chuyến thăm đã được báo chí đăng tải đầy đủ.

Với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, Việt Nam có quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia, cùng nhau đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer