NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO LÊ DŨNG
TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2004
Ngày 15 tháng 6 năm 2004, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn “Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ”. Theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định của luật pháp mỗi nước để Hiệp định trên có hiệu lực trong tháng 6 năm 2004.Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được hai bên đàm phán và ký kết dựa trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là kết quả của một quá trình đàm phán lâu dài dựa trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế cũng như điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh khách quan của Vịnh, thể hiện nỗ lực, thiện chí của cả hai bên, đáp ứng mong muốn và lợi ích chính đáng của mỗi nước. Giải pháp phân định mà hai bên đã đạt được là một giải pháp công bằng, có lợi cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Lần đầu tiên trong Vịnh Bắc Bộ có một đường biên giới biển có giá trị pháp lý quốc tế rõ ràng, phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam cũng như đối với quan hệ hai nước Việt – Trung, mở ra một giai đoạn mới trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng Vịnh Bắc Bộ vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.