Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 16 năm 2022
I. THÔNG BÁO
1. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 25 – 28/9/2022.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Lễ Quốc tang cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thể hiện tình cảm và sự ghi nhận của Lãnh đạo và Nhân dân Việt Nam đối với những tình cảm và đóng góp của cựu Thủ tướng Abe Shinzo trong thúc đẩy quan hệ hai nước, khẳng định sự coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.Trong thời gian tại chức, cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã 04 lần thăm Việt Nam, dành nhiều tình cảm và đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển rất tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Dự kiến, trong khuôn khổ Lễ Quốc tang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự các hoạt động chính và gặp gia quyến cố Thủ tướng Abe Shinzo, Lãnh đạo, bạn bè Nhật Bản và lãnh đạo một số nước.
2. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc (22 – 24/09/2022)
Từ ngày 22-24/9/2022, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá 77 Đại hội đồng Liên hợp quốctại New York, Hoa Kỳ.Chuyến đi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022) và Việt Nam vừa đảm nhiệm thành công vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 – 2021.
Thời gian vừa qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, trách nhiệm, đóng góp thực chất, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trụ cột của Liên hợp quốc, qua đó cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Dự kiến, trong thời gian ở New York, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ tham dự Lễ khai mạc và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 77. Trong khuôn khổ chuyến công tác, dự kiến Phó Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc gặp với một số Lãnh đạo của Liên hợp quốc, tiếp xúc song phương với Lãnh đạo Cấp cao một số nước tham dự kỳ họp và chủ trì sự kiện kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
3. Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ lần thứ 10 (23/9/2022)
Trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác ký năm 2013, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Bát-sum-bê-rin Mơn-khơ-chin (Batsumber Munkhjin) sẽ đồng chủ trì họp Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ lần thứ 10 diễn ra vào ngày 23/9/2022 tại Hà Nội.
Phiên Tham khảo Chính trị lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thông Việt Nam – Mông Cổ đang phát triển tốt đẹp hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954 – 17/11/2024). Các hoạt động trao đổi đoàn và hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước được khôi phục trở lại khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở cả hai nước.
Trong thời gian tại Việt Nam, dự kiến Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ cũng sẽ chào xã giao Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; làm việc với một số cơ quan liên quan để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực; và thăm một số địa phương của Việt Nam.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. TTXVN: Xin Người phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc một số tổ chức nhân quyền quốc tế có ý kiến trái chiều về việc Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do thành tích nhân quyền và sự hợp tác với Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam?
Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam.
Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mới đây nhất, tháng 03/2022, Việt Nam đã công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR)chu kỳ III, thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và sự nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.
Việt Nam luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đồng thời cũng thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước; sẵn sàng cung cấp, trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau.
2. VnExpress: Xin người phát ngôn cập nhật tình hình bảo hộ công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia lao động? Giới chức Campuchia thông báo đã bắt được hàng trăm người trong đợt truy quét các sòng bạc cuối tuần qua, trong đó có nhiều người nước ngoài. Xin người phát ngôn cho biết trong số này có người Việt hay không và các biện pháp bảo hộ công dân?
Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia rất quan tâm, chú trọng công tác bảo hộ công dân trước tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia.
Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo rất sát sao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia cũng rất tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng Campuchia để thúc đẩy tăng cường rà soát, mở rộng hơn nữa điều tra, xác minh và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện cũng khẩn trương phối hợp hiệu quả với các cơ quan trong nước (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Quản lý xuất Nhập cảnh – Bộ Công an) và địa phương trong nước (Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Long An) tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh, tiếp nhận công dân sau khi được giải cứu về nước. Theo số liệu mới nhất mà chúng tôi tổng hợp được thì chođến ngày 21/09/2022, đã giải cứu được hơn 1000 công dân về nước và hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác.
Các cơ quan chức năng Campuchia cũng rất tích cực trong việc phối hợp, hỗ trợ các cơ quan đại diện Việt Nam giải cứu và bảo hộ công dân. Đặc biệt là từ đầu tháng 09/2022, kể từ khi Campuchia mở chiến dịch truy quét các tổ chức tội phạm giam giữ, ép buộc người lao động bất hợp pháp thì số lượng công dân Việt Nam được các cơ quan đại diện cùng với phía Campuchia giải cứu đã lên đến 400 người.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương có liên quan và với phía Campuchia để triển khai các biện pháp tăng cường công tác lãnh sự, bảo hộ công dân tại Campuchia, kịp thời xử lý các vấn đề phát sin và, đưa về nước những công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp, và quan trọng nhất là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.
3. Phoenix: Đề nghị cho biết thông tin về chuyến thăm Việt Nam vào ngày 6-7/10/2022 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan? Có phải hai bên sẽ tập trung thảo luận về việc hợp tác tăng giá gạo xuất khẩu ra toàn thế giới?
Hiện tôi chưa có thông tin về chuyến thăm này. Tôi sẽ trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và thông tin tới phóng viên vào thời điểm phù hợp.
Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Thái Lan, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản và đổi mới khoa học công nghệ, mang lại lợi ích cho người nông dân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Thái Lan.
4. Phoenix: Nguồn tin từ truyền thông Thái Lan cho biết Việt Nam và Thái Lan có thể hợp tác tăng giá gạo khoảng 20%. Giới chuyên gia dự đoán việc này sẽ khiến giá lương thực toàn cầu tăng cũng như gia tăng lạm phát toàn cầu?
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu, trong đó có an ninh lương thực. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh khối lượng xuất khẩu lương thực. Trong 07 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt mức kỷ lục 4,19 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với vấn đề giá lúa gạo, với vai trò quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng quy luật thị trường, tuân thủ đúng theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|