Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 17 năm 2022


I. THÔNG BÁO

1. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ 6, tiến hành một số hoạt động song phương tại Kazakhstan và thăm song phương Croatia từ ngày 09-14/10/2022.

Nhận lời mời của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ 6, tiến hành một số hoạt động song phương tại Kazakhstan và thăm song phương Croatia theo lời mời của Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic từ ngày 09-14/10/2022. Hội nghị CICA lần thứ 6 được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập CICA.

Việt Nam gia nhập CICA từ năm 2010 và là một thành viên chủ động có trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các quan tâm chung của CICA. Ban Thư ký CICA và các nước đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cũng như uy tín, vị thế và những đóng góp của Việt Nam trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế.

Về quan hệ Việt Nam – Kazakhstan, hai nước đã có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và năm nay kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 – 2022). Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 623 triệu USD, tăng gấp gần ba lần so với trước khi triển khai Hiệp định Thương mại Tự do. Đây là Hiệp định Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu mà Kazakhstan là thành viên đã ký kết năm 2015.

Về quan hệ Việt Nam – Croatia, hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống. Thời gian gần đây, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc khi tham gia các diễn đàn đa phương cũng như cơ chế tham vấn chính trị định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao. Hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước có nhiều tiềm năng phát triển, kim ngạch thương mại những năm gần đây có xu hướng gia tăng tích cực.

Dự kiến, trong chuyến công tác, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ và có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6; sẽ có trao đổi, tiếp xúc song phương với Giám đốc Điều hành CICA và một số Trưởng đoàn các nước bên lề hội nghị. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước Vũ Thị Ánh Xuân cũng sẽ có các cuộc hội kiến, hội đàm với các Lãnh đạo cấp cao hai nước Kazakhstan, Croatia cũng như tiến hành một số hoạt động song phương khác.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Phoenix: Công an tìm thấy căn cước công dân do Trung Quốc cấp trong ví của 2 nạn nhân trong số 7 thi thể được phát hiện từ trưa đến chiều 29-9 ở biển Phú Quốc. Xin hỏi người phát ngôn chính quyền có động thái gì để xác định nhân thân của họ? Đến nay đã có thông tin mới về vụ việc chưa?

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc phát hiện một số thi thể nghi là công dân Trung Quốc tại bờ biển Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, cơ quan chức năng địa phương đã trao đổi với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành xác minh, điều tra, giải quyết vụ việc. Trước mắt đã lấy mẫu để tiếp tục xác định nhân thân, lai lịch của nạn nhân, đồng thời làm rõ nguyên nhân tử vong và xử lý vấn đề hậu sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Báo Dân Việt: Tuần qua đã có các diễn biến mới liên quan đến vai trò của các cán bộ ngoại giao trong và ngoài nước trong những chuyến bay giải cứu. Quan điểm của Bộ Ngoại giao về những vụ việc này như thế nào? Trước những vụ việc mà các cán bộ ngoại giao phải đối mặt với pháp luật liên quan đến chuyến bay giải cứu trong những tháng vừa qua, xin cho biết Bộ Ngoại giao làm gì để củng cố đội ngũ, cả về trách nhiệm, đạo đức, tâm lý tinh thần?

Ngày 04/10 vừa qua, Bộ Công an đã có thêm một số thông tin về vụ việc phóng viên hỏi.

Trước đó, Bộ Ngoại giao đã đình chỉ công tác của các cá nhân liên quan để phục vụ quá trình điều tra. Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.

Quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao là tất cả cán bộ ngoại giao đều phải tuân thủ nghiêm túc chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; mọi hành vi vi phạm đều phải xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm.

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (i) tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ và nhân viên; (ii) rà soát, hoàn thiện quy trình xử lý công việc, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các thủ tục hành chính, lãnh sự và bảo hộ công dân; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ công tác kiểm tra, thanh tra theo quy định của Đảng và Nhà nước; (iii) quán triệt đến từng đơn vị, từng cán bộ, nhân viên về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ; (iv) động viên cán bộ, nhân viên phát huy truyền thống ngành ngoại giao, giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

3. Soha: Quan điểm của Bộ Ngoại giao về việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson?

Việt Nam quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình gần đây xung quanh xung đột Nga - Ukraine.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

4. Soha: Vừa qua, tờ Washington Post của Mỹ đưa tin, một số sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ có xuất xứ từ Nga. Xin cho biết bình luận về thông tin này?

Hiện tôi chưa có thông tin về việc này.

Tuy nhiên cần phải khẳng định, với tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng, tuân thủ theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư song phương, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

5. NHK: Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc người Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn bán người tại Campuchia trốn thoát về Việt Nam. Xin Người Phát ngôn bình luận về vấn đề này và Chính phủ Việt Nam có những biện pháp gì để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trên?

Đây là vấn đề nổi lên gần đây và rất được quan tâm. Các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam cũng đã tích cực, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan của phía Campuchia để xử lý.

Thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã bám sát tình hình sở tại, duy trì liên lạc thường xuyên với cộng đồng, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia để tăng cường rà soát, mở rộng hơn nữa điều tra, xác minh và giải cứu các công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan chức năng trong nước cũng đã phối hợp tích cực, hiệu quả, nhanh chóng giải quyết các thủ tục cần thiết để đưa công dân về nước. Kết quả là, tính tới nay, đã giải cứu được hơn 1000 công dân về nước và hỗ trợ thủ tục cho hàng nghìn công dân khác.

Các bộ, ngành, địa phương ở trong nước cũng đã tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, các công ty, nhà máy, xí nghiệp… chấp hành pháp luật, chủ động phòng tránh những hành vi lôi kéo, lừa gạt người Việt  Nam xuất cảnh sang nước ngoài lao động bất hợp pháp; tăng cường kiểm soát ở khu vực cửa khẩu biên giới, đồng thời có các biện pháp giáo dục, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, đồng thời để nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và địa phương trong nước cũng như các cơ quan liên quan của Campuchia để nắm bắt tình hình người lao động Việt Nam tại Campuchia, nhanh chóng hỗ trợ, giải cứu và đưa về nước những công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp, đồng thời có những biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông trong nước để tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến người dân.

6. Central News Agency: Việt Nam đã thu hút được nhiều du khách nước ngoài sau khi mở cửa du lịch, Đài Loan gần đây cũng tuyên bố sẽ dỡ bỏ cách ly đối với khách nhập cảnh. Hãng hàng không China Airlines của Đài Loan ngay lập tức thông báo sẽ khai trương đường bay thẳng từ sân bay Đào Viên đến Đà Nẵng - Việt Nam, bắt đầu từ ngày 2 tháng 1 năm sau, với tần suất 5 chuyến/tuần. Xin hỏi Việt Nam có bình luận gì về việc China Airlines mở thêm đường bay mới này?

Việt Nam luôn ủng hộ việc thiết lập các đường bay quốc tế đến và đi tới các địa phương trong khu vực và thế giới, qua đó cũng giúp tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi về kinh tế - thương mại, du lịch và trên các lĩnh vực khác giữa Việt nam và đối tác.

7. Central News Agency: Hiện nay thủ tục xin visa cho du khách nước ngoài vào Việt Nam khá phức tạp, một số người Đài Loan để xin visa vào Việt Nam du lịch đã phải bỏ ra không dưới 300 USD, chi phí cao hơn rất nhiều so với trước khi có dịch. Xin hỏi nguyên nhân tại sao và liệu có cách nào để cải thiện vấn đề này không?

Từ ngày 15/03/2022, Chính phủ Việt Nam đã quyết định phục hồi chính sách xuất nhập cảnh như trước thời điểm Covid-19, bao gồm phục hồi thủ tục, quy trình cấp thị thực theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, cũng như là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Theo quy định, người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch cần thông qua cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục xin cấp phép nhập cảnh tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Sau khi được phê duyệt, khách có thể đến nhận thị thực tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, công dân của nhiều nước có thể xin thị thực điện tử để vào Việt Nam du lịch bằng cách truy cập vào trang website chính thức của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công An để nộp hồ sơ, phí cũng như nhận thị thực qua thư điện tử. Loại thị thực cũng như và thời hạn thị thực do Cục Quản lý Xuất nhập cảnh quyết định.

Về phía Bộ Ngoại giao, thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã rất chủ động, tích cực kiến nghị Chính phủ về các chính sách, biện pháp mở cửa, trong đó nổi bật là việc nối lại cơ chế miễn thị thực cho cho công dân của 13 nước như trước khi dịch bệnh xảy ra, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về các phương án tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cũng như các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.

8. Central News Agency: Có thông tin eo Biển Đài Loan có thể xảy ra xung đột. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam nếu có chuyện này xảy ra?

Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tình hình tại eo biển Đài Loan. Việt Nam cho rằng hòa bình, ổn định và hợp tác ở eo biển có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và thế giới trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trên cơ sở kiên trì chính sách “Một Trung Quốc”, Việt Nam mong muốn các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan, cũng như ở khu vực và trên toàn thế giới.

9. Thanh niên: Đề nghị cho biết công tác bảo hộ công dân trong vụ việc Philippines giải cứu 14 người Việt là nạn nhân buôn người, bị giam cầm ở thành phố Paranaque?

Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, tiếp xúc với các công dân bị bắt giữ để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.

Theo thông tin cập nhật từ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, ngày 05/10/2022, 13/14 công dân Việt Nam đã được trả tự do. Hiện còn một công dân đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ Phụ nữ và trẻ em Philippines do mắc Covid-19./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer