I. THÔNG BÁO
1. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam (12-18/01/2023)
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Kim Jin Pyo và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 – 18/01/2023.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Kim Jin Pyo kể từ khi nhậm chức (7/2022) và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc đến Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc vào tháng 12/2022. Quan hệ giữa Quốc hội hai nước đang phát triển tốt đẹp, đạt nhiều thành quả thực chất trên tinh thần nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội ký tháng 7/2013; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao, cấp ủy ban, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, cơ quan phục vụ Quốc hội với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt.
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; hội kiến các Lãnh đạo Chủ chốt và thăm một số địa phương của Việt Nam.
2. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023 tại Davos, Thụy Sỹ (16-17/01/2023)
Nhận lời mời của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53 tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 16 đến ngày 17/01/2023.
Hội nghị WEF Davos lần này có chủ đề “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh”, diễn ra trong bối cảnh hợp tác Việt Nam – WEF ngày càng được củng cố và phát triển. Lãnh đạo hai bên đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, trao đổi. Các lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai bên như bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhựa, đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp, đào tạo kỹ năng, chuyển đổi số không ngừng được thúc đẩy.
Dự kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ phát biểu tại các phiên thảo luận, tọa đàm của WEF; tiếp xúc song phương với Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn toàn cầu tham dự hội nghị cùng một số hoạt động quan trọng khác.
3. Kỷ niệm 50 năm ngày ký “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” (27/1/1973 – 27/1/2023)
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” (27/1/1973 – 27/1/2023), trong tháng 1/2023, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm, nhằm tuyên truyền ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Hiệp định Paris; tôn vinh, tri ân công lao, hy sinh to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ cách mạng tiền bối và sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế, nhất là đối với những thế hệ cán bộ đã tham gia đóng góp vào quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris.
Nổi bật trong chuỗi hoạt động là hai sự kiện:
- Lễ Kỷ niệm với chủ đề “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam – Mốc son thắng lợi trên mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” sẽ được tổ chức vào ngày 17/01/2023 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đại diện thành viên hai đoàn đàm phán; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan đối ngoại, cơ quan tham gia đàm phán, thực thi hiệp định Paris; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử; và các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam...
- Trước đó, vào ngày 16/1/2023, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Hội nghị sẽ có sự tham gia và phát biểu tham luận của Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và hơn 300 đại biểu khác.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tuổi trẻ: Vừa qua, truyền thông Anh đưa tin tòa án đã ra lệnh tịch thu 180.000 bảng Anh (hơn 217.000 USD) từ chủ công ty vận tải liên quan đến cái chết của 39 người Việt để bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Đề nghị cho biết Bộ Ngoại giao đã có phối hợp gì với phía Anh trong việc giúp gia đình các nạn nhân nhận được bồi thường? Sau phán quyết của tòa án Anh, hướng sắp tới của Bộ Ngoại giao là gì?
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, ngày 6/1/2023 Toà Hình sự Tối cao Vương quốc Anh đã ra phán quyết về việc Ronan Hughes, đứng đầu đường dây vận chuyển người bất hợp pháp, hiện đang thụ án tù 20 năm sẽ bị tịch thu tài sản trị giá trên 180.000 bảng Anh để bồi thường cho gia đình các nạn nhân người Việt tử vong trong vụ việc năm 2019. Phán quyết chỉ là quyết định pháp lý ban đầu, việc thực thi phán quyết có thể có nhiều phức tạp, đòi hỏi thời gian xử lý tương đối dài, theo trình tự của pháp luật Anh. Trong trường hợp Ronan Hughes không thực hiện phán quyết về việc bồi thường cho các nạn nhân thì hình phạt sẽ tăng thêm 02 năm tù giam.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tiếp tục giữ liên hệ với các cơ quan chức năng của Anh để theo dõi sát vụ việc, cập nhật thông tin, sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
2. Tuổi trẻ: Tòa án tối cao Philippines ngày 10/01 tuyên bố Thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Quốc và Việt Nam là vi hiến vì Hiến pháp Philippines không cho phép các thực thể nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên. Thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào năm 2008. Đề nghị cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao về phán quyết của Tòa tối cao Philippines? Quan điểm của Việt Nam về các dự án cùng thăm dò năng lượng với Philippines là gì?
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Là quốc gia ven biển và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam cho rằng mọi hoạt động hợp tác quốc tế, trong dó có hợp tác biển, cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của các nước được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
3. Tuổi trẻ: Vừa qua, Trung Quốc có thông báo sẽ mở cửa biên giới và không tiến hành cách ly đối với người về từ nước ngoài từ ngày 08/01/2023. Đề nghị Bộ ngoại giao cho biết: Hai nước có trao đổi về việc cấp visa du lịch và các loại visa khác cho người Việt Nam sang Trung Quốc hay không? Bộ Ngoại giao có khuyến cáo gì cho công dân Việt Nam sang Trung Quốc sắp tới hay không? Việt Nam đã có chuẩn bị gì cho việc đón khách du lịch Trung Quốc hay chưa? Việc cấp visa du lịch giữa hai nước đã bắt đầu nối lại chưa? Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác đã phối hợp như thế nào để đảm bảo hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại diễn ra thông suốt sau ngày 08/01/2023?
Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ Việt Nam đã phục hồi quy trình, thủ tục cấp các loại thị thực và giấy miễn thị thực cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19, theo đúng các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Với việc Trung Quốc chính thức mở cửa và dịch bệnh đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích thiết thực của hai bên.
Đối với công dân Việt Nam muốn đi đến các nước, trong đó có Trung Quốc, cần chủ động theo dõi, cập nhật chính sách visa, các quy định về xuất nhập cảnh và phòng chống dịch ở nước sở tại; trong thời gian ở nước ngoài, khi cần trợ giúp hoặc cần thông tin kịp thời, cần liên hệ cho các cơ quan đại diện Việt Nam trên địa bàn và cơ quan chức năng sở tại.
Liên quan đến câu hỏi về công tác phối nhằm đảm bảo hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại diễn ra thông suốt sau khi Trung Quốc mở cửa vào ngày 08/1/2023, tôi xin trả lời như sau:
Thực hiện Tuyên bố chung trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như tinh thần các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc, các cơ quan chức năng của hai bên duy trì trao đổi thường xuyên, cùng nỗ lực bảo đảm hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng được duy trì thông suốt, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Được biết, Hải quan Trung Quốc thông báo từ ngày 08/01/2023 sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nhiệm axit nuleic phòng chống Covid-19 đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng đông lạnh, tại cửa khẩu. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều cửa khẩu của Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thông quan, trong đó có thông quan hẹn trước. Các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước cần chủ động nắm thông tin để phối hợp với các đối tác Trung Quốc xây dựng kế hoạch vận chuyển và thông quan hàng hóa khi Trung Quốc mở cửa.
4. Central News Agency: Nhiều quốc gia đã áp đặt yêu cầu về phòng chống dịch bệnh đối với hành khách đến từ Trung Quốc hoặc nâng cao yêu cầu phòng chống dịch bệnh đối với tất cả hành khách nhập cảnh. Đề nghị cho biết Việt Nam có dự kiến áp dụng biện pháp nào liên quan đến vấn đề này không?
Tôi nghĩ một phần câu trả lời của tôi đã nằm trong câu trả lời Báo Tuổi trẻ.
Việc nhập cảnh của công dân nước ngoài vào Việt Nam sẽ được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới./.