Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 21 năm 2022


I. Thông báo

1. Hội nghị quốc tế “Hợp tác du lịch Việt Nam – các nước thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC): Tiềm năng và triển vọng”

Ngày 15/12/2022, tức là ngày hôm nay trong lúc chúng ta họp báo, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị quốc tế “Hợp tác du lịch Việt Nam – các nước thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC): Tiềm năng và triển vọng” tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị.

Diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để phục hồi và phát triển ngành du lịch sau thời gian đại dịch, đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch, đầu tư trong lĩnh vực du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho khách Vùng Vịnh tại Việt Nam; kết nối các doanh nghiệp lữ hành, địa phương du lịch cả nước với các đối tác khu vực.

Tham gia Hội nghị có khoảng 200 đại biểu trong và ngoài nước, gồm Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước Vùng Vịnh; các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp lữ hành, blogger, các nhà báo du lịch hai khu vực; các địa phương có tiềm năng du lịch của Việt Nam; các hãng hàng không và một số cơ quan thông tấn báo chí.

2. Diễn đàn Đông Á (EAF) lần thứ 20 (19-20/12/2022)

Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum-EAF) lần thứ 20 với chủ đề “Kỷ niệm 25 năm hợp tác ASEAN+3: Cùng phục hồi, cùng lớn mạnh hướng tới phát triển bao trùm, đồng đều và bền vững tại Đông Á”. Diễn đàn này sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 19-20/12/2022 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.

Diễn đàn Đông Á là cơ chế đối thoại được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2003, trong khuôn khổ ASEAN+3 (giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), với sự tham gia của đại diện chính phủ cấp Thứ trưởng/Trưởng SOM ASEAN, học giả và đại diện doanh nghiệp các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Diễn đàn nhằm trao đổi và đưa ra các khuyến nghị chính sách trình lên các Hội nghị cấp SOM, cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Cấp cao ASEAN+3 để thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 và khu vực Đông Á.

Diễn đàn  được tổ chức luân phiên giữa 1 nước ASEAN và 1 nước +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Việt Nam đã đăng cai tổ chức Diễn đàn lần thứ nhất vào 2010 và lần thứ hai vào năm 2020, đạt kết quả tốt đẹp, được các nước ASEAN+3 hoan nghênh và đánh giá cao.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. AFP: Ngày 14/12, các nước G7 đạt thỏa thuận để hỗ trợ cho Việt Nam 15,5 tỷ USD cho Việt Nam trong chuyển đổi xanh? Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng trước thông tin này? Bộ Ngoại giao có thông tin gì về việc sử dụng khoản số tiền này như thế nào? 

Việt Nam đã cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng, gọi tắt là JETP. Đây là bước đi cụ thể để tiếp tục huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế. Đồng thời, việc thông qua Tuyên bố chính trị cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.

Và như chúng ta đã biết tiến trình chuyển đổi năng lượng cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác trên cơ sở công bằng, công lý, bình đẳng, cùng có lợi, để vừa bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Central News Agency: Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam mới chỉ thu hút được 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong khi mục tiêu đặt ra là 5 triệu. Nguyên nhân do các du khách nước ngoài cảm thấy việc xin visa không thuận tiện. Lượng khách Đài Loan vào Việt Nam hiện giảm so với thời điểm trước dịch. Xin hỏi Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan để nắm bắt tình hình chưa?

Chúng tôi sẽ kiểm tra như thông tin phóng viên vừa hỏi.

Như đã từng trao đổi về vấn đề này, từ ngày 15/03/2022, Chính phủ Việt Nam đã quyết định phục hồi chính sách xuất nhập cảnh như trước thời điểm Covid-19, bao gồm phục hồi thủ tục, quy trình cấp thị thực theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, cũng như là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã rất chủ động, tích cực kiến nghị Chính phủ về các chính sách, biện pháp mở cửa, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh. Các quy trình và thủ tục cấp thị thực của Việt Nam đều được giải quyết theo Luật Xuất nhập cảnh.

Bộ Ngoại giao ghi nhận thông tin về một số vướng mắc, khó khăn của người nước ngoài trong thủ tục xin thị thực nhập cảnh Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về các phương án tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cũng như các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới.

3. Zing: Liên minh châu Âu công bố đóng góp 10 tỷ euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN. Xin cho biết bình luận về thông tin này?

Việt Nam hoan nghênh việc Liên minh châu Âu (EU) công bố đóng góp 10 tỷ Euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến nhóm Châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN.

Quyết định này sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, hướng tới thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU; tăng cường kết nối thông qua triển khai Tuyên bố chung về kết nối năm 2020 và Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU, thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng; và cũng như là hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng và chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

4. Zing: Vừa qua có thông tin cảnh sát tỉnh Hyogo bắt giữ 3 người đàn ông Việt Nam nghi là thành viên nhóm lừa đảo quốc tế. Đề nghị cho biết thông tin về vụ việc này?

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp.

5. Truyền hình Công an Nhân dân: Đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo sẽ đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” về tự do tôn giáo? Quan điểm của Bộ Ngoại giao về vấn đề này như thế nào?

Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.

Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo và những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

6. NHK: Thời gian vừa qua có một số trường hợp là các nạn nhân của mua bán người sang Trung Quốc làm cô dâu trở về Việt Nam và đoàn tụ với gia đình sau hàng chục năm xa cách. Xin cho biết đánh giá về hai trường hợp này và những trường hợp tương tự? Những biện pháp mà Việt Nam áp dụng để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai?

Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương tạo thuận lợi di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Thời gian qua, Việt Nam quyết liệt tăng cường triển khai công tác phòng, chống mua bán người, cũng như triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp, nhiệm vụ mới nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/03/2020, nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) trong việc ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật đồng thời sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, ngăn chặn nguy cơ mua bán người vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc theo Hiệp định song phương giữa Chính phủ hai nước về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người và các khuôn khổ hợp tác khác như Sáng kiến cấp Bộ trưởng sáu nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Công (COMMIT).

Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc và lực lượng chức năng trong nước nhằm triển khai hiệu quả Hiệp định, hồi hương, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời người bị mua bán trở về./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer