I. THÔNG BÁO
1. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Cherynshenko thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko (Đi-mi-tơ-ri Che-rơ-nưi-sen-cô) thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Khoá họp lần thứ 24 của Uỷ ban Liên chính phủ Việt Nam – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật từ ngày 5-7/4/2023.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga tiếp tục được củng cố, trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp được duy trì. Hợp tác giữa hai nước thời gian qua được thúc đẩy trong các lĩnh vực và đạt được các kết quả tích cực.
Trong thời gian chuyến thăm, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko (Đi-mi-tơ-ri Che-rơ-nưi-sen-cô) sẽ hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chủ trì Khoá họp lần thứ 24 của Uỷ ban Liên Chính phủ với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và có một số hoạt động khác.
2. Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023 tại Bắc Ninh (7/4/2023)
Ngày 7/4/2023, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023” nhằm giới thiệu văn hóa vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam” được tổ chức từ năm 2015, nhằm giới thiệu về văn hoá, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, cập nhật các thành tựu kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước cho các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Chương trình đã được các đại biểu tham dự những năm trước đánh giá cao, góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng quốc tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tinh hoa văn hóa Việt Nam và giá trị các di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Tham dự Chương trình năm nay sẽ có các Đại sứ Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, các Tổ chức quốc tế tại Hà Nội và phu nhân/phu quân, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN, các đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm. Trong khuôn khổ chương trình, các vị khách mời sẽ có nhiều hoạt động tìm hiểu về Dân ca Quan họ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ độc đáo và nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư mang nét văn hóa riêng của vùng Kinh Bắc.
Bộ Ngoại giao đã gửi thư mời đến các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, các cơ quan đại diện và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và rất mong sự có mặt của các bạn tại Bắc Ninh.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. TTXVN: Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết quan điểm của Việt Nam về thông tin bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay biến mất” có nội dung không chính xác, cho rằng Việt Nam không hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm máy bay MH370?
Ngay khi xảy ra vụ việc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia Airlines mất tích, các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương, chủ động lên các phương án ứng phó, tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với Malaysia và các quốc gia mong muốn triển khai tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin. Những nỗ lực của Việt Nam vào thời điểm đó đã được cộng đồng quốc tế, dư luận báo chí trong và ngoài nước ghi nhận.
Như chúng ta đều biết, cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về vụ việc máy bay MH370. Do đó, việc bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay biến mất” đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam bất bình.
Chúng tôi yêu cầu công ty sản xuất và nhà làm phim phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, gỡ bỏ và sửa đổi những nội dung không phù hợp.
2. Tuổi trẻ: Xin cho biết quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết các bất đồng trên Biển Đông?
Là quốc gia luôn kiên định với lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Việt Nam ủng hộ việc các nước có thể cùng nhau hợp tác giải quyết bất đồng trong vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước được xác định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương.
Với chủ trương trên, Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các quốc gia liên quan đàm phán, giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, cũng như đóng góp cho hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
3. Tuổi trẻ: Đề nghị cập nhật về hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 4 được cho là đang trong vùng biển Việt Nam?
Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động ở khu vực Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cho biết hiện tàu Hải Dương Địa chất 4 đã rời khỏi vùng biển Việt Nam.
4. Tuổi trẻ: Bình luận về việc Tổ chức Khoa học Tự nhiên Trung Quốc (NSFC) công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên”, trong đó có một số tuyến tại Biển Đông (NH2, NH3) bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam?
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việc tiến hành khảo sát, nghiên cứu khoa học trong phạm vi quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình, do đó không có giá trị.
5. Tuổi trẻ: Ngày 30/3/2023, truyền thông Đài Loan cho biết nhà chức trách nước này vừa phát hiện một số thi thể mang giấy tờ Việt Nam trôi dạt trên vùng biển gần hòn đảo này. Đến 3/4/2023, truyền thông Đài Loan tiếp tục phát hiện 12 người Việt Nam trên 1 tàu cá gần đảo Đài Loan và nghi ngờ là nạn nhân buôn người. Xin Bộ Ngoại giao cung cấp thêm thông tin về vụ việc này và các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết?
Liên quan tới thông tin phát hiện một số thi thể người nước ngoài trong đó có một số thi thể mang giấy tờ tuỳ thân Việt Nam trong khu vực biển Đài Loan vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) theo sát vụ việc, hỗ trợ thân nhân những người được cho là mất tích tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân và xử lý các vấn đề hậu sự.
Liên quan đến việc Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện 12 người mang giấy tờ Việt Nam vượt biển trái phép trên biển, đây là thông tin chúng tôi vừa được biết.
Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) để nắm bắt thông tin và kịp thời triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết. Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để làm rõ thông tin, theo dõi vụ việc, có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp an toàn và ngăn chặn những vụ việc tương tự tái phát.
6. Reuters: Đề nghị cung cấp thông tin cụ thể liên quan các Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam – Nga và doanh nghiệp hai nước dự kiến đoàn Việt Nam sẽ ký kết với Nga trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nga? Nội dung thảo luận trong chuyến thăm có đề cập đến tình hình Biển Đông hay không?
Như tôi đã thông báo, sáng nay, ngày 06/04/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko (Đi-mi-tơ-ri Che-rơ-nưi-sen-cô) đã đồng chủ trì Khoá họp lần thứ 24 của Uỷ ban Liên chính phủ Việt Nam –Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật. Theo tôi biết, cuộc họp mới kết thúc trong ít thời gian trước đây.
Tại khóa họp, hai bên đã khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; cùng nhau rà soát, tổng kết việc triển khai Biên bản Khóa họp lần thứ 23, đồng thời đề xuất, trao đổi và thông nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học – kỹ thuật, văn hóa – du lịch, cũng như kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong một số dự án hợp tác. Kết thúc khóa họp, Hai Phó Thủ tướng đã ký Biên bản khóa họp lần thứ 24 và chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực công nghệ cao và giáo dục – đào tạo.
Thông tin cụ thể về khóa họp cũng như các hoạt động khác của đoàn Phó Thủ tướng Đi-mi-tơ-ri Che-rơ-nưi-sen-cô thăm Việt Nam sẽ được chúng tôi cung cấp tới các cơ quan báo chí trong thời gian sớm nhất.
7. Central News Agency: Tiếp theo câu hỏi báo Tuổi trẻ liên quan tới Đài Loan, đề nghị cho biết quá trình xác minh nhân thân nạn nhân hoàn tất chưa? Người thân có thắc mắc gì về nguyên nhân tử vong không? Khi nào họ sẽ được thu xếp sang Đài Loan? Trước những vụ việc vượt biên gần đây, phía Việt Nam có cách lý giải như thế nào? Lý do những người này chọn sang Đài Loan? Việt Nam đã triển khai công tác điều tra chưa? Có hay không băng nhóm tội phạm nào đứng đằng sau các vụ việc này không?
Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiếp tục hỗ trợ thân nhân của những người được cho mất tích tiến hang thủ tục xác minh thân nhân. Một trong các biện pháp xác minh nhân thân là thử ADN. Các cơ quan Việt Nam cũng đang giúp gia đình xử lý các vấn đề hậu sự.
Chính phủ Việt Nam chủ trương tạo thuận lợi cho di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.
Thời gian qua, Việt Nam quyết liệt tăng cường triển khai công tác phòng, chống mua bán người, cũng như triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp, nhiệm vụ mới nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/03/2020, nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) trong việc ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật đồng thời sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, ngăn chặn nguy cơ mua bán người vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư./.